Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã gắn với chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp”

15/11/2018
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã gắn với chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp”
Nhằm đánh giá kết quả hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (viết tắt là Chương trình 585) trong Quý I-III/2018 và định hướng nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2018, dự kiến kế hoạch năm 2019, ngày 14/11/2018, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 585 đã chủ trì cuộc họp với Lãnh đạo Ban Quản lý, Tổ Thư ký Chương trình. Cuộc họp có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến – Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp - Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585; đồng chí Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp - Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585 và các cán bộ Thường trực Tổ Thư ký, Văn phòng Chương trình 585.

Thay mặt Tổ Thư ký, đồng chí Trần Minh Sơn – Trưởng phòng, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp - Phó Tổ trưởng Tổ Thư ký Chương trình 585 đã báo cáo Ban Quản lý, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 585 kết quả các hoạt động của Chương trình trong 10 tháng đầu năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2018, xin ý kiến dự thảo Kế hoạch năm 2019 của Chương trình 585. Theo đó, kết quả cho thấy, ngay từ đầu năm Ban Chỉ đạo Chương trình 585 đã chỉ đạo ban hành sớm các chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung các dự án Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014. Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch công tác, Chương trình 585 đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện, rà soát, theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Chương trình 585 đã đưa vào sử dụng hiệu quả Trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thực hiện kiểm tra giám sát các lớp bồi dưỡng, tọa đàm, hội nghị đối thoại qua việc livestream trực tiếp trên trang Facebook của Chương trình; thực hiện Chương trình của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018, Chương trình 585 đã đề ra các nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực, nhất là trong việc sử dụng ngân sách nhà nước; nâng cao hiệu quả tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp bồi dưỡng pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp.
Theo đồng chí  Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp - Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585, cùng với việc chỉ đạo, điều hành trong các lĩnh vực cụ thể, Chương trình 585 đã chú trọng việc phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ, ngành liên quan, các địa phương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp thực hiện tổng kết 10 năm việc triển khai Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng Báo cáo gửi Bộ Tài chính về đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (viết tắt là Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP).
Đồng chí  Nguyễn Hồng Tuyến – Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp - Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 585 cho rằng, việc Chương trình đã tổ chức gần 100 hội nghị đối thoại/tọa đàm, lớp bồi dưỡng về những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… thu hút hàng ngàn đại biểu tham dự, theo đó Chương trình cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ năm 2018.
Ngoài ra, theo đồng chí Tuyến, Chương trình 585 đã tiến hành triển khai hoạt động duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật tại 29 địa phương[1], trong đó đã triển khai hoạt động tại 23/29 địa phương, có 06 địa phương triển khai Chương trình tư vấn pháp luật trên truyền hình gồm: Thanh Hóa, Bình Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hà Nam. Biên soạn, in ấn và phát hành 04 số Bản tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, mỗi số bản tin phát hành miễn phí 1.800 cuốn cho các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và các doanh nghiệp trên cả nước.
 Hoạt động phát sóng Chương trình Phổ biến pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng đã đạt được kết quả nhất định, đến nay, đã phát sóng được 196 Chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” trên VOV và 39 Chương trình “Kinh doanh và pháp luật” trên VTV.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 585, về cơ bản Chương trình 585 đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 326/QĐ-585 ngày 01/03/2018 của Ban Chỉ đạo Chương trình 585 phê duyệt Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2018 của Chương trình 585, trong quá trình thực hiện luôn bám sát chủ trương của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Ban Chỉ đạo Chương trình 585 và chủ trương “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp”, việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đã đạt được một số kết quả bước đầu trong việc tổ chức các hội nghị đối thoại lấy ý kiến về xây dựng và hoàn thiện cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp kinh doanh cho doanh nghiệp, hoàn thiện pháp luật về sở hữu, quyền sở hữu, pháp luật tiền ảo...
Bên cạnh những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2018, vẫn còn những hạn chế như một số nội dung các hoạt động tọa đàm, bồi dưỡng do các cơ quan, tổ chức thực hiện chưa có gì đổi mới nhiều so với các năm trước; một số hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả chưa cao, chưa thu hút nhiều doanh nghiệp tham dự. Những hạn chế, khó khăn nêu trên xuất phát từ các nguyên nhân cơ bản như định mức kinh phí thực hiện các hoạt động của Chương trình theo Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP là thấp so với thực tế hiện nay; công tác phối hợp của một số cơ quan, tổ chức thực hiện các hoạt động của Chương trình; sự tham gia, phối hợp của một số thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký của Chương trình 585.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 585 đề nghị trong những tháng cuối năm 2018, tiếp tục tổ chức các hoạt động điểm theo Kế hoạch của Chương trình, tích cực đôn đốc các cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động còn lại theo kế hoạch, Tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện các hoạt động năm 2018 và định hướng triển khai các hoạt động năm 2019 của Chương trình vào tháng 12/2018./.
Trần Minh Sơn
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
 
 
[1] Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hải Phòng, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Phú Yên, Đắk - Lắk, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang, Ninh Bình, Hậu Giang, Quảng Bình, Hà Tĩnh.