Dự án Luật dân quân tự vệ: Rà soát bảo đảm tính thống nhất với các văn bản QPPL có liên quan

27/12/2018
Dự án Luật dân quân tự vệ: Rà soát bảo đảm tính thống nhất với các văn bản QPPL có liên quan
Đây là đề nghị của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, trong phiên họp thẩm định dự án Luật dân quân tự vệ. Cùng dự phiên họp có đại diện của các bộ, ngành và một số đơn vị có liên quan thuộc Bộ.

Tại phiên họp, Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, mục đích xây dựng dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) là nhằm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh; cùng với quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc.
Cũng theo Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên, dự án Luật này sẽ bổ sung thêm một số điểm mới như: bỏ quy định “thôn đội” vì trên thực tế chưa có địa phương nào thành lập “thôn đội”; Bổ sung quy định thôn đội trưởng kiêm tiểu đội trưởng hoặc trung đội trưởng dân quân tại chỗ để thể chế Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của dân quân ở thôn; Bổ sung quy định đối tượng miễn đăng ký công dân, đối tượng được hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ để tương thích với Luật Nghĩa vụ quân sự và phù hợp với thực tế và một số điểm mới khác…
Trong quá trình xây dựng dự án Luật, còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau cũng được Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên nêu ra tại phiên họp để trao đổi, thảo luận nhằm thống nhất như: Thứ nhất, bổ sung quy định trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm để thể chế hóa quan điểm Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, phù hợp với Luật quốc phòng năm 2018, tương thích với Luật công an nhân dân năm 2018 quy định công an xã là chính quy. Thứ hai, quy định thôn đội trưởng kiêm tiểu đội trưởng hoặc trung đội trưởng dân quân tại chỗ ở thôn. Thứ ba, có hay không quy định chế độ, chính sách về phụ cấp đặc thù đi biển, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực.
Các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận sâu về các vấn đề nêu trên và cho ý kiến thêm về một số vấn đề khác của dự án Luật này.
Đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan của dự án, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhận định, nội dung dự án cơ bản bám sát các chính sách được Chính phủ thông qua, bên cạnh đó, cần chú ý một số nội dung như bảo đảm hài hòa giữa việc phát triển lực lượng, tăng cường nguồn lực với chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, theo đó, nên phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Thứ trưởng cũng đề nghị, cần làm sâu sắc thêm nội dung Tờ trình và làm rõ hơn nội dung xin ý kiến. Ngoài ra, cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật quốc phòng, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế…Về phân loại dân quân tự vệ, Thứ trưởng đề nghị, tiếp tục rà soát để quy định rõ ràng, cụ thể hơn tránh chồng lấn giữa các loại. Đối với việc mở rộng quy mô tổ chức ở cấp huyện, cấp tỉnh phải có lý giải hợp lý, rõ ràng hơn để phù hợp bản chất của dân quân tự vệ là bám cơ sở. Đối với tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, cũng cần tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm tính khả thi…
An Như