Kết quả kiểm tra công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử  dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi

07/10/2010
Thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, trong các ngày 16 và 17/8/2010, Đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp do đồng chí Lê Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm ĐKGD, tài sản tại TP. Đà Nẵng thuộc Cục ĐKQGGDBĐ, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác ĐKGDBĐ tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Trong hai ngày làm việc, Đoàn kiểm tra đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi); Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Tham gia đoàn kiểm tra còn có các chuyên viên pháp lý thuộc Cục Đăng ký và chuyên viên pháp lý của Sở Tư pháp tại địa phương được kiểm tra.

Những kết quả đã đạt được:

Công tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất:

- Công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh và các cơ quan chức năng, nhìn chung công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn 2 tỉnh đã được triển khai đồng bộ và dần đi vào nề nếp. Tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đối với các đơn vị làm công tác đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã được quan tâm kiện toàn.

- Cơ quan chức năng của 2 tỉnh nơi được kiểm tra đã tổ chức lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật về đất đai nói chung và pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm cho các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

- Cơ quan chức năng tại địa phương được kiểm tra đã làm tốt công tác tham mưu trong việc kiện toàn cơ cấu tổ chức các Văn phòng đăng ký. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh và 14/14 Văn phòng đăng ký cấp huyện đã được thành lập và đi vào hoạt động. Tỉnh Quảng Nam đã thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường từ năm 2005, đến thời điểm kiểm tra tỉnh Quảng Nam đã có 14/18 Văn phòng đăng ký cấp huyện đã được thành lập và đi vào hoạt động.

- Cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Ngãi đã tham mưu trình Hội đồng nhân dân cùng cấp, UBND tỉnh đã có Quyết định về việc ban hành quy định về mức thu, chế độ quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm và phí cung cấp thông tin giao dịch bảo đảm. Cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Nam hiện nay cũng đang tham mưu trình HĐND cùng cấp, UBND tỉnh ban hành Quyết định về vấn đề này. Trong thời gian chưa có Quyết định của UBND cấp tỉnh, các Văn phòng đăng ký tại tỉnh Quảng Nam thực hiện đúng việc thu lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về tổ chức, hoạt động của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các Phòng Tài nguyên và Môi trường: Về cơ bản, các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh, huyện của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi thực hiện đúng chức năng của đơn vị dịch vụ công, giúp cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tổ chức thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm cũng như theo dõi và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đã được đăng ký. Mặc dù số lượng cán bộ rất ít nhưng các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại nơi kiểm tra đã hết sức cố gắng trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện việc đăng ký.

Về quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất: Qua kiểm tra cho thấy, về cơ bản quy trình giải quyết việc đăng ký giao dịch bảo đảm (từ khâu tiếp nhận hồ sơ, xem xét, giải quyết và lưu trữ hồ sơ) đã được các Văn phòng đăng ký tại nơi được kiểm tra thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành: thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết đăng ký thế chấp vào tất cả các ngày làm việc trong tuần; từ chối đăng ký theo đúng các quy định của pháp luật; niêm yết công khai các quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, phí, lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm; giải quyết các hồ sơ đăng ký ngay trong ngày; trong quá trình giải quyết hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm, các Văn phòng không yêu cầu bên thế chấp, bên nhận thế chấp nộp thêm bất cứ loại giấy tờ nào khác ngoài các loại giấy tờ quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT và Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, số lượng hồ sơ yêu cầu đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các địa phương có xu hướng tăng lên đáng kể. Điều này phản ánh chính quyền địa phương, các tổ chức và người dân cũng đã dành nhiều sự quan tâm tới hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm. Kết quả đăng ký đã góp phần đảm bảo an toàn, minh bạch cho các giao dịch bất động sản, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Một số tồn tại cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần tháo gỡ. Cụ thể như sau:

Thứ nhất: Trong một số trường hợp, các Văn phòng đăng ký của nơi kiểm tra vẫn tiếp nhận và thực hiện đăng ký thế chấp đối với mẫu đơn soạn không đầy đủ các nội dung phải kê khai; đơn yêu cầu đăng ký không kê khai đầy đủ nội dung thông tin trong hợp đồng thế chấp

Thứ hai: Hiện nay, nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm chưa được ghi vào Sổ địa chính và Sổ theo dõi biến động đất đai một cách đầy đủ, chi tiết theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT ngày 02/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn việc lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính. Thực tế này gây khó khăn cho cơ quan đăng ký trong việc quản lý và cung cấp thông tin về đăng ký giao dịch bảo đảm khi có yêu cầu.

Thứ ba: Mặc dù được sự quan tâm của UBND các cấp và các cơ quan quản lý chuyên ngành, nhưng nhìn chung, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất còn chật hẹp, thiếu thốn, do đó chưa tạo được sự thuận lợi về địa điểm để cho cá nhân, tổ chức đến yêu cầu đăng ký.

Thứ tư: Do đa số các cán bộ thực hiện công tác đăng ký giao dịch bảo đảm tại cấp huyện chưa được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về nghiệp vụ đăng ký giao dịch bảo đảm dẫn đến thực tế là vẫn còn có sự lúng túng trong quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra tình hình đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện Công văn số 3241/BTP-ĐKGDBĐ của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thực hiện Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, trong đó tập trung chỉ đạo Sở Tư pháp triển khai các nhiệm vụ cụ thể giúp UBND cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương. Bộ Tư pháp cũng đề nghị UBND cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng có giải pháp thực hiện đúng những quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, đồng thời tổ chức thông báo, đôn đốc, kiểm tra các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, huyện nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục, sửa chữa về những tồn tại, thiếu sót của đơn vị, qua đó nâng cao hiệu quả của công tác đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương.

Thu Thủy - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm