Cần SĐBS một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

20/09/2019
Cần SĐBS một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Ngày 19/9, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Phải đình chỉ một số vụ án dù thuộc tội phạm nghiêm trọng
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) Trần Hồng Phú cho biết, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018 (Luật số 14).
Có thể nói, việc ban hành Luật này là bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang và các lực lượng khác, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cũng là một trong những cam kết của Việt Nam trong việc kiểm soát vũ khí, chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí mà Việt Nam đã tham gia ký kết với các nước trong khu vực và Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Luật số 14 và Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã bộc lộ một số bất cập, khoảng trống trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
Bởi vậy, không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự đối với các hành vi trên từ ngày 1/7/2018; nếu đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; nếu đã bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì phải miễn chấp hành hình phạt còn lại; nếu đã kết án mà chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì phải miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
Trong khi đó, thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm từ trước đến nay cho thấy, đây là loại tội phạm nghiêm trọng. Đa phần đối tượng có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng có nhân thân xấu.
Chính sách hình sự đối với tội phạm trên là không thay đổi
Nhằm kịp thời khắc phục những khó khăn vướng mắc trên, không để khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng thì theo ông Phú, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 14, đảm bảo tương thích với Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về xử lý hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
Đa số ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật số 14 để bảo đảm an ninh quốc gia. Các thành viên cũng đồng tình chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện như đề xuất của Bộ Công an là chỉ sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 6 Điều 3 Luật số 14.Tuy nhiên, có thành viên Hội đồng thẩm định băn khoăn về dự kiến sửa đổi Luật số 14 vì cho rằng để giải quyết những vướng mắc thực tiễn thì sửa đổi quy định trong Bộ luật Hình sự sẽ hợp lý hơn.
Nêu quan điểm về sự cần thiết sửa đổi Luật số 14, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, chính sách hình sự đối với hành vi tội phạm trên của Việt Nam chưa bao giờ thay đổi. Thực tiễn công tác đấu tranh, phòng ngừa đã cho thấy hành vi tội phạm trên là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của đất nước, cần phải xử lý.Tuy nhiên, do phát sinh sự không đồng nhất, tạo khoảng trống giữa Bộ luật Hình sự và Luật số 14 nên các cơ quan liên quan đã thảo luận kỹ càng, trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật số 14 và dự kiến sửa đổi theo thủ tục rút gọn để đảm bảo tính răn đe, kịp thời. nhấn mạnh ý nghĩa.
Thứ trưởng cũng lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo một số nội dung về mặt kỹ thuật, đảm bảo có điều khoản chuyển tiếp đối với hành vi diễn ra từ ngày 1/7/2018 đến nay. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị Bộ Công an phân tích rõ việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự sẽ không khả thi ở thời điểm này trong Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung.
H.Thư