Nâng cao hiệu quả thực thi Công ước New York về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài

11/01/2019
Nâng cao hiệu quả thực thi Công ước New York về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài
Thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối quốc gia về thực thi Công ước New York về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (sau đây gọi là Công ước), trong các ngày 03-04/01/2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức tập huấn về Công ước. Mục tiêu tập huấn nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về Công ước cho các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư cũng như các giảng viên, các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực này. Lớp tập huấn đã thu hút sự tham dự của hơn 60 đại biểu đến từ tòa án, viện kiểm sát nhân dân các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ; các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm trọng tài tại thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế và tác động của hoạt động này đến việc tạo dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, hấp dẫn cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Thứ trưởng khẳng định việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài hiệu quả còn thể hiện việc Việt Nam thực hiện nghiêm túc cam kết quốc tế, Hiến pháp năm 2013 và pháp luật Việt Nam, qua đó có vai trò quan trọng đối với tiến trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện quyết tâm cải cách pháp luật, cảnh cách tư pháp theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam vừa được bầu làm thành viên mới của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL).  Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự tập huấn cùng chia sẻ kinh nghiệm, nhận diện đầy đủ hơn về vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện hiệu quả Công ước và mong muốn các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, trọng tài thương mại phát huy vai trò của mình, chủ động tham gia đóng góp để công tác tòa án, tư pháp, kiểm sát và thi hành án dân sự cùng đồng hành với Chính phủ thực hiện mục tiêu vào một trong 4 quốc gia dẫn đầu ASEAN.
Sau bài phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, đại diện Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp – đơn vị được giao nhiệm vụ đầu mối thực thi Công ước đã giới thiệu chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài; những nỗ lực của Bộ Tư pháp trong công tác rà soát pháp luật, thi hành pháp luật, lắng nghe ý kiến của cộng đồng quốc tế và doanh nghiệp để phối hợp với bộ, ngành hữu quan đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực này cũng như các hoạt động về tuyên truyền và nâng cao nhận thức về Công ước. Công tác tổ chức, phối hợp liên ngành được quan tâm, chú ý hơn và đã đưa ra được một số giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã có Công văn số 246/TANDTC-KT ngày 25/7/2014 để quán triệt TAND các cấp về áp dụng pháp luật trong việc công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
Đặc biệt, tại lớp tập huấn, Vụ Pháp luật quốc tế đã giới thiệu và hướng dẫn sử dụng Sổ tay Hướng dẫn Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài (sau đây gọi là Sổ tay) do Bộ Tư pháp phối hợp với chuyên gia của Dự án Hỗ trợ thực thi các tiêu chuẩn trọng tài quốc tế để tăng cường phát triển kinh tế Việt Nam thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” do Bộ Ngoại giao Liên hợp vương quốc Anh và Bắc Ailen tài trợ. Sổ tay hướng dẫn không phải là cuốn tài liệu hướng dẫn xét xử mà được coi là tài liệu sử dụng cho các đối tượng có liên quan, bao gồm thẩm phán, chấp hành viên, cán bộ pháp luật, tư pháp và đối với cả đội ngũ luật sư liên quan đến nội dung của Công ước New York. Cuốn sổ tay này sẽ là tài liệu tham khảo phân tích các yêu cầu của Công ước và thực tiễn thực thi có hiệu quả của Công ước trên thế giới với những lưu ý trong quá trình thực thi. Sổ tay giúp thực hiện có hiệu quả Công ước, nhất là việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam phù hợp với cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, các học giả, chuyên gia, giảng viên, sinh viên cũng có thể sử dụng tài liệu này như một nguồn tham khảo về vấn đề công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh nội dung tập huấn về Công ước của Bộ Tư pháp, giảng viên đến từ Tòa án nhân tối cao cũng giới thiệu chi tiết các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài; cách hiểu và vận dụng các quy định trong công tác xét đơn yêu cầu. Các giảng viên của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân tỉnh Long An chia sẻ khó khăn, vướng mắc về cách hiểu và áp dụng các quy định của Công ước, quy định của pháp luật Việt Nam trong giải quyết các yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài cũng như những kinh nghiệm tốt trong giải quyết các vụ việc cụ thể.
Tham gia lớp tập huấn Luật sư Nguyễn Việt Anh – Công ty  Luật TNHH Tư Vấn Độc Lập Dzung Associates, Luật sư Lưu Tiến Dũng – Công ty Luật YKVN giới thiệu xu hướng chung về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài trên thế giới, khu vực và phân tích đánh giá việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài dưới góc nhìn của các luật sư để cho thấy một bức tranh toàn cầu về lĩnh vực này.
Ngoài các nội dung tập huấn các giảng viên và học viên tham dự cũng dành thời gian để trao đổi và thảo luận về các vấn đề còn nhiều cách hiểu khác nhau như: (i) khái niệm phán quyết trọng tài nước ngoài theo quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam; (ii) hiểu thế nào về “nơi phán quyết trọng tài được tuyên”, “nơi trọng tài giải quyết tranh chấp”; ‘địa điểm tố tụng trọng tài”; (iii) áp dụng “nguyên tắc có đi có lại”, quy định “trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” trong công nhận và cho thi hành bản án quyết định của tòa án, phán quyết của trọng tài nước ngoài; (iv) quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên phải thi hành …..
Phát biểu kết thúc lớp tập huấn, bà Phạm Hồ Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế đã bày tỏ sự cảm ơn đối với các giảng viên, các diễn giả và các đại biểu tham dự tập huấn và mong muốn trong thời gian tới các bộ, ngành, cơ quan tòa án, viện kiểm soát, luật sư và tổ chức trọng tài tiếp tục đồng hành, phối hợp với Bộ Tư pháp để nâng cao hiệu quả thực thi Công ước cũng như công tác công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài. Bà Phạm Hồ Hương cũng thông tin thêm, trong thời gian tới Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia trong theo dõi thực thi Công ước New York sẽ tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ nhằm tiếp tục tăng cường năng lực cho đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và cán bộ có liên quan. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đề xuất hoàn thiện thể chế và phối hợp giữa các bộ, ngành sẽ được tăng cường mạnh mẽ, hiệu quả.
Phòng Tư pháp quốc tế &Tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp.
Công ước New York về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (sau đây gọi là Công ước) được thông qua ngày 10 tháng 6 năm 1958, tại Hội nghị của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Kinh tế và Xã hội. Cho đến thời điểm hiện nay Công ước đã có 159 quốc gia thành viên. Kể từ khi tham gia Công ước New York năm 1995, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để thực thi Công ước. Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp toàn diện từ hoàn thiện thể chế đến tổ chức thực hiện pháp luật về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, tòa án nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam và xu hướng chung của thế giới; công tác tổ chức thực hiện cũng được tăng cường, trong đó phải kể đến việc Thủ tướng Chính phủ đã chính thức giao cho Bộ Tư pháp làm cơ quan đầu mối quốc gia trong thực hiện Công ước.