Hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành bảo đảm thực thi thông suốt, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Bộ

03/01/2019
Hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành bảo đảm thực thi thông suốt, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Bộ
Sáng 03/1, Bộ Tư pháp đã tổ chức nghiệm thu Đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện cơ chế phối hợp liên nghành bảo đảm thực thi thông suốt, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp” do ThS. Nguyễn Hồng Tuyến làm chủ nhiệm Đề tài. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu là Chủ tịch Hội đồng nghiệm này.
Sau hơn 70 năm xây dựng và phát triển, vị trí, chức năng của Bộ, ngành Tư pháp đã có nhiều sự thay đổi. Công tác tư pháp không ngừng phát triển, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, có những đóng góp không nhỏ vào thắng lợi chung của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Có được những thành tựu to lớn đó, trước hết là do nỗ lực không ngừng của mỗi cán bộ, công chức, người lao động trong toàn ngành, bên cạnh đó phải kể đến sự đồng hành, gắn kết, chia sẻ trách nhiệm của tất cả các cơ quan, tổ chức có liên quan từ Trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp được giao, mà một trong số nguyên nhân chủ yếu được xác định là do hiệu quả công tác phối hợp chưa cao. Mặc dù cũng đã có một số giải pháp cho vấn đề này được đưa ra, song nhìn chung vẫn còn thiếu sự căn cơ, đồng bộ, chưa đáp ứng được những đòi hỏi trong điều kiện tình hình mới. Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng Đề tài “Hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành bảo đảm thực thi thông suốt, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp” trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.

Mục tiêu của Đề án là nhằm hướng tới hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành bảo đảm thực thi thông suốt, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, với 03 nhiệm vụ cụ thể là: làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về cơ chế phối hợp và cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp; đánh giá thực trạng cơ chế phối hợp liên ngành trong thực thi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành thực thi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp.
Sau khi nghiên cứu, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đều thống nhất đánh giá cao sự cần thiết, giá trị lý luận và thực tiễn, tính thời sự của Đề tài. Đây là một đề tài khó nhưng có tính ứng dụng cao, đã giải quyết được một số vấn đề lý luận cơ bản, nêu được tình hình thực hiện cơ chế phối hợp trong một số lĩnh vực hoạt động của Bộ Tư pháp.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu biểu dương đóng góp khoa học của Đề tài khi làm rõ thêm một số vấn đề lý luận, thực tiễn về cơ chế phối hợp liên ngành giúp Bộ Tư pháp hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Thứ trưởng lưu ý không phải công việc nào cũng đòi hỏi phải có phối hợp, đôi khi có đơn vị dựa vào cơ chế phối hợp để đùn đẩy, ỷ lại, trì hoãn việc thực hiện nhiệm vụ nên muốn phối hợp hiệu quả thì trước hết các đơn vị phải làm tròn chức trách của mình. Phân tích một số điểm cần hoàn thiện trong Đề tài, Thứ trưởng đề nghị Viện Khoa học pháp lý (đơn vị quản lý Đề tài) tham mưu cho Lãnh đạo Bộ để có thể ứng dụng các kết quả nghiên cứu của Đề tài, phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp…