Nghiên cứu thấu đáo để giải quyết triệt để vướng mắc về quy hoạch

21/05/2019
Nghiên cứu thấu đáo để giải quyết triệt để vướng mắc về quy hoạch
Ngày 20/5, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị quyết về việc chuyển tiếp thi hành Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch.
Đây là vấn đề hết sức cần thiết trong bối cảnh phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Luật Quy hoạch và các quy định pháp luật có liên quan đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019.
Đề xuất gia hạn thời hạn hiệu lực liên quan đến quy hoạch
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch Đinh Thanh Tâm cho biết, đối với việc tổ chức lập các quy hoạch, Luật Quy hoạch đã quy định mối quan hệ giữa các quy hoạch. Tuy nhiên, hệ thống quy hoạch quốc gia được quy định trong Luật có khác biệt với hệ thống quy hoạch đã được lập cho thời kỳ 2011 – 2020, một số quy hoạch chưa từng được lập như quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia… Đồng thời, pháp luật hiện hành chưa có quy định về phân vùng và liên kết vùng để lập quy hoạch vùng và nếu lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sau khi quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt sẽ không đảm bảo được yêu cầu về tiến độ lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 – 2030.
Đối với các quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thì theo ông Tâm, việc áp dụng trình tự của Luật Quy hoạch đối với việc điều chỉnh các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày Luật có hiệu lực sẽ mất nhiều thời gian hơn so với trước đây, không bảo đảm sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành phát triển của các cấp, các ngành trong giai đoạn cuối của kỳ quy hoạch, nhất là việc điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch các dự án đầu tư cần thiết, cấp bách…

Vì vậy, Bộ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết trên để cho phép tổ chức lập đồng thời quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 và tổ chức phân vùng thời kỳ 2021 – 2030 để triển khai lập quy hoạch vùng, hướng dẫn chuyển tiếp đối với các quy hoạch quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Quy hoạch đã tổ chức lập, thẩm định trước ngày 1/1/2019; gia hạn thời hạn hiệu lực của pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quy hoạch cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.
Tìm cách giải quyết tổng thể các khó khăn, vướng mắc
Góp ý thẩm định dự thảo Nghị quyết này, các thành viên Hội đồng bày tỏ sự băn khoăn với một số nội dung của dự thảo. Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Ngô Anh Tuấn nêu thực trạng của thành phố là có những quy hoạch đang làm dở như Sở Nông nghiệp đang tham mưu cho UBND TP Hà Nội lập quy hoạch về thoát lũ trên những tuyến bờ sông có đê để trình phê duyệt nhưng theo Luật Quy hoạch thì cơ quan phê duyệt là Bộ Nông nghiệp. Do đó, Sở Nông nghiệp xin dừng, xin quyết toán để Bộ làm, Bộ làm là làm mới từ đầu. “Tỉnh nào, ngành nào cũng thế thì rất đáng lo ngại nên đề nghị cân nhắc đưa vào Nghị quyết một điều khoản sao cho vừa tránh lãng phí, vừa bảo đảm hiệu quả trong quy hoạch, nhất là mùa mưa lũ sắp đến rồi, rất cần ưu tiên” – ông Tuấn phản ánh.
Ông Nguyễn Đình Việt (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho rằng, có điều khoản của dự thảo Nghị quyết là không cần thiết bởi đây hoàn toàn là cách thức tổ chức thực hiện, thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Vướng mắc được ông Việt lý giải là Luật Quy hoạch, 2 Luật sửa 48 Luật và Pháp lệnh sửa 4 Pháp lệnh có hiệu lực đồng thời (từ ngày 1/1/2019), trong đó đã sửa đổi các quy định liên quan, nhiều nội dung đã bỏ mà nay dự thảo Nghị quyết lại quy định tiếp tục thực hiện thì giải quyết ra sao các công việc đã thực hiện từ ngày 1/1/2019 đến nay. Thừa nhận Luật Quy hoạch là một đạo luật khó mà nếu ban hành Nghị quyết liên quan đến gia hạn thời hạn thì ông Việt nhấn mạnh là cần được phải nghiên cứu thận trọng.

Nhất trí với một số vấn đề tại dự thảo Nghị quyết và đề nghị nghiên cứu chỉnh lý theo ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu – Chủ tịch Hội đồng thẩm định khi bàn về phạm vi điều chỉnh đã đưa ra một số lưu ý với cơ quan chủ trì soạn thảo. Cụ thể, cần làm rõ phạm vi điều chỉnh trong Tờ trình; làm rõ hơn mối quan hệ giữa dự thảo Nghị quyết với Điều 59 Luật Quy hoạch; rà soát thêm xem còn vấn đề nào cần Quốc hội xem xét để tạm ngưng hiệu lực hoặc gia hạn việc thực hiện hoặc cần sửa đổi, bổ sung để quy định trong Nghị quyết này, tránh tình trạng đã trình Quốc hội nhưng vẫn vướng mắc trong thực hiện.
Đánh giá các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Luật Quy hoạch và các quy định pháp luật có liên quan, Thứ trưởng Hiếu cho rằng cần nhất quán được cách tiếp cận vấn đề trong dự thảo Nghị quyết. Cá nhân Thứ trưởng cho rằng, cần quy định là tạm ngưng hiệu lực hoặc tiếp tục thực hiện để xử lý các vướng mắc hiện nay. Đặc biệt là xác định rõ thời điểm ngưng hiệu lực, thời điểm tiếp tục thực hiện những quy định bị tạm ngưng, thời điểm hết hiệu lực của những quy định tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, cũng cần quan tâm, có hướng xử lý một số công việc đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong giai đoạn Luật Quy hoạch, 2 Luật sửa 48 Luật, Pháp lệnh sửa 4 Pháp lệnh đã có hiệu lực (từ ngày 1/1/2019 đến nay)… thì mới có thể giải quyết được tổng thể các khó khăn, vướng mắc.
H.Thư