Đây là phát biểu của Bộ trưởng Lê Thành Long – Trưởng Ban soạn thảo khi chủ trì phiên họp thứ 4 Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 diễn ra ngày 15/5. Cùng dự có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp và các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập.
2 phương án về cơ quan chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh
Báo cáo Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập – Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: Sau phiên họp thứ 3, Vụ đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ban soạn thảo để chỉnh lý, hoàn thiện; tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định dự án Luật; tổ chức nhiều cuộc họp Tổ biên tập và thường trực Tổ biên tập để góp ý, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến thẩm định. Theo đó, một trong những vấn đề được quan tâm, còn có ý kiến khác nhau vẫn là về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Đây cũng là vấn đề Tổ biên tập đề xuất cần xin ý kiến Chính phủ.
Cụ thể, dự thảo Luật tiếp tục đưa ra hai phương án: Phương án 1 là cơ quan đã chủ trì thẩm tra sẽ chủ trì việc chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, đồng thời bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan trình trong quá trình chỉnh lý. Phương án 2 là chuyển việc chủ trì chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh sang cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến thẩm định, Vụ chỉnh sửa phương án 1 để làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh trong quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh.
Trong đó, cơ quan chủ trì thẩm tra có trách nhiệm gửi bản tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với dự án luật, pháp lệnh cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo trước khi tiến hành nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo; tổ chức phiên họp với sự tham gia của lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để thảo luận, thống nhất ý kiến đối với những vấn đề quan trọng, những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh thì có trách nhiệm cử đại diện lãnh đạo tham dự các phiên họp chỉnh lý theo đề nghị của cơ quan chủ trì thẩm tra để thảo luận, thống nhất ý kiến đối với những vấn đề quan trọng, những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau trước khi trình UBTVQH; trình bày ý kiến trước Quốc hội về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của UBTVQH (cả trong trường hợp cơ quan trình nhất trí hoặc không nhất trí với nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của UBTVQH).
Làm triệt để để tăng tính kỷ luật trong xây dựng pháp luật
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp bày tỏ quan điểm cá nhân là vẫn mong muốn cơ quan chủ trì xây dựng dự án luật, pháp lệnh sẽ theo đuổi đến cùng để tránh tình trạng chính sách trình ban đầu khác xa lúc được thông qua. Tuy nhiên, ông Diệp thẳng thắn, đội ngũ cán bộ pháp chế hiện nay mỏng, khối lượng công việc lại lớn nên nếu phải chọn phương án bằng hình thức bỏ phiếu lấy ý kiến thì ông chọn phương án 1.
Nêu một số bất cập, khó khăn trong triển khai thi hành vừa qua, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh cần thiết sửa Luật để tăng cường tính kỷ luật trong công tác xây dựng pháp luật, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, khắc phục những bất cập, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Về vấn đề Tổ biên tập nêu, ông Hưng rất chia sẻ là các bộ, ngành hiện đều đang rất nhiều việc nên nếu giao nhiệm vụ theo sát đến cùng dự án luật, pháp lệnh thì vất vả nhưng trước đây chúng ta đã từng làm.
Theo ông Hưng, nếu quyết tâm chấn chỉnh công tác xây dựng pháp luật, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, tăng cường tăng cường vai trò của Bộ trưởng, thành viên Chính phủ khi được giao chủ trì dự án luật, pháp lệnh… thì cần làm triệt để theo phương án cơ quan trình sẽ theo đến cùng. Có như vậy, mới đạt mục tiêu chính sách ban đầu đặt ra khi nghiên cứu, đề nghị xây dựng dự án và trong tổ chức thực hiện mới không bị vướng.
Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao những ưu điểm của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 ở chỗ Luật đã bám tương đối sát cách thức làm luật hiện đại, đảm bảo tính pháp chế cao, bảo vệ tốt hơn quyền con người như tách hai quy trình xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản, bớt các hình thức văn bản, khoanh vùng phạm vi của một số hình thức văn bản… Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thực tế của chúng ta chưa vươn được đến yêu cầu này và thực tiễn đặt ra một số vấn đề phải sửa đổi.
Tán thành việc xin ý kiến Chính phủ về vấn đề cơ quan chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, Bộ trưởng cho rằng cần làm sao tăng chất lượng và thời gian đầu tư của Chính phủ cho một dự án luật, pháp lệnh. Đồng thời yêu cầu Tổ biên tập trình bày rõ ràng, minh bạch, khách quan, trung thực các ý kiến đối với hai phương án, nêu rõ quan điểm của Bộ Tư pháp. Ngoài ra, cũng cần có ý kiến đối với một số vấn đề mới nổi lên như bổ sung số lượng, hình thức văn bản, trong đó có hình thức thông tư liên tịch, nghị quyết liên tịch 3 bên giữa UBTVQH, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hoàng Thư