Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thăm và làm việc tại Thái Nguyên

18/10/2018
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thăm và làm việc tại Thái Nguyên
Hôm nay (18/10), Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Lê Thành Long làm Trưởng đoàn sẽ làm việc với Thường trực tỉnh uỷ Thái Nguyên về công tác Tư pháp, Thi hành án dân sự (THADS).

Cùng tham gia đoàn công tác của Bộ Tư pháp có lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục THADS, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Cục Con nuôi, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Ngay trong sáng nay, Bộ trưởng Lê Thành Long cùng Đoàn công tác đã tới thăm  và làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên. Ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cùng lãnh đạo Sở Tư pháp cùng tham dự buổi làm việc.

Báo cáo với Bộ trưởng Lê Thành Long và Đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Chỉnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, các mặt công tác đã được Sở Tư pháp Thái Nguyên triển khai đồng bộ và đã đạt được những kết quả nhất định. Trong công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL, 100% văn bản của tỉnh trước khi ban hành đều được Sở Tư pháp thẩm định. Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành 33 văn bản QPPL, Sở Tư pháp đã thẩm định 43 dự thảo VBQPPL. Tỉnh Thái Nguyên đang triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng văn bản QPPL tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017- 2020”. Các mặt công tác khác như: Công tác PBGDPL, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp… đều được quan tâm...
Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Lê Thành Long về vai trò của Sở Tư pháp đối với việc tham gia, tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, bà Vũ Thị Lệ Hằng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, Sở đã rất tích cực trong nhiệm vụ này. “Thái Nguyên hiện có trên 6.000 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hàng năm, Sở Tư pháp đều ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, góp phần cùng các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường thu hút đầu tư”. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay, theo bà Vũ Thị Lệ Hằng là Sở Tư pháp không được tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp khi gặp những vướng mắc pháp lý cụ thể nên Sở lại phải tư vấn cho doanh nghiệp tới các Văn phòng Luật sư. Thêm vào đó, mức thù lao tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn rất thấp nên chưa có sức hấp dẫn đối với cán bộ tư pháp làm công tác này.

Về việc triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng văn bản QPPL tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017- 2020”, bà Vũ Thị Lệ Hằng cho biết Sở Tư pháp đã tham gia hoặc phối hợp tham gia ngay từ đầu đối với các dự án mà tỉnh triển khai. Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay là Thái Nguyên không còn Sở, ngành nào có Phòng pháp chế, chỉ còn 19 cán bộ pháp chế, chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm (trong đó có 5 người chuyên trách) tại các Văn phòng Sở.
Về hoạt động công chứng, báo cáo với Bộ trưởng, ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, Thái Nguyên hiện có 12 tổ chức hành nghề công chứng với 26 công chứng viên. Hội Công  chứng viên của tỉnh đã được thành lập từ năm 2015 theo quyết định của tỉnh nhưng hoạt động của các công chứng viên trên địa bàn vẫn gặp không ít khó khăn. Sở cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên, tiến hành kiểm tra hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng nhưng trên thực tế vẫn còn những sai sót xảy ra trong quá trình hoạt động nghiệp vụ của công chứng viên.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Chỉnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên và lãnh đạo các Phòng chuyên môn của Sở cũng phản ánh tới Bộ trưởng và đoàn công tác một số khó khăn mà địa phương đang gặp phải trong công tác bán đấu giá tài sản, cấp phiếu lý lịch tư pháp và cho biết Sở đã áp dụng nhiều giải pháp để chủ động tháo gỡ những khó khăn này. 
Trong khi đó, theo bà Lê Thị Minh Hiếu, Trưởng phòng Xây dựng và Kiểm tra VBQPPL, việc nhầm lẫn về bản chất, trình thực, thẩm quyền ban hành văn bản QPPL là một thực tế đang xảy ra tại địa phương. Sở đã phát hiện một số văn bản ban hành trái thẩm quyền, đã kiến nghị các cấp có chức năng xử lý.
Về công tác tổ chức cán bộ, Sở Tư pháp Thái Nguyên hiện có 7 phòng chuyên môn, 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, biên chế được giao năm 2018 là 65 người. Ở cấp huyện có 9  phòng Tư pháp với tổng biên chế 34 người. Cấp xã hiện có 270 công chức, cán bộ tư pháp - hộ tịch.

