Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến để chuẩn bị cho văn bản góp ý của Chính phủ đối với dự án Luật Hành chính công. Đây là dự án Luật đầu tiên từ sáng kiến của một cá nhân Đại biểu Quốc hội được Quốc hội đưa vào chương trình chính thức và dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV nên đã nhận được nhiều góp ý, thảo luận sôi nổi.
Chỉ điều chỉnh về thủ tục hành chính và dịch vụ công
Trình bày các vấn đề liên quan đến dự án Luật, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật cho biết, ngoài mục đích thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, việc xây dựng Luật này còn góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính (TTHC), từng bước chuẩn hóa TTHC, thúc đẩy xã hội hóa cung ứng dịch vụ công; xác định rõ hơn mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC, cung ứng dịch vụ công trong cơ chế thị trường định hướng XHCN. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính; góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch, có hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở pháp lý từng bước thực hiện “Chính phủ điện tử”, “Chính phủ số”, tăng cơ hội, giảm thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
|
|
Như vậy, theo bà Khánh, dự thảo Luật mới nhất được xây dựng với phạm vi điều chỉnh thu hẹp hơn trước, tập trung vào TTHC và dịch vụ công, còn các vấn đề khác của hành chính công được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, đối với định hướng chuẩn hóa quy định và thực hiện TTHC, dự thảo Luật sẽ thiết lập những chuẩn mực, tạo lập khuôn khổ pháp lý chung nhất cho việc quy định, thực hiện và kiểm soát TTHC nhằm nâng cao chất lượng TTHC; đảm bảo công khai, minh bạch, tăng cường quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC.
Dự thảo Luật cũng thống nhất xác định việc thực hiện dịch vụ hành chính công theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của cơ quan hành chính nhà nước các cấp gắn với giao dịch điện tử - dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số trong những năm tới. Đồng thời, tăng cường cơ chế đánh giá việc giải quyết TTHC ở các cơ quan hành chính nhà nước, nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cán bộ, công chức, viên chức; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong quản lý hành chính nhà nước và cung ứng dịch vụ hành chính công.
Xã hội hóa dịch vụ công phải đi liền với quản lý nhà nước
Tại cuộc họp, các đại biểu đã sôi nổi góp ý hoàn thiện dự thảo Luật này, tập trung vào tên gọi dự án Luật, phạm vi điều chỉnh của Luật và một số nội dung cụ thể về chuẩn hóa quy định và thực hiện TTHC, về quản lý, cung ứng dịch vụ hành chính công… Nhiều ý kiến băn khoăn về sự trùng lắp của một số quy định trong dự thảo Luật nên đề nghị xác định cho được vị trí của Luật này trong hệ thống pháp luật nước ta để không chồng chéo. Một số đại biểu mong muốn dự thảo Luật phải xây dựng được những nguyên tắc mà pháp luật hiện hành chưa có như trong lĩnh vực hành chính, nếu cơ quan nhà nước cứ “im lặng sẽ là đồng ý”; xác định thẩm quyền ban hành TTHC của các cơ quan…
|
|
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chia sẻ, đây là dự án Luật rất khó nhưng trong thời gian ngắn, Ban soạn thảo dự án Luật đã hoàn thành được khối lượng công việc lớn, tiến hành được nhiều hoạt động phục vụ việc soạn thảo nhưng vẫn còn nhiều điểm cần phải hoàn thiện. Nhấn mạnh sự cần thiết phải rõ ràng về định hướng xây dựng dự án Luật, Thứ trưởng khẳng định dự án Luật này là luật chung, chứ không phải luật khung, luật ống. Vì vậy, theo Thứ trưởng, mặc dù là chuẩn bị cho văn bản góp ý của Chính phủ nhưng Bộ Tư pháp thực hiện tương tự quy trình thẩm định.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng nhận thấy, dự án Luật có những điểm mâu thuẫn với một số Luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… và đề nghị Ban soạn thảo rà soát để xem có đề xuất sửa đổi, bổ sung những Luật đó hay không. Từ các góp ý, Thứ trưởng đánh giá, dự án Luật cơ bản phù hợp, tương thích với các điều ước quốc tế. Liên quan đến tính khả thi của dự án Luật, Thứ trưởng đồng tình rằng, một dự án luật phải có giá trị gia tăng, giá trị này có thể nhìn thấy ngay, có thể hữu hình, vô hình nhưng với dự án Luật Hành chính công phải tính toán ngay một số nội dung quy định như liệu có điều chỉnh được cơ quan của Đảng, các tổ chức chính trị không hay các chính sách khuyến khích của Nhà nước thì phải liệt kê được những lĩnh vực nào có dịch vụ công thực sự cần ưu đãi đặc thù.
|
|
Góp ý trực tiếp vào một số quy định của dự án Luật, Thứ trưởng cho rằng hiện có một số quy định tạo gánh nặng cho Nhà nước trong thực hiện TTHC. Đối với dịch vụ công, Thứ trưởng đề nghị cần bám sát Nghị quyết số 19-NQ/TW và tiếp tục nghiên cứu có điều chỉnh dịch vụ công ích hay không cũng như việc xã hội hóa dịch vụ công phải đi liền với quản lý nhà nước, phải kiểm tra và xử lý nghiêm minh các vi phạm trong cung ứng dịch vụ công…
H.Thư