Sau khi kết thúc chương trình thăm và làm việc tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã có chuyến thăm chính thức tại Nhật Bản. Trong hai ngày 3-4/4/2019, Bộ trưởng Lê Thành Long đã có các buổi làm việc với Bộ trưởng Tư pháp, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao, Phó Chánh Văn phòng Nội các, Chánh án Toà án tối cao, Viện trưởng Viện Công tố tối cao và Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế (JICA) Nhật Bản.
Mục đích chính của chuyến thăm là đánh giá 25 năm quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp với Nhật Bản (từ năm 1993), từ đó thảo luận về định hướng hợp tác sau năm 2020 nhằm góp phần tăng cường tin cậy lẫn nhau giữa hai nước trong bối cảnh 2 nước vừa kỷ niệm 45 năm quan hệ hợp tác hữu nghị và đang cùng nhau đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển mới.
Tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Ymashita Takashi, phía Nhật Bản đánh giá cao chuyến thăm của Bộ trưởng Lê Thành Long, coi đây là một minh chứng cho quan hệ hợp tác nói chung, quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp nói riêng giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả thiết thực.
Cảm ơn Bộ trưởng Lê Thành Long về sự đón tiếp nồng hậu vào tháng 8/2018 (khi ông Ymashita Takashicòn là Thứ trưởng Bộ Tư pháp), Bộ trưởng Ymashita Takashi nhấn mạnh Nhật Bản luôn tự hào được đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp phục vụ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
|
Bộ trưởng Lê Thành Long hội đàm với Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Ymashita Takashi |
Nhấn mạnh nét tương đồng về văn hoá giữa hai nước, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản khẳng định chủ trương nhất quán của phía Nhật Bản là luôn dành sự ưu tiên cao nhất cho quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp với Việt Nam.
Đồng thời, Bộ trưởng Ymashita Takashi cũng vui mừng thông báo việc Quốc hội Nhật Bản vừa thông qua Luật mới về quản lý xuất nhập cảnh và lao động nước ngoài (Luật này do Bộ Tư pháp trình, có hiệu lực từ 01.04.2019), theo đó các điều kiện đối với lao động nước ngoài nói chung, trong đó có Việt Nam, được nới lỏng, thuận lợi hơn nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn nhân lực ở Nhật Bản do dân số Nhật đang bị già hoá. Hiện nay 2 Bên cũng đang tích cực đàm phán Bản Ghi nhớ hợp tác về chế độ lao động kỹ năng đặc định người nước ngoài (MOU về lao động) nhằm cụ thể hoá các quy định tại đạo luật nói trên, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động Việt Nam tiếp cận thị trường lao động Nhật Bản một cách minh bạch, an toàn, đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng của xã hội Nhật Bản. Bạn cũng cho biết hiện nay đang có khoảng 330.000 lao động Việt Nam tại Nhật Bản (đứng thứ 3 trong cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản).
Bộ trưởng Lê Thành Long bày tỏ sự vui mừng được thăm trở lại đất nước Nhật Bản. Điểm lại lịch sử quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa 2 nước trong suốt chặng đường dài 25 năm qua, Bộ trưởng Lê Thành Long bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tư pháp Nhật Bản trong việc trợ giúp kỹ thuật (chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cung cấp chuyên gia…) phục vụ Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật cho Bộ, ngành tư pháp Việt Nam.
Bước vào giai đoạn phát triển mới sau 2020, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục không ngừng quan tâm, tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp thông qua việc xây dựng 1 dự án hợp tác mới (sau khi dự án JICA pháp luật giai đoạn 2015-2020 kết thúc) với mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, chỉnh tinh, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế (đặc biệt là Hiệp định CPTPP) với chi phí tuân thủ thấp; tổ chức thi hành pháp luật một cách có hiệu quả, phục vụ lợi ích của người dân, của doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề nghị Bộ Tư pháp Nhật Bản quan tâm và sớm tiến hành đàm phán với Bộ Tư pháp Việt Nam hiệp định song phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại nhằm bảo hộ tốt nhất công dân của nước này sinh sống, làm việc trên lãnh thổ của nước kia, đặc biệt trong bối cảnh việc đàm phán các Hiệp định tương trợ tư pháp thuộc lĩnh vực hình sự tiến triển tương đối nhanh (hiện nay Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự đã hoàn thành đàm phán vòng 2, chuẩn bị đàm phán vòng 3 vào mùa thu năm nay; Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù đã hoàn thành việc đàm phán và đang chờ thủ tục nội bộ để ký kết trong thời gian tới).
Về vấn đề lao động Việt Nam tại Nhật Bản, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao việc Nhật Bản vừa thông qua Luật mới về quản lý xuất nhập cảnh và lao động nước ngoài và nhấn mạnh việc ban hành luật này là việc làm có lợi cho cả hai nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị cần minh bạch thông tin về thị trường lao động cũng như các điều kiện cần đáp ứng để lao động Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Nhật Bản một cách an toàn, tránh bị lạm dụng, kể cả sau khi đã hết hạn hợp đồng.
Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến của Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam và đề nghị các cấp làm việc của hai Bên cần thảo luận thật kỹ về các đề xuất hợp tác và sớm gửi cho phía Nhật Bản.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Ymashita Takashi nhắc lại lời mời Bộ trưởng Lê Thành Long tham dự Hội nghị của Liên Hợp quốc về tư pháp hình sự được tổ chức tại Nhật Bản vào năm 2020. Ngoài ra, Bộ trưởng Ymashita Takashi cũng mong Việt Nam tiếp tục ủng hộ sáng kiến của Nhật Bản khi mong muốn được tham gia với tư cách bên thứ 3 vào cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN (ALAWMM) và Hôị nghị quan chức pháp luật cao cấp ASEAN (ASLOM), trước mắt nhằm thuyết trình trước các quốc gia ASEAN về Hội nghị của Liên Hợp quốc về tư pháp hình sự được tổ chức tại Nhật Bản vào năm 2020. Kết thúc buổi hội đàm, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng trân trọng mời Bộ trưởng Ymashita Takashi sớm trở lại thăm Việt Nam trong dịp gần nhất.
|
Bộ trưởng Lê Thành Long và bà Toshiko ABE, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Nhật Bản
|
Tại buổi làm việc với bà Toshiko ABE, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Nhật Bản, bà Quốc vụ khanh đánh giá cao quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Nhật Bản đang có những bước phát triển hết sức tốt đẹp và cho biết phía Nhật Bản đang tích cực thu xếp cho chuyến thăm chính thức Nhật Bản kết hợp tham dự Hội nghị G20 của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, dự kiến vào tháng 6 năm nay.
Bà Quốc vụ khanh cũng nhấn mạnh vai trò của công tác đào tạo nguồn nhân lực đối với sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào vào cho biết phía Nhật Bản đang xúc tiến hình thành một dự án hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Bà nhấn mạnh chính sách hợp tác quốc tế của Nhật Bản không chỉ bó hẹp trong phần cứng (hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng) mà còn mở rộng ra phần mềm (thể chế, chính sách) nhằm trợ giúp các quốc gia có trình độ phát triển thấp hơn trong đó có Việt Nam, trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, hướng tới hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên Hợp quốc đề ra.
Bà cũng nhấn mạnh ý nghĩa thực tiễn của Luật mới về xuất nhập cảnh và lao động nước ngoài mà phía Nhật Bản mới thông qua, đồng thời đề nghị phía Việt Nam hợp tác chặt chẽ để sớm ký kết Hiệp định song phương về lao động đặc định. Ngoài ra, bà Quốc vụ khanh cho biết Hội cựu sinh viên nước ngoài tại Nhật Bản mới được thành lập với hơn 20.000 thành viên và mong muốn các cựu sinh viên Việt Nam tham gia tích cực nhằm chia sẻ, kết nối, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị.
Nhắc lại lịch sử quan hệ hợp tác pháp luật Việt Nam - Nhật Bản, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao sự trợ giúp của Nhật Bản đối với công cuộc hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp của Việt Nam trong suốt 25 năm qua và mong muốn Nhật Bản tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong lĩnh vực này trong giai đoạn sau 2020 vì nhu cầu hợp tác của Việt Nam trong lĩnh vực này còn rất lớn. Bà Quốc vụ khanh bày tỏ sự đồng tình với các ý tưởng của Bộ trưởng Lê Thành Long và mong muốn quan hệ hợp tác song phương nói chung, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp nói riêng không ngừng phát triển sâu rộng trong thời gian tới đây.
|
Bộ trưởng Lê Thành Long và Đoàn công tác thăm và làm việc với Chủ tịch JICA Shinichi Kitaoka
|
Tại buổi làm việc với Chủ tịch JICA Shinichi Kitaoka, Bộ trưởng Lê Thành Long bày tỏ sự vui mừng lần đầu tiên được đến thăm trụ sở chính của JICA, đồng thời đánh giá cao sự trợ giúp của JICA thông qua các dự án hợp tác với Bộ Tư pháp từ năm 1996 đến nay.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nêu một số ý tưởng hợp tác với JICA sau năm 2020 với tinh thần chủ đạo là mong muốn JICA tiếp tục trợ giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, chỉnh tinh, phù hợp với các cam kết quốc tế (đặc biệt là Hiệp định CPTPP) với chi phí tuân thủ thấp, cũng như tổ chức thi hành pháp luật một cách có hiệu quả, phục vụ lợi ích của người dân, của doanh nghiệp (trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản).
Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam hiện đang tiến hành tổng kết 2 chiến lược quan trọng là Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến 2010, định hướng đến 2020 (Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị năm 2005) và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị năm 2005), sơ kết 5 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 nên nhu câù hợp tác trong lĩnh vực pháp luật còn rất rộng.