Mặc dù đầu việc nhiều nhưng Sở vẫn đang tích cực thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và luân chuyển cán bộ. Sở cũng chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức cả 3 cấp sở, huyện, xã. Tuy nhiên, Sở Tư pháp cũng đề nghị Bộ có hướng dẫn đối với những trường hợp cán bộ dự kiến điều động, bổ nhiệm chức vụ người đứng đầu đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp nhưng chưa đủ điều kiện về chức danh pháp lý.
Giải đáp các vướng mắc, kiến nghị của địa phương, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã đưa ra nhiều thông tin hữu ích.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế đều đánh giá cao những nỗ lực của Tư pháp Thái Nguyên trong việc triển khai các văn bản QPPL mới, trong công tác trợ giúp pháp lý hay trong việc đồng hành cùng chính quyền địa phương hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, lãnh đạo các đơn vị  thuộc Bộ Tư pháp đã chỉ ra những hạn chế mà Sở Tư pháp cần khắc phục trong một số hoạt động tham mưu cụ thể, đồng thời kiến nghị Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên quan tâm hơn tới công tác pháp chế trên địa bàn.
Đối với hoạt động công chứng, bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp hoan nghênh Tư pháp Thái Nguyên trong việc tham mưu đúng đối với việc chuyển đổi các Phòng công chứng một cách hợp lý. Tuy nhiên, bà Đỗ Hoàng Yến lưu ý Sở Tư pháp cần chú trọng hơn tới việc xây dựng Cơ sở dữ liệu công chứng để đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động này. Đối với hoạt động bán đấu giá tài sản, bà Đỗ Hoàng Yến đề nghị Sở xây dựng lộ trình cụ thể cho hoạt động của các Trung tâm bán đấu giá tài sản trên địa bàn.
Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cũng cam kết sẽ hỗ trợ Tư pháp Thái Nguyên trong việc giải đáp những vướng mắc về chuyên môn nếu Sở cần tham vấn ý kiến các đơn vị chuyên môn của Bộ.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng Lê Thành Long cũng như những đánh giá tích cực của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đối với Tư pháp Thái Nguyên.
Ông Trịnh Việt Hùng cho biết, trong những năm gần đây, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều khởi sắc, hoạt động xúc tiến đầu tư được tỉnh rất quan tâm. Có những Hội nghị xúc tiến đầu tư thu hút rất đông nhà đầu tư tham gia. Chỉ tính riêng hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 vừa được tổ chức hồi tháng 7 vừa qua, tỉnh đã trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 50 dự án, với tổng mức đầu tư đạt gần 47.000 tỷ đồng.
Tuy  nhiên, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng thừa nhận, kinh tế phát triển sẽ kéo theo những vấn đề khác bên cạnh, đặc biệt là trong vấn đề pháp lý, bởi vậy, tỉnh rất coi trọng vai trò tham mưu của Sở Tư pháp trong lĩnh vực này.

