Quy chế quản lý, thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014

22/11/2010
Ngày 22/11/2010, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định 2746/QĐ-BTP về việc ban hành Quy chế quản lý, thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 với những nội dung cơ bản như sau:

1. Những quy định chung:

1.1. Phạm vi, đối tượng áp dụng: Quy chế này quy định về việc quản lý, thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2014 ban hành kèm theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi chung là Chương trình). Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý và tham gia thực hiện Chương trình.

1.2. Nguyên tắc quản lý hoạt động của Chương trình: Bảo đảm Chương trình được triển khai đúng mục tiêu, nội dung và kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Kinh phí của Chương trình được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tránh lãng phí và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành; Mỗi hoạt động của Chương trình do một đầu mối phụ trách và chịu trách nhiệm chính. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân công làm đầu mối phụ trách hoạt động phải chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo Chương trình (sau đây gọi chung là Ban Chỉ đạo) về tiến độ, kết quả triển khai hoạt động và việc sử dụng kinh phí của Chương trình.

2. Về quản lý Chương trình

2.1. Cơ cấu tổ chức, quản lý Chương trình:

- Ban Chỉ đạo do Bộ Tư pháp thành lập, có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình; chỉ đạo việc tổ chức triển khai các hoạt động chung của Chương trình và phân công các cơ quan, tổ chức chủ trì hoặc tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình.

- Ban Quản lý Chương trình (sau đây gọi chung là Ban Quản lý) do Bộ Tư pháp thành lập, có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các quyết định của Ban Chỉ đạo, điều hành hoạt động của Tổ Thư ký và triển khai các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong việc thực hiện Chương trình.

- Tổ Thư ký Chương trình (sau đây gọi chung là Tổ Thư ký) do Bộ Tư pháp thành lập, có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý. Tổ Thư ký có Thường trực Tổ Thư ký, Thường trực Tổ Thư ký có nhiệm vụ triển khai các hoạt động hàng ngày của Chương trình và thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý giao.

- Cơ quan chủ trì thực hiện hoạt động của Chương trình là các Bộ, ngành được Ban Chỉ đạo giao chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể và  trực tiếp quản lý, sử dụng kinh phí của Chương trình.

- Cơ quan tham gia thực hiện hoạt động của Chương trình là đơn vị được giao thực hiện hoạt động của Chương trình theo quyết định của Ban Quản lý hoặc cơ quan chủ trì thực hiện hoạt động của Chương trình. 

2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo: Xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động của Chương trình; Phân công cơ quan chủ trì hoặc tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình; Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình; Kiểm tra, giám sát và đánh giá việc triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình; Sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình; Thông qua báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động của Chương trình, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc, hội họp của Ban Chỉ đạo: Ban Chỉ đạo họp thường kỳ 06 tháng một lần hoặc đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban chỉ đạo;  Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Trong trường hợp có số lượng biểu quyết ngang bằng nhau đối với cùng một vấn đề thì thực hiện theo quyết định của Trưởng Ban chỉ đạo; Các thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo quyết định của Ban Chỉ đạo và sự phân công của Trưởng Ban chỉ đạo.

Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo: Tham gia đầy đủ các cuộc họp thường kỳ hoặc đột xuất của Ban Chỉ đạo; Thực hiện đúng tiến độ và có chất lượng các nhiệm vụ theo quyết định của Ban Chỉ đạo và sự phân công của Trưởng Ban chỉ đạo; Báo cáo Ban Chỉ đạo kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao; Phối hợp với Ban Quản lý và các thành viên khác trong Ban Chỉ đạo triển khai các hoạt động của Chương trình.

2.3. Trưởng Ban chỉ đạo có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình; Triệu tập, chủ trì, điều hành các cuộc họp của Ban Chỉ đạo;  Chỉ đạo, tổ chức triển khai các nghị quyết, quyết định của Ban Chỉ đạo;  Phân công, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các hoạt động của Chương trình đối với các thành viên Ban Chỉ đạo; Điều hành hoạt động của Ban Quản lý.

2.4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý: Tổ chức thực hiện các quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Ban Chỉ đạo trong việc quản lý, thực hiện Chương trình;  Chỉ đạo, điều hành, quản lý, theo dõi, đôn đốc hoạt động của Tổ Thư ký, bộ phận kế toán và thủ quỹ của Chương trình;       Tổ chức triển khai các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong việc thực hiện Chương trình; Quản lý kinh phí thực hiện Chương trình được cấp thông qua Bộ Tư pháp và các nguồn kinh phí khác (nếu có); Lựa chọn, ký hợp đồng thuê cán bộ, chuyên môn, kế toán, thủ quỹ của Chương trình.

Chế độ làm việc của Ban Quản lý: Ban Quản lý làm việc theo chế độ thủ trưởng; Các Phó trưởng ban thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban.

2.5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ Thư ký: Chuẩn bị nội dung các cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ban quản lý; Lập dự kiến Kế hoạch thực hiện các hoạt động của Chương trình và dự kiến phân công các cơ quan, tổ chức chủ trì hoặc tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình; Triển khai hoạt động của Chương trình theo quyết định của Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý; Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động của Chương trình; Xây dựng báo cáo việc thực hiện các hoạt động của Chương trình theo từng giai đoạn cụ thể.

Nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc, hội họp của Tổ Thư ký: Tổ Thư ký hoạt động theo chế độ thủ trưởng. Các thành viên Tổ Thư ký chủ động đề xuất và trao đổi dân chủ về các nhiệm vụ của Tổ Thư ký. Tổ trưởng Tổ Thư ký tổng hợp, tiếp thu ý kiến các thành viên Tổ Thư ký và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban quản lý về quyết định của mình; Tổ Thư ký họp hàng quý hoặc đột xuất theo yêu cầu của Tổ trưởng Tổ Thư ký.

Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Tổ Thư ký: Tham gia đầy đủ các cuộc họp thường kỳ hoặc đột xuất của Tổ Thư ký; Thực hiện các nhiệm vụ theo quyết định của Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý và Tổ trưởng Tổ Thư ký; Phối hợp với Thường trực Tổ Thư ký trong việc triển khai các hoạt động của Chương trình; Báo cáo Tổ trưởng Tổ Thư ký về kết quả các nhiệm vụ được giao.

2.6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Tổ Thư ký: Thường trực Tổ Thư ký có trách nhiệm tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý trong việc quản lý, triển khai thực hiện hoạt động của Chương trình và có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây: Tổ chức xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai hoạt động hàng năm, hàng quý của Chương trình; Trực tiếp triển khai các hoạt động của Chương trình do Bộ Tư pháp chủ trì theo quy định của Chương trình và sự phân công của Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý; Làm đầu mối trong việc triển khai, điều phối các hoạt động của Chương trình; Thẩm tra Đề án thực hiện hoạt động của Chương trình, báo cáo Ban Quản lý phê duyệt; Đề xuất Ban Quản lý về việc sử dụng chuyên gia, tư vấn để đảm bảo thực hiện các hoạt động của Chương trình; Giúp Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý theo dõi, kiểm tra hoạt động của các cơ quan tham gia thực hiện hoạt động của Chương trình; Xây dựng báo cáo tình hình triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình; Duy trì chế độ thông tin giữa các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý và Tổ Thư ký.

Chế độ làm việc của Thường trực Tổ Thư ký: Thường trực Tổ Thư ký làm việc theo chế độ thủ trưởng; Các thành viên thường trực Tổ Thư ký thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Tổ trưởng Tổ Thư ký.

2.7. Cơ quan chủ trì thực hiện hoạt động của Chương trình có các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm sau đây: Lập kế hoạch chi tiết thực hiện hoạt động của Chương trình do cơ quan mình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện; Lựa chọn cơ quan tham gia thực hiện hoạt động của Chương trình; Chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo về việc thực hiện các hoạt động của Chương trình; Chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí của Chương trình theo quy định của pháp luật.  

2.8. Cơ quan tham gia thực hiện hoạt động của Chương trình có các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm sau đây: Tổ chức thực hiện hoạt động của Chương trình theo đúng kế hoạch, tiến độ, nội dung và yêu cầu của Chương trình; Chịu trách nhiệm trước Ban Quản lý hoặc cơ quan chủ trì thực hiện hoạt động của Chương trình về việc sử dụng kinh phí của Chương trình; Chịu trách nhiệm quyết toán thuế đối với các hoạt động được giao; Báo cáo Ban Quản lý hoặc cơ quan chủ trì thực hiện hoạt động của Chương trình định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất về tiến độ và kết quả triển khai hoạt động của Chương trình; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Hợp đồng giao thực hiện hoạt động của Chương trình (nếu có).

2.9. Con dấu, tài khoản của Chương trình. Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý được sử dụng con dấu của Bộ Tư pháp trong việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình. Ban Quản lý được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và Ngân hàng để tiếp nhận, quản lý kinh phí Chương trình được cấp phát thông qua Bộ Tư pháp.

3. Thực hiện chương trình

3.1. Xây dựng kế hoạch và phân công cơ quan, đơn vị chủ trì, tham gia thực hiện hoạt động của Chương trình quy định các vấn đề cụ thể từ việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình; nguyên tắc lựa chọn cơ quan, đơn vị chủ trì, tham gia thực hiện hoạt động của Chương trình; Đề án thực hiện hoạt động của Chương trình; đánh giá đề án thực hiện hoạt động của Chương trình và đề xuất cơ quan tham gia thực hiện hoạt động của Chương trình

3.2. Tổ chức thực hiện các hoạt động của Chương trình quy định các vấn đề về nguyên tắc tổ chức thực hiện các hoạt động của Chương trình; Hợp đồng giao việc; Thẩm tra, phê duyệt đề án thực hiện hoạt động của Chương trình; Chuyên gia tư vấn thẩm tra nội dung đề án thực hiện hoạt động Chương trình; Nội dung thẩm tra; Sửa đổi, chấm dứt hợp đồng giao việc;  Quản lý kinh phí thực hiện các hoạt động của Chương trình

3.3. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động của Chương trình quy định các vần đề về kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động của Chương trình; Chế độ báo cáo việc thực hiện các hoạt động của Chương trình.