Hôm 18/9, đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP Hà Nội để kiểm tra tình hình và kết quả thực hiện công tác xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn.
Báo cáo với đoàn công tác, Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 31/7/2018, các đơn vị của Công an TP và Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang tạm giữ 4.058 phương tiện giao thông đường bộ VPHC và đã đề ra phương hướng xử lý đối với từng loại phương tiện cụ thể. Lãnh đạo Sở cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc áp dụng các quy định pháp luật như thành lập Hội đồng định giá tài sản; giải quyết các phương tiện quá thời hạn giải quyết; quy định, quy trình cẩu, kéo và trả phí cẩu, kéo phương tiện vi phạm giao thông về nơi tạm giữ; việc cho phép người vi phạm đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện…
Từ những khó khăn, vướng mắc đó, đại diện các cơ quan, đơn vị của TP Hà Nội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý VPHC năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành; sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Luật Phí và lệ phí. Đồng thời đề nghị các cơ quan chuyên ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai sớm đề án về cơ sở dữ liệu trong công tác xử lý VPHC để phục vụ kịp thời, chính xác, hiệu quả nhiệm vụ công tác này. Ngoài ra, còn đề nghị Bộ Công an có văn bản hướng dẫn Công an các địa phương trong việc giải quyết các phương tiện giao thông quá thời hạn tạm giữ, ban hành văn bản hướng dẫn quy trình cẩu, kéo phương tiện vi phạm giao thông để có cơ sở áp dụng trên toàn quốc, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc cho phép người vi phạm nộp tiền bảo lãnh để tự giữ, bảo quản phương tiện VPHC…
Ghi nhận các kiến nghị của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhận định, công tác thực thi pháp luật về xử lý các phương tiện VPHC bị tạm giữ, tịch thu đã được Lãnh đạo UBND TP Hà Nội quan tâm, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và đã đạt được được những kết quả quan trọng. Mặc dù vậy, kết quả thực hiện công tác này trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Với yêu cầu tạo sự chuyển biến đồng bộ, toàn diện trong công tác thực thi pháp luật về xử lý các phương tiện VPHC bị tạm giữ, tịch thu năm 2018 và những năm tiếp theo, Đoàn công tác đề nghị Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành. Theo đó, cần tiếp tục chỉ đạo một cách quyết liệt các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn số 5967/VPCP-PL ngày 25/6/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý phương tiện giao thông VPHC.
Về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng các quy định pháp luật về tạm giữ, tịch thu và xử lý các phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, UBND TP Hà Nội hoặc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP cần chủ động, kịp thời gửi văn bản cho các Bộ, ngành trung ương như Bộ Tư pháp hoặc Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, có thể tổ chức họp liên ngành để trực tiếp trao đổi, thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn phát sinh .
Cùng với đó, cần chú trọng công tác theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quyết định xử phạt VPHC của các tổ chức, cá nhân bị xử phạt, đặc biệt là các quyết định xử phạt có liên quan đến việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt VPHC tạm giữ phương tiện và hình thức xử phạt tịch thu phương tiện. Từ đó, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC.
K.Quy