Trước đề nghị của ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật về việc tăng kinh phí cho công tác PBGDPL, ông Trịnh Việt Hùng chia sẻ: "Trong công tác PBGDPL, tỉnh chưa bao giờ hạn chế cả vì số lượng tiền chi hàng năm không phải là nhiều. Tuy nhiên, Sở Tư pháp phải chủ động đề xuất và có những chương trình cụ thể cho công tác này”. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở chủ động cập nhật các phần mềm của Bộ phục vụ một cách hữu hiệu nhất các công việc chuyên môn.
Cùng ghi nhận ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên cũng như nhận xét của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, trong những năm gần gây, công tác tư pháp ngày càng đi vào thực chất với những hoạt động cụ thể.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng chia sẻ với những đóng góp âm thầm của những người làm công tác tư pháp, nhất là tư pháp địa phương.
Về những mặt công tác cụ thể của Tư pháp Thái Nguyên, Bộ trưởng Lê Thành Long nhất trí với những đánh giá tích cực của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, kết quả rõ nét nhất là năm 2017 Tư  pháp Thái Nguyên được xếp hạng A.
Bộ trưởng cũng ghi nhận điểm nhấn trong công tác Tư pháp Thái Nguyên là đã tham mưu cho tỉnh triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng văn bản QPPL tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017- 2020”. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý Tư pháp Thái Nguyên cần chủ động hơn trong việc kết nối công tác tới Bộ và chú trọng cập nhật nhanh chóng, kịp thời hơn các thông tin cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Về các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Tư pháp Thái Nguyên cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu và khả năng thuyết phục cả tiền kiểm và hậu kiểm đối với việc ban hành văn bản QPPL. Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác. Chú trọng triển khai tốt Luật Tiếp cận thông tin, Luật Khiếu nại tố cáo.
Đối với các nghề tư pháp mà Ngành đã xã hội hoá như công chứng, luật sư… , Bộ trưởng lưu ý thực tế tại các địa phương đã xuất hiện những sai phạm, ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của nhân dân, bởi vậy, Sở Tư pháp cần tăng cường kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp Thái Nguyên cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; khai thác triệt để các phần mềm dùng chung của Bộ; có lộ trình phát triển cho các tổ chức hành nghề tư pháp có khả năng tự chủ và chủ động hơn trong việc đề xuất và huy động kinh phí đối với công tác PBGDPL.
Trong buổi sáng cùng ngày, Bộ trưởng Lê Thành Long, Phó Chủ tịch Trịnh Việt Hùng cùng Đoàn Công tác đã tới thăm và làm việc với Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên.
"Đau đáu với những khó khăn của Trường"
Báo cáo Bộ trưởng về kết quả công tác của Trường trong 9 tháng đầu năm 2018, thay mặt Ban Giám hiệu, ông Phan Hoàng Ngọc, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: ngay từ đầu năm, Trường đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ trọng tâm công tác và sớm xây dựng Kế hoạch công tác năm 2018 trình Bộ Tư pháp phê duyệt. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trường đã luôn bám sát Chương trình công tác năm 2018 của toàn ngành Tư pháp, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, của Bộ Tư pháp. Đặc biệt, Trường đã thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra từ đầu năm.

Tuy nhiên, từ thực tế công tác, Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên cũng phản ánh tới Bộ trưởng nhiều khó khăn, vướng mắc đề nghị lãnh đạo Bộ có phương án tháo gỡ.
Ông Hoàng Xuân Châu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trường đang rất vướng khi tiến hành bổ nhiệm, bổ nhiêm lại đội ngũ cán bộ trẻ do phải đáp ứng nhiều tiêu chí theo quy định của Bộ Nội vụ.
Còn Phó Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Cường lại phản ánh những khó khăn trong công tác tuyển sinh và đề xuất nhiều cơ chế như cho phép trường mở thêm mã ngành và tự chủ khi Trường được nâng cấp lên thành Trường cao đẳng.
Giải đáp những kiến nghị này, ông Nguyễn Đỗ Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp cho biết: Bộ đã nhất trí với chủ trương nâng cấp Trường Trung cấp luật Thái Nguyên lên thành Trường cao đẳng Luật. Các đơn vị thuộc Bộ đang nỗ lực phối hợp cùng Trung cấp Luật Thái nguyên hoàn thiện các văn bản, tờ trình và những tiêu chuẩn theo quy định.

Tuy nhiên, về tiêu chuẩn cán bộ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, Vụ đã có văn bản hướng dẫn Trường vận dụng một số trường hợp theo quy định. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đều phải đảm bảo đúng theo các tuân chuẩn quy định. Vấn đề là Trường phải tích cực chủ động, bố trí cử cán bộ đi học.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết ông rất quan tâm, thậm  chí luôn "đau đáu" với hoạt động của các Trường trung cấp Luật, trong đó có Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên.

Bộ trưởng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc về công tác sắp xếp, tổ chức cán bộ cũng như công tác tuyển sinh mà Trường đang gặp phải. Vì vậy, để tháo gỡ những khó khăn này, bên cạnh sự vào cuộc, hỗ trợ của Bộ, Bộ trưởng cũng yêu cầu Trường phải chủ động, năng động trong công tác tuyển sinh, trong việc tự chủ khi được nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng.
Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý đội ngũ cán bộ Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên phải thực sự đoàn kết, coi trọng công tác đoàn kết, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách.