Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: “Mong thấy dáng dấp ngành Tư pháp trong thành tựu kinh tế, xã hội tỉnh Điện Biên”

09/12/2010
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: “Mong thấy dáng dấp ngành Tư pháp trong thành tựu kinh tế, xã hội tỉnh Điện Biên”
Hôm qua (8/12), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên về công tác tư pháp và THADS của địa phương trong năm 2010.

Mặc dù nhận định trong điều kiện tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn gồm 21 dân tộc sinh sống như Điện Biên thì công tác Tư pháp, THADS luôn gặp nhiều khó khăn nhưng cả ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy và bà Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đều đánh giá cao những đóng góp của công tác tư pháp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đặc biệt là trong việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Rõ người, rõ việc sẽ nâng cao hiệu quả

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Hoa, thời gian qua, UBND tỉnh đã thường xuyên chú trọng đến công tác ban hành VBQPPL phục vụ lãnh đạo quản lý điều hành. Công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, ngày càng đi vào chiều sâu. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống VBQPPL đã kịp thời phát hiện, xử lý những văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, khắc phục những “khoảng trống” trong điều chỉnh pháp luật.

Trước đó, báo cáo với Bộ trưởng và Đoàn công tác, ông Lê Đình Thu, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: năm 2010, lần đầu tiên Sở Tư pháp được tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như: chuẩn bị nội dung tổng kết Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân; nội dung sơ kết Kế hoạch số 900 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020….

Các công tác trọng tâm khác như: xây dựng ngành; thẩm định, kiểm tra VBQPPL; theo dõi thi hành pháp luật; bồi thường nhà nước; hành chính tư pháp; đăng ký giao dịch bảo đảm; bổ trợ tư pháp; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; trợ giúp pháp lý… đều có những tiến bộ đáng kể, hoàn thành 100% số đầu việc theo kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Đây cũng là năm đầu tiên Sở Tư pháp thực sự bắt tay vào làm tốt những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình” - ông Lê Đình Thu phấn khởi báo cáo.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên, ngoài khó khăn hàng đầu là đội ngũ cán bộ tư pháp từ cấp tỉnh đến cơ sở vừa thiếu, vừa yếu thì một trong những vấn đề mà tư pháp Điện Biên đang gặp phải là trình độ nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, nhiều trẻ em sinh ra không được đăng ký khai sinh mặc dù cán bộ tư pháp cơ sở đã hết sức vận động. Thêm vào đó, tủ sách pháp luật ở cấp xã hầu như không được đầu tư, nhiều huyện đang buông lỏng công tác chứng thực và hộ tịch cấp xã…..

Về công tác THADS, ông Lường Văn Sương, Cục trưởng Cục THADS Điện Biên khẳng định: xác định rõ nhiệm vụ được giao, trên cơ sở Chương trình công tác của ngành Tư pháp năm 2010, Cục THADS đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Chương trình công tác trọng tâm thi hành án dân sự năm 2010 trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đồng thời, trên cơ sở chỉ tiêu được Bộ giao, Cục đã tiến hành xem xét quyết định giao chỉ tiêu cụ thể cho từng Chi cục, từng Chấp hành viên tỉnh với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ chỉ tiêu hoàn thành”.

Đến nay, THADS Điện Biên đã đạt 94% về việc, vượt 8% so với chỉ tiêu được giao; đạt 73% về tiền, vượt 9% so với chỉ tiêu được giao. Cái khó mà THADS Điện Biên gặp phải là số lượng án tồn đọng trong các cơ quan THADS tỉnh chủ yếu là án hình sự về ma túy, người phải thi hành án hiện đang chấp hành hình phạt tù dài hạn hoặc không có tài sản, nguồn thu nhập, không có điều kiện thi hành phần nghĩa vụ dân sự của bản án. Đây cũng là khó khăn lớn trong công tác giải quyết án tồn đọng của Điện Biên.

   

Nguồn nhân lực vẫn là khâu quan trọng

Kiến nghị với Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, trong thời gian tới, Trung ương cần có những giải pháp đột phá về công tác cán bộ tư pháp cũng như kinh phí cho công tác này nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. “Cán bộ có trình độ nhưng nếu xuống huyện, xuống xã mà không hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc thì cũng khó mà công tác hiệu quả” - ông Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.

Một ví dụ được ông Nguyễn Thanh Tùng đưa ra để minh chứng cho khó khăn của cán bộ tư pháp khi vấp phải trình độ nhận thức về pháp luật còn hạn chế của bà con dân tộc: “Vừa rồi tỉnh rà soát số liệu bà con không quốc tịch cư trú lâu năm trên lãnh thổ Việt Nam để hướng dẫn làm thủ tục nhập quốc tịch theo Luật Quốc tịch Việt Nam 2008. Trong số 300 hồ sơ bà con ghi quốc tịch Lào, xác minh cho thấy chỉ có 50 hồ sơ là ghi chính xác, số còn lại là người Việt Nam nhưng không biết mình quốc tịch Việt Nam, cứ ghi quốc tịch Lào”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ sự vui mừng trước sự khởi sắc trên nhiều lĩnh vực của Điện Biên, trong đó có những tiến bộ của ngành Tư pháp, THADS tỉnh. “Tôi rất vui mừng trước thông tin lần đầu tiên Sở Tư pháp được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng và bắt tay thực sự vào những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình. Những kết quả mà THADS Điện Biên đạt được trong năm nay cũng thể hiện sự nỗ lực và bài bản trong công tác” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết. Bộ trưởng đặc biệt ấn tượng trước thông tin năm nay chỉ số năng lực cạnh tranh của Điện Biên tăng vượt bậc, lên mức 27 và hy vọng trong sự thành công này có “dáng dấp” đóng góp của ngành Tư pháp tỉnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý, rất nhiều việc Tư pháp, THADS không thể thành công nếu không có sự hỗ trợ của Công an, Kiểm sát, Tòa án, Nội vụ, Tài chính…. Bởi vậy, Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh và các cấp, các ngành của Điện Biên tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tư pháp, THADS Điện Biên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

“Gỡ vướng” cho địa phương về nguồn nhân lực, Bộ trưởng cho biết đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng mở các lớp đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ tư pháp, THADS, trong đó có ưu tiên cho Điện Biên. Trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ thành lập Trường trung cấp Luật Sơn La và chắc chắn đó sẽ là một địa chỉ tin cậy để địa phương gửi cán bộ tư pháp cơ sở tới học tập.  

Hồng Thúy