Bày tỏ sự đồng tình với những đánh giá và đề xuất của Bộ trưởng Lê Thành Long, Chủ tịch JICA nhấn mạnh chủ trương nhất quán của phía Nhật Bản là không chỉ chú trọng hợp tác với Việt Nam trong phần cứng (cơ sở hạ tầng) mà còn cả phần mềm (thể chế, chính sách) trên tinh thần tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Nhắc lại việc Nhật Bản mất 30 năm để xây dựng Bộ luật dân sự trên cơ sở học tập kinh nghiệm của Pháp, ông Chủ tịch JICA cho biết sự tương tác giữa các hệ thống pháp luật là hiện tượng tự nhiên và mỗi quốc gia cần biết chọn lọc những gì có lợi để vận dụng. Vào năm 2018 vừa qua JICA đã xuất bản 1 cuốn sách đánh dấu chặng đường hợp tác phát triển với các quốc gia trên thế giới và trong cuốn sách đó ông Chủ tịch JICA đã viết lời tựa đại ý coi hợp tác pháp luật là 1 tháp biểu tượng trong sứ mệnh hoạt động của JICA.
Ông cũng gợi ý một số ý tưởng cho dự án hợp tác pháp luật giai đoạn tới như đào tạo nghề tư pháp, hoàn thiện pháp luật và cơ chế thực thi về phòng chống tham nhũng (nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho Chính phủ).
|
Bộ trưởng Lê Thành Long làm việc với Phó Chánh Văn phòng Nội các Nishimura Yasutoshi
|
Tại buổi làm việc với Phó Chánh Văn phòng Nội các Nishimura Yasutoshi, hai bên thống nhất đánh giá cao tầm quan trọng của hợp tác song phương về pháp luật và tư pháp và nhất trí về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác hơn nữa trong thời gian tới nhằm phục vụ lợi ích của người dân cũng như nhà đầu tư của mỗi nước trong bối cảnh Hiệp định CPTPP đã được cả hai bên phê chuẩn.
Chia sẻ việc Nhật Bản mới thông qua Luật mới về xuất nhập cảnh và lao động nước ngoài, ông Phó Văn phòng Nội các nhấn mạnh Chính phủ Nhật luôn chào đón lao động Việt Nam sang khởi nghiệp tại Nhật Bản đóng góp vào sự thịnh vượng của xã hội Nhật trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ luật pháp Nhật Bản. Hai Bên cũng nhất trí về nguyên tắc cần có dự án hợp tác mới về pháp luật giai đoạn sau 2020 và giao cho cấp làm việc của mỗi bên cần sớm thống nhất về đề xuất hợp tác, trong đó đặc biệt nêu rõ sự cần thiết và tính mới của dự án hợp tác so với các giai đoạn trước đây.
|
Bộ trưởng Lê Thành Long (bên phải) và Chủ tịch Uỷ ban tư pháp Hạ viện Hanashi Yasuhiro (bên trái)
|
Tại buổi làm việc với Chủ tịch Uỷ ban tư pháp Hạ viện Hanashi Yasuhiro, hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đã và đang có những bước phát triển mới về chất trên tinh thần tin cậy lẫn nhau.
Ông Chủ tịch giới thiệu chức năng chủ yếu của Uỷ ban tư pháp Hạ viện Nhật Bản là thẩm tra và giám sát thực thi các “đạo luật cơ bản” của Nhật Bản như dân sự, hình sự, tố tụng, doanh nghiệp… Còn đối với các đạo luật trong lĩnh vực khác sẽ do các Uỷ ban tương ứng với mỗi Bộ phụ trách (Hạ viện có 13 Uỷ ban tương ứng với 13 Bộ trong Chính phủ, cùng với 2 Uỷ ban có thẩm quyền chung là Uỷ ban ngân sách, Uỷ ban quyết toán. Các Uỷ ban đặc biệt cũng có thể được thành lập trong các tình huống khẩn cấp như thảm hoạ thiên nhiên chẳng hạn).
Hạ viện Nhật không có Uỷ ban Pháp luật như ở Việt Nam. Ông Chủ tịch cũng cho biết do sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội và hiệu ứng của tiến trình toàn cầu hoá, hiện nay khối lượng công tác lập pháp của Nhật tăng lên nhanh chóng, trong đó có những đạo luật cơ bản đã ổn định hàng trăm năm nay cũng bắt đầu được đưa ra xem xét sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra.
|
Bộ trưởng Lê Thành Long gặp gỡ Chánh án toà án tối cao OTANI Naoto
|
Tại buổi gặp Chánh án toà án tối cao OTANI Naoto và Tổng Công tố INADA Nobuo, Bộ trưởng Lê Thành Long đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến 2 cơ quan này trong việc tham gia thực hiện dự án JICA với Bộ Tư pháp qua các thời kỳ, đặc biệt là việc cử các cán bộ sang làm chuyên gia dài hạn cho dự án tại Việt Nam (Toà án tối cao cử 09 thẩm phán, Viện Công tố tối cao cử 10 công tố viên trên tổng số 30 chuyên gia dài hạn).
Hai Bên cũng nhất trí cần có tiếp tục tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp trong giai đoạn sau 2020 trong đó có việc xem xét xây dựng Dự án hợp tác mới và khởi động đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa hai nước.
Tin tức về chuyến thăm sẽ tiếp tục được cập nhật trong các bản tin tiếp theo.
Vụ Hợp tác quốc tế đưa tin từ thủ đô Tokyo, Nhật Bản