Đây là nội dung mà Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2019 của TP Hà Nội diễn ra chiều nay (15/1). Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ cùng đại diện các Sở, ban, ngành trên địa bàn Thủ đô.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương cho biết, năm 2018, công tác Tư pháp của TP đã bám sát Chương trình công tác của Bộ Tư pháp, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, có sự gắn kết chặt chẽ với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị của TP. Việc triển khai nhiệm vụ đảm bảo tính kịp thời, chủ động, hiệu quả và đạt được những kết quả nổi bật: Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được thực hiện tốt, kịp thời; hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được chú trọng, bám sát các VBQPPL của Trung ương, nhiệm vụ chính trị của TP, nhiệm vụ cải cách tư pháp, cải cách hành chính.
Công tác hộ tịch, chứng thực, quốc tịch, nuôi con nuôi có chuyển biến, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC được đẩy mạnh, giúp giảm thời gian, chi phí thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp từ cấp xã, cấp huyện và TP vững về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức được duy trì tốt.
Tuy nhiên, công tác Tư pháp năm 2018 trên địa bàn Thủ đô vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: chất lượng thẩm định văn bản còn chưa đảm bảo tính khả thi; một số nội dung PBGDPL còn dàn trải, hình thức; việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng gặp nhiều vướng mắc về quy định, cách thức thực hiện…
Khái quát một số nét nổi bật trong công tác tuyên truyền, PBGDPL cho phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy khẳng định đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng. Công tác tuyên truyền, PBGDPL cho một số nhóm phụ nữ đặc thù như phụ nữ ở xa trung tâm TP, là người dân tộc, thiểu số, phụ nữ là lao động nhập cư được chú trọng; tuyên truyền pháp luật trong các dịp lễ, đợt cao điểm được đẩy mạnh; thành lập tổ tư vấn, xây dựng các mô hình để tuyên truyền kiến thức pháp luật, giải quyết các vấn đề liên quan tới phụ nữ và trẻ em… Trong năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của Hội đồng phối hợp PBGDPL TP để định hướng, xác định các nội dung trọng tâm, trọng điểm, từ đó triển khai kịp thời, hiệu quả.
Liên quan tới công tác ban hành, rà soát VBQPPL, Trưởng phòng Tư pháp quận Ba Đình Đỗ Thị Duy Miên đã nêu lên một số khó khăn, tồn tại như: một số đơn vị trên địa bàn quận chưa tuân thủ nghiêm bước lập đề nghị xây dựng Quyết định; khâu phối hợp lấy ý kiến của các cấp, các ngành, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp chịu tác động đôi khi chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức; công chức làm công tác pháp chế còn kiêm nhiệm… Để khắc phục những tồn tại đó, các đơn vị trên địa bàn quận cần thực hiện nghiêm túc các quy định về xây dựng, ban hành VBQPPL; thường xuyên rà soát, hệ thống hóa VBQPPL để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ các văn bản không phù hợp; kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác pháp chế đảm bảo đủ về số lượng và đạt về chất lượng…
Ghi nhận và đánh giá công tác tư pháp trên địa bàn Thủ đô năm 2018 có kết quả nổi trội hơn so với năm 2017, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng yêu cầu trong năm 2019, Tư pháp Thủ đô cần tạo sự bứt phá mạnh mẽ theo phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan Tư pháp cần chủ động trong công tác tham mưu với các cấp, các ngành đối với các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế xã hội; chú trọng phản ứng chính sách, phản biện xã hội đồng thời kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. Nhận định Đề án thí điểm phân cấp chính quyền đô thị có nhiều điểm hay với các mô hình thiết thực, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan Tư pháp cần phát huy vai trò trong công tác tham mưu về thể chế cho Thành ủy, HĐND, UBND TP; rà soát, tổng kết các vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp…
Nhận định Hà Nội có nhiều thuận lợi hơn so với các địa phương khác, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan Tư pháp Thủ đô cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL để tiết kiệm chi phí, nhân rộng đối tượng được thụ hưởng. Đồng thời tăng cường quản lý nhà nước thông qua kiểm tra, thanh tra; bảo đảm hài hòa trong công tác bổ trợ tư pháp theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa phải đi cùng với tăng cường quản lý nhà nước; rà soát cơ cấu tổ chức, bộ máy đảm bảo phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ, ngành Tư pháp.
Nhấn mạnh tới vai trò của ngành Tư pháp trong việc giữ vững ổn định chính trị, an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu các cơ quan Tư pháp Hà Nội cần tiếp tục nỗ lực, tập trung cao độ để thường xuyên, liên tục, đổi mới căn bản công tác PBGDPL đồng thời nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Năm 2019, các cơ quan Tư pháp TP Hà Nội cần phát huy tốt hơn các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, quản lý tốt các hoạt động bổ trợ tư pháp để cùng chính quyền địa phương xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn và ổn định, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Nhân dịp này, Hội nghị đã trao tặng Cờ thi đua Ngành Tư pháp cho Sở Tư pháp Hà Nội, tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 1 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp năm 2018; Bằng khen của Chủ tịch UBND TP cho Sở Tư pháp Hà Nội vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018, tặng Cờ thi đua của UBND TP Hà Nội cho 5 tập thể đạt kết quả xuất sắc trong phong trào thi đua cùng nhiều danh hiệu khác.
K.Quy