Bộ Tư pháp phối hợp tổng kết Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện

07/11/2018
Bộ Tư pháp phối hợp tổng kết Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện
Ngày 6/11, Bộ Tư pháp và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) do USAID hỗ trợ thực hiện tại Việt Nam. Các đại biểu đã cùng nhau giới thiệu những thành tựu nổi bật và chia sẻ những bài học kinh nghiệm sau 5 năm hợp tác kỹ thuật toàn diện, nhìn nhận các cơ hội hợp tác trong thời gian tới.

Bắt đầu từ năm 2014, Dự án GIG là dự án kéo dài 5 năm do USAID tài trợ nhằm nâng cao năng lực cho Chính phủ Việt Nam cải thiện quy trình hoạch định chính sách thông qua việc tăng cường nguồn thông tin, tăng cường sự tham gia của người dân, minh bạch hóa và trách nhiệm giải trình hiệu quả hơn để tiến tới phát triển toàn diện. Dự án được thực hiện bởi 6 cơ quan đối tác chính là Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan của Quốc hội cùng 8 cơ quan đối tác khác. Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản, quản lý và điều phối thực hiện Dự án.
Qua 5 năm thực hiện, Dự án GIG đã cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật theo nhiều hình thức để tham gia cùng với các cơ quan đối tác của Việt Nam trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quy trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước; và tăng cường sự tham gia toàn diện của các nhóm đối tượng, trong đó chú trọng vào một số nhóm yếu thế trong xã hội, bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ. Với phương pháp tiếp cận thực tế, thông qua các số liệu, bằng chứng thực tiễn và áp dụng các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, quá trình thực hiện Dự án đã chú trọng đến các hoạt động tham vấn, thúc đẩy sự hợp tác, kết nối giữa các cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp,  tổ chức xã hội, trường đại học, đơn vị truyền thông và các đơn vị khác từ cấp trung ương đến địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, năm 2014 Dự án GIG được phê duyệt và triển khai thực hiện trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam mới thông qua Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới và các cơ quan của Việt Nam nỗ lực xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách tư pháp để thi hành Hiến pháp 2013 và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện Dự án GIG nhằm mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cải thiện quy trình hoạch định chính sách thông qua việc tăng cường nguồn thông tin, tăng cường sự tham gia của người dân, minh bạch hóa, trách nhiệm giải trình hiệu quả hơn để tiến tới sự phát triển toàn diện là sự bổ sung, hỗ trợ cho các nỗ lực của Việt Nam, giúp các cơ quan, tổ chức Việt Nam làm tốt hơn các nhiệm vụ của mình. 
Thay mặt các cơ quan, tổ chức tham gia thụ hưởng Dự án GIG, Thứ trưởng gửi lời cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ và các đối tác Hoa Kỳ vì những sự hỗ trợ, hợp tác trong thực hiện Dự án GIG. Đồng thời, đánh giá Dự án GIG đã bám sát các mục tiêu đề ra để cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật với nhiều hình thức khác nhau cho các cơ quan Việt Nam. Công tác quản lý Dự án dựa theo các nguyên tắc quản lý hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ, thiện chí giữa các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện Dự án của Việt Nam và Hoa Kỳ, đáp ứng được các vấn đề quan tâm, ưu tiên của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong quá trình thực thi các nhiệm vụ được giao phục vụ yêu cầu đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đại diện các bộ, ngành và các cơ quan của Việt Nam cũng đánh giá cao sự phối hợp, hợp tác cũng như kết quả tích cực đã đạt được trong quá trình thực hiện Dự án. Chẳng hạn, trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, các chuyên gia Dự án đã chuyển giao thành công phương pháp đánh giá tác động chính sách, kỹ năng cần thiết để cán bộ Bộ Tư pháp chủ động thực hiện tập huấn cho cán bộ cả nước. Ông Phạm Thy Hùng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì chia sẻ, Dự án đã hỗ trợ các khóa tập huấn về đấu thầu qua mạng, xây dựng khung khổ pháp lý cho việc triển khai e-marketplace…
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink nhấn mạnh, thời gian qua, Việt Nam đã trải qua những bước phát triển kinh tế để trở thành nước có trung bình thấp, thu nhập đầu người tăng từ 100 USD  lên 200 USD năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm. Ông cho hay, trong hơn 5 năm qua, Dự án GIG đã hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng 25 luật và 50 quy định dựa trên bằng chứng và các thực hành tốt nhất. USAID cũng hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế thông qua tinh giản các quy định về hoạt động kinh doanh và củng cố sự phối hợp giữa các bộ, hỗ trợ Việt Nam cải thiện xếp hạng trong Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới từ thứ hạng 91 lên 69 trong 3 năm qua…
Mặc dù hoạt động của Dự án đã kết thúc, song theo thông tin của Đại sứ, sự hỗ trợ và hợp tác của USAID với Việt Nam thời gian tới vẫn tiếp tục. Cụ thể là USAID sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện 2 dự án là kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ và hỗ trợ tạo thuận lợi thương mại với chi phí khoảng 22 triệu USD. Định hướng hỗ trợ, hợp tác tới đây sẽ tiếp tục ra sao, theo Q.Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hữu Huyên phụ thuộc vào quá trình đàm phán giữa các bên.
H.Thư