Hội nghị đối thoại về khung pháp lý liên quan ứng dụng công nghệ Blockchain

20/09/2019
Hội nghị đối thoại về khung pháp lý liên quan ứng dụng công nghệ Blockchain
Ngày 18/9/2019, Bộ Tư pháp đã phối hợp cùng Thành đoàn Hà Nội tổ chức “Hội nghị đối thoại về khung pháp lý liên quan ứng dụng công nghệ Blockchain”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã dự, phát biểu khai mạc và định hướng các nội dung chính mà Hội nghị cần tập trung thảo luận và giải quyết.
Về thành phần, tham dự Hội nghị này có nhiều đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương như Ban Kinh tế Trung ương; Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia; Bộ Công an; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban chứng khoán Nhà nước; Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp. Về phía Thành đoàn Hà Nội, có đồng chí Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư và đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Ban chấp hành Đoàn TNCS Thành phố Hà Nội, tham dự. Ngoài khối các cơ quan nhà nước, còn có một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp đang phát triển sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ Blockchain; Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo (như Đại học Luật Hà Nội, Học viện an ninh, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam – Bộ TTTT, Đại học RMIT Việt Nam…).
Hội nghị được diễn ra trong một ngày với nhiều phiên thảo luận; ở phiên thảo luận buổi sáng, các đại diện đến từ khối doanh nghiệp đã trình bày các mô hình ứng dụng của Blockchain và kiến nghị của họ đối với khung pháp lý dành cho tài sản mã hóa và công nghệ Blockchain. Cụ thể, các kiến nghị như: đề nghị Chính phủ chỉ định 1 cơ quan là đầu mối phụ trách tất cả các vấn đề liên quan đến tiền mã hóa bao gồm: cấp phép, quản lý, tiếp nhận các báo cáo; nghiên cứu các thông lệ quốc tế về quản lý nhà nước đối với các loại tiền mã hóa của một số nước trên thế giới và xây dựng khung pháp lý về tiền kỹ thuật số; đề xuất Chính phủ Việt Nam gấp rút xây dựng khung pháp lý thử nghiệm “sandbox” để cấp phép cho các dự án tiền mã hóa mệnh giá ổn định “stable coin”...
Ở phiên thảo luận tiếp theo vào buổi chiều, Hội nghị đã nghe một số tham luận của đại diện Khu vực công liên quan đến khả năng ứng dụng công nghệ Blockchain vào các hoạt động quản lý nhà nước tương ứng. Ông Nguyễn Quang Thương, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình tham luận “Blockchain và khả năng ứng dụng trên thị trường chứng khoán: kinh nghiệm quốc tế và hàm ý về chính sách đối với Việt Nam”; Ông Ngô Văn Đức, Phó Trưởng phòng Giám sát các Hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tham luận “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp”; và Ông Đinh Công Hiếu, Ban Cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế với tham luận “Công nghệ Blockchain và ảnh hưởng tác động đến quản lý thuế”. Về cơ bản, các diễn giả đều cho rằng để phát triển rộng rãi các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ Blockchain thì cần tháo gỡ các thách thức cả về kỹ thuật; về thị trường; và về pháp lý; đa số các nước phát triển hiện nay đã qua giai đoạn nghiên cứu và đang ở giai đoạn quản lý thử nghiệm (thông qua cơ chế sandbox) đối với công nghệ Blockchain còn Việt Nam thì vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu; Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cũng như đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (đặc biệt là năng lực của đội ngũ cán bộ công chức) để hiểu rõ về công nghệ Blockchain phục vụ cho công tác quản lý nhà nước; Nhà nước cũng cần thực hiện các chính sách ưu đãi thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Ở phần cuối của Hội nghị, được sự ủy quyền của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã phát biểu bế mạc hội nghị bằng việc tóm tắt lại những việc đã làm, những kết quả đạt được sau 01 ngày thảo luận sôi nổi. Ông Tú cũng nhấn mạnh công nghệ Blockchain là một công nghệ rất nhiều tiềm năng, có thể đóng góp hữu ích vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; nếu tận dụng tốt công nghệ này thì Việt Nam có thể “đi tắt, đón đầu” để đạt được những bước phát triển đột phá về kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, để làm được điều này thì rất cần sự sẵn sàng chung tay, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ của cả Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Nhóm nghiên cứu Blockchain, Vụ PLDSKT