Ký kết Chương trình phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp

09/04/2019
Ký kết Chương trình phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp
Chiều 8/4, tại trụ sở TANDTC đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp giai đoạn 2019 – 2023.
Tham dự Lễ ký kết có Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, các Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền, Nguyễn Văn Du. Về phía Bộ Tư pháp có Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Lê Thành Long, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Phổ biến pháp luật và hòa giải cơ sở là một trong những trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp, đã đạt được những kết quả quan trọng. Thời gian qua, Bộ Tư pháp luôn nhận được sự phối hợp của TANDTC cũng như Tòa án các cấp ở địa phương, trong đó có thực hiện nhiệm vụ về phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận xét, ngành Tòa án vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết. Đó là lực lượng thẩm phán có trí tuệ cao, hơn ai hết có thể thực hiện rất tốt việc phổ biến pháp luật và hòa giải thông qua hoạt động của mình.
“Bộ Tư pháp coi đây là chương trình phối hợp quan trọng, chúng tôi cam kết sẽ huy động trí tuệ, cộng đồng trách nhiệm của các đơn vị liên quan; thực hiện tốt chương trình đã ký kết và mong phía ngành Tòa án cũng vậy”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đánh giá cao sáng kiến ký kết chương trình phối hợp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng cám ơn Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc Bộ, cá nhân Bộ trưởng Lê Thành Long thời gian quan đã hợp tác với TANDTC trong nhiều lĩnh vực: xây dựng pháp luật, tuyển chọn, phát triển án lệ, đánh giá, bổ nhiệm thẩm phán các cấp, tổ chức thi hành án… Trong thành công của ngành Tòa án có sự phối hợp, giúp đỡ của Bộ Tư pháp
Khẳng định tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, đặc biệt gắn kết với hoạt động của các thẩm phán, của ngành Tòa án, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng tin tưởng, sự hợp tác phối hợp thời gian qua của hai ngành sẽ đem lại những hiệu quả tích cực hơn và chương trình phối hợp cũng hội tụ đầy đủ những yếu tố để có thể triển khai tốt. Chánh án cũng lưu ý cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chế định hòa giải cơ sở để hàn gắn những rạn nứt trong xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.
Tại buổi lễ, hai bên đã thống nhất cao và ký chương trình phối hợp. Theo đó, Chương trình phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giữaTòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp giai đoạn 2019 – 2023 nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao vàBộ Tư pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở; Phát huy đầy đủ vai trò, thế mạnh và nguồn lực sẵn có của mỗi bên; nâng cao trách nhiệm của hệ thống Tòa án nhân dân và BộTư pháp trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở.
Cụ thể, trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hai bên sẽ phối hợp xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản, chương trình, đề án liên quan đến thực hiện công tác PBGDPL;
Phối hợp xác định nội dung pháp luật phổ biến gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên; phổ biến sâu rộng Hiến pháp, các Luật, Pháp lệnh mới ban hành, các văn bản pháp luật liên quan tới quyền, nghĩa vụ của người dân, công chức, viên chức, doanh nghiệp; lựa chọn các hình thức PBGDPL phù hợp với đối tượng được phổ biến và đặc thù của từng Bên; chú trọng thực hiện PBGDPL thông qua hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân các cấp;
Triển khai có hiệu quả Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021; hướng dẫn chủ đề, nội dung, hình thức PBGDPL, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức có hiệu quả “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;
Phát huy đầy đủ vai trò của Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương; phối hợp xây dựng, khai thác, sử dụng có hiệu quả đội ngũ Báo cáo viên pháp luật của Tòa án nhân dân các cấp và huy động đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án tham gia công tác PBGDPL;
Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, cán bộ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực và điều kiện của mỗi bên;
Thực hiện thông tin, truyền thông về hoạt động chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của hai Bên theo cách thức phù hợp, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia;
Phối hợp tổ chức nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PBGDPL và tăng cường thực hiện chính sách xã hội hóa công tác này.
Trong công tác hòa giải ở cơ sở: Thường xuyên quán triệt, phổ biến, xác định rõ trách nhiệm của hai Bên trong công tác hòa giải ở cơ sở; phối hợp xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về hòa giải và hòa giải ở cơ sở;
Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; nghiên cứu, xây dựng các tài liệu nghiệp vụ về hòa giải tranh chấp dân sự và các tài liệu hướng dẫn quy trình, thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án;
Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng về hòa giải, các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự khi người bị hại tự nguyện hòa giải và biện pháp hòa giải tại cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
 Phối hợp tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn kiến thức pháp luật về hòa giải và đào tạo chuyên sâu về kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ Hòa giải viên; giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hòa giải thuộc lĩnh vực quản lý của mỗi bên. Định kỳ hằng năm, hai Bên phối hợp đánh giá tỷ lệ vụ việc hòa giải thành ở cơ sở được Tòa án công nhận;
Phối hợp đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý công tác hòa giải ở cơ sở và quản lý công tác hòa giải tại Tòa án; kịp thời phát hiện, thông tin, biểu dương những Tòa án, Thẩm phán, Hòa giải viên ở cơ sở, Tổ hòa giải có số vụ việc hòa giải thành cao để tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến;
Phối hợp huy động nguồn lực từ xã hội hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở. Động viên, tạo điều kiện, huy động đội ngũ Thẩm phán đã nghỉ hưu tham gia làm Hòa giải viên ở cơ sở; đội ngũ cán bộ Tòa án đương chức tham gia bồi dưỡng, hỗ trợ kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho Hòa giải viên ở cơ sở. Huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện đảm bảo khác cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Chương trình phối hợp cũng nêu rõ nhiệm vụ của các bên và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.
Thu Hằng


File đính kèm