Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại tỉnh Thanh Hóa

21/07/2018
Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại tỉnh Thanh Hóa
Thực hiện Quyết định số 797/QĐ-BTP ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các đoàn thanh tra, kiểm tra, khảo sát của Bộ Tư pháp năm 2018, Quyết định số 1183/QĐ-BTP và Quyết định số 1184/QĐ-BTP ngày 25/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt kế hoạch kiểm tra và thành lập Đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trong 02 ngày 19-20/7/2018, Đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh - Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tình hình triển khai công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại tỉnh Thanh Hóa. Thành phần Đoàn kiểm tra gồm đại diện Lãnh đạo và cán bộ một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp: Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Chủ trì buổi làm việc với Đoàn kiểm tra có đồng chí Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và các đồng chí là đại diện Lãnh đạo các Sở ngành (Sở Tư pháp, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Y tế, Công an tỉnh, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh, Công an huyện Như Xuân, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Kiểm lâm, UBND huyện Triệu Sơn, UBND huyện Như Xuân,…).
         Tại buổi làm việc ngày 20/7/2018, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh - Trưởng đoàn kiểm tra đã nhấn mạnh về ý nghĩa đặc biệt quan trọng của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Mục đích của việc kiểm tra nhằm (i) nắm bắt đầy đủ, xác thực thực trạng tình hình triển khai nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; (ii) làm rõ những ưu, nhược điểm, khó khăn, vướng mắc trong nội dung các quy định pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đồng thời tìm ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập; (iii) qua đó, ghi nhận những đề xuất kiến nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa với Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan về những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ nêu trên; và (iv) thu thập các kiến nghị về những vướng mắc và hướng sửa đổi hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để đề xuất sửa đổi bổ sung Luật XLVPHC.
                      Sau khi nghe đồng chí Bùi Đình Sơn - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa báo cáo về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Đoàn kiểm tra đã có những nhận xét, đánh giá đồng thời yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa làm rõ hơn một số nội dung trong Báo cáo về: công tác kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; công tác tập huấn kiến thức, kỹ năng về xử lý vi phạm hành chính; vấn đề áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; vấn đề thẩm quyền của các lực lượng có thẩm quyền xử phạt; vấn đề kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế và các điều kiện vật chất bảo đảm công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; những khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, …
                   Công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính được UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt, bài bản. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc: Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch công tác quản lý XLVPