Thẩm định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

29/03/2019
Thẩm định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Sáng nay, ngày 29/03, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì phiên họp thẩm định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 

Tại phiên họp, nhiều vấn đề sửa đổi, bổ sung được đưa ra thảo luận, trong đó tập trung vào một số vấn đề như: Thứ nhất là vấn đề cơ quan chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh. Về vấn đề này, theo chỉ đạo của Ban Bí thư thì cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy trình xây dựng pháp luật theo hướng nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác và sự phân công hợp lý phối hợp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua, ban hành luật; Thứ hai là việc bỏ quy trình lập đề nghị xây dựng đối với một số nghị định vì những nghị định này chủ yếu quy định các biện pháp để thực hiện các chính sách đã có trong luật, pháp lệnh. Thứ ba là bổ sung chủ thể có thẩm quyền quyết định xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.  

Về cơ bản, ý kiến nêu ra còn có sự khác nhau, tuy nhiên nhiều ý kiến thể hiện sự nhất trí đối với các vấn đề đã được nêu tại dự án Luật đồng thời đưa ra quan điểm về các vấn đề cần xin ý kiến.
Đưa ra quan điểm của mình về các vấn đề nêu trên, đồng chí Nguyễn Phước Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ cũng đồng thời chia sẻ thêm về Chính phủ điện tử, trong đó nhấn mạnh đến việc phi giấy tờ trình Chính phủ. Đồng chí cũng chia sẻ băn khoăn về giá trị pháp lý của các văn bản ký điện tử khi không sử dụng bản giấy. Trong thời gian tới, ngay các hồ sơ dự án luật gửi sang Văn phòng Chính phủ phải là bản điện tử, do đó, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất vấn đề này trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung.
 

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề phân công, phân nhiệm rõ ràng, minh bạch, Giáo sư Trần Ngọc Đường nhấn mạnh, quy trình xây dựng pháp luật phải dân chủ và trách nhiệm hơn nữa đối với các chủ thể tham gia xây dựng; phải thế chế hóa hơn nữa tính dân chủ trong xây dựng pháp luật. Giáo sư cũng cho rằng, đối với việc phê duyệt chính sách, không nên để Quốc hội là chủ thể phê duyệt chính sách mà Chính phủ phải là chủ thể phê duyệt chính sách, phải bảo vệ chính sách của mình và là người chịu trách nhiệm đến cùng về chính sách đó.
Thể hiện sự đồng thuận cao với các ý kiến được nêu, đồng chí Lê Trọng Vinh Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay có rất nhiều văn bản như thông tư thuộc thẩm quyền của của Bộ, ngành được rà soát và hết hiệu lực, nhưng chưa có văn bản nào quy định hết hiệu lực, hoặc các văn bản không còn đối tượng điều chỉnh, văn bản không còn phù hợp, cần phải ra một văn bản khác quy định hết hiệu lực… do vậy việc bổ sung chủ thể có thẩm quyền quyết định xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn sẽ kịp thời không ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức cũng như tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước. 
Chia sẻ ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã đưa ra quan điểm đối với từng vấn đề tại dự thảo và vấn đề cần xin ý kiến. Đối với vấn đề cơ quan chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, theo Thứ trưởng cần tiếp cận rõ hơn trách nhiệm của từng cơ quan đối với từng vấn đề chỉnh lý, tiếp thu. Đối với thủ tục rút gọn, tinh thần chung từ thực tiễn xây dựng của các Bộ, ngành cho thấy còn có những điểm vướng. Thứ trưởng nhấn mạnh trường hợp nào được phép áp dụng thủ tục rút gọn, văn bản trái pháp luật ở các nước khác việc xử lý rất nhanh, nhưng ở nước ta vẫn còn vấn đề về thủ tục.
Về thủ tục hành chính đối với địa phương, Thứ trưởng chia sẻ ý kiến của nhiều Bộ, ngành mong muốn được mở thêm, tuy nhiên, hiện nay quy định chỉ mở đối với trường hợp đặc biệt của Hội đồng nhân dân. Nhưng Thứ trưởng vẫn bày tỏ băn khoăn, làm sao để có quy trình chặt chẽ, bảo đảm và đề nghị cần phải cân nhắc thêm về các trường hợp đặc biệt, đặc thù của địa phương, đồng thời bám sát vào khoản 4 Điều 27 Luật hiện hành trong trường hợp tháo gỡ vướng mắc cho địa phương thì phải “chuẩn chỉ”, việc làm chính sách phải cụ thể để không tạo ra phản ứng.
An Như – Trung tâm Thông tin