Ý kiến của ngành Tư pháp tham mưu đã được địa phương đánh giá cao và ghi nhận

19/10/2018
Ý kiến của ngành Tư pháp tham mưu đã được địa phương đánh giá cao và ghi nhận
Đây là nhấn mạnh của Giám đốc Sở Tư pháp Ninh Bình Phạm Minh Thường tại buổi làm việc sáng nay (19/10) của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và đoàn công tác Bộ Tư pháp với Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình.

Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ: Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Cục Con nuôi, Trung tâm Lý lịch tư pháp, Văn phòng Bộ. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cùng tham gia Đoàn công tác.
Về phía tỉnh Ninh Bình có Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đinh Chung Phụng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Lưu Danh Tuyên, Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Minh Thường, Cục trưởng Cục THADS Phạm Xuân Túy cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn, Phòng Tư pháp cấp huyện.

Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Phạm Minh Thường đề cập đầu tiên đến công tác cán bộ ngành. Theo ông Thường, việc bố trí tăng cường cán bộ cho ngành Tư pháp được tỉnh quan tâm trước yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ mới. Tại Sở có tổng số 69 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó có 1 Giám đốc và 2 Phó Giám đốc. Ở cấp huyện có 8 Phòng với 32 cán bộ có trình độ đại học. Cấp xã, phường có 230 công chức Tư pháp – Hộ tịch trên tổng số 145 xã, phường, thị trấn. Công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp Ninh Bình tiếp tục được quan tâm nhằm nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành.
Tuy nhiên, so với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ngày càng tăng cường và mở rộng thì tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp địa phương chưa được kiện toàn kịp thời, dẫn đến những khó khăn trong tổ chức thực hiện công việc, hạn chế về tiến độ và chất lượng, nhất là các nhiệm vụ mới được giao cho ngành Tư pháp. Nhiều công chức Tư pháp – Hộ tịch được bố trí vào những vị trí cao hơn tại cơ sở thể hiện sự ghi nhận kết quả, sức đóng góp của cán bộ nhưng cũng đòi hỏi phải bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho cán bộ mới cả về kỹ năng lẫn kiến thức chuyên môn. Đáng chú ý, tại các sở, ngành, hiện chỉ còn 1 Phòng Pháp chế thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, còn lại đã sáp nhập vào Phòng Thanh tra hoặc Văn phòng.

Về công tác chuyên môn, ông Thường khẳng định, trong 9 tháng đầu năm 2018, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các mặt công tác với các giải pháp phù hợp và hoàn thành được khoảng 90% chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra. Theo đó, đã chú trọng, quan tâm đầu tư cả về nhân lực, kinh phí cho xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế; cụ thể đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 4 văn bản chỉ đạo về xây dựng, rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra VBQPPL, tham gia ý kiến vào 42 dự thảo văn bản, thẩm định 56 dự thảo văn bản, cập nhật 43 Quyết định do UBND tỉnh ban hành năm 2017 và 9 tháng năm 2018 vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Công tác PBGDPL thực hiện bằng nhiều hình thức, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thường xuyên được kiện toàn, nội dung tuyên truyền được xác định phù hợp với từng đối tượng, góp phần vào nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân và tổ chức thành công các sự kiện lớn của đất nước, của địa phương. Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở là những lĩnh vực tác động trực tiếp tới nhận thức về pháp luật của người dân từ cơ sở góp phần giữ vững an ninh, trật tự ở địa phương, với tỷ lệ hòa giải thành đạt 75%.
Ông Thường phấn khởi thông tin, quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật có nội hàm tương đối phức tạp, phạm vi rộng, trong quá trình thực hiện thường xuyên phát sinh khó khăn, vướng mắc, đặc biệt năm 2018 ngành Tư pháp tỉnh đã triển khai theo dõi thi hành pháp luật nhiều chuyên đề hơn nhưng đến nay đã cơ bản hoàn thành kế hoạch. Quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực hành chính, bổ trợ tư pháp ngoài nhiệm vụ thường xuyên đã tăng cường kiểm tra hoạt động đối với đối tượng quản lý. Sở Tư pháp quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với Thanh tra Sở tham mưu biện pháp xử lý triệt để những vấn đề phát hiện sau thanh tra, kiểm tra. Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp tập trung vào những vấn đề pháp luật thiết thực, tháo gỡ khó khăn, cản trở tạo điều kiện để doanh nghiệp vươn lên. Cải cách hành chính, phát động thi đua, ứng dụng công nghệ thông tin đã hỗ trợ tích cực trong chỉ đạo điều hành và triển khai nhiệm vụ. “Với những việc đột xuất, phức tạp được giao, ý kiến của ngành Tư pháp tham mưu đã được địa phương đánh giá cao và ghi nhận” – ông Thường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Thường phản ánh một số tồn tại, hạn chế như kinh phí dành cho công tác PBGDPL còn ít; khảo sát tình hình thi hành pháp luật chưa được sự hợp tác nhiệt tình của một bộ phận đối tượng; một số tổ chức hành nghề công chứng, đấu giá còn xảy ra trường hợp cạnh tranh không lành mạnh… Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm, ông Thường kiến nghị Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể đối với công tác xây dựng và ban hành VBQPPL; tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật và các chính sách hợp lý cho thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở.

Ông Thường mạnh dạn cho rằng nên tham mưu chuyển một số lĩnh vực quản lý nhà nước do tư pháp địa phương quản lý nhưng không hiệu quả như giám định tư pháp, giao dịch bảo đảm, THADS sang cho các đơn vị chuyên ngành quản lý. Ông cũng mong Bộ có hướng dẫn thống nhất về tổ chức hoạt động của bộ phận pháp chế sở, ngành để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác pháp chế; có cơ chế xử lý, giám sát đủ mạnh sau khi thực hiện theo dõi thi hành pháp luật đối với từng lĩnh vực…
Tại buổi làm việc, đại diện các phòng chuyên môn thuộc Sở đã trả lời những câu hỏi của Bộ trưởng về kết quả kiểm tra, xử lý văn bản có sai sót; tình hình tự chủ của một số đơn vị phải chuyển đổi mô hình theo quy định pháp luật; hoạt động lập và cấp Phiếu Lý lịch tư pháp; kế hoạch sắp xếp lại tổ chức bộ máy hoạt động… Riêng về vấn đề tổ chức, bộ máy, Phó Giám đốc Phạm Văn Thịnh quan niệm phải có sự chuẩn bị tốt để việc sắp xếp không gây ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, đồng thời kiến nghị Bộ sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cũng như cần đảm bảo tính thực chất, công bằng trong thi đua – khen thưởng…
Các thành viên trong đoàn công tác Bộ Tư pháp đã giải đáp một số băn khoăn, vướng mắc của địa phương.
Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc đề nghị địa phương quan tâm đến chuẩn tiếp cận pháp luật, tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL trong bối cảnh phải tinh giản bộ máy, biên chế hiện nay.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Ngọc Vũ thì khẳng định Vụ đang tích cực xây dựng Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch 23, chỉ đợi Nghị định thay thế Nghị định 24, 37 là sẽ trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký ban hành…
Trước những khó khăn do cán bộ địa phương nêu ra tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực Đinh Chung Phụng rất chia sẻ, nhất là việc điều động, luân chuyển công chức Tư pháp – Hộ tịch được Trưởng Phòng Tư pháp TP Ninh Bình phản ánh. Ông Phụng cam kết Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ bàn và có chủ trương, chính sách tháo gỡ cụ thể.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long biểu dương những cố gắng, kết quả đạt được của công tác tư pháp Ninh Bình trong bối cảnh nguồn lực, biên chế phải tinh giản hiện nay, đã triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác từ các mặt hoạt động truyền thống đến những việc được giao thêm, đột xuất.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thẳng thắn cho rằng, mặt bằng cán bộ tư pháp của Ninh Bình thấp so với mặt bằng chung của toàn quốc trong khi vị trí địa chính trị của Ninh Bình rất gần gũi với Thủ đô Hà Nội. Bộ trưởng cũng yêu cầu Ninh Bình phải quan tâm hơn đến công tác thi hành pháp luật, đặc biệt chú trọng đến triển khai 2 đạo luật liên quan mật thiết đến hoạt động của Ngành Tư pháp là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Tiếp cận thông tin. Đối với chủ trương xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp như công chứng, đấu giá, Bộ trưởng Lê Thành Long lưu ý phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm, có kế hoạch tự chủ đối với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản.
Về phần mềm hộ tịch, theo Bộ trưởng, Bộ Tư pháp đã xây dựng phần mềm dùng chung, miễn phí nên Ninh Bình sớm cài đặt để đưa vào triển khai sử dụng. Về sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ kịp thời ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch 23 ngay khi có Nghị định 24, 37 thay thế. Liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành, Bộ trưởng cho hay phải đề cao vai trò của người đứng đầu, khi giao việc phải định hướng rõ thì mới đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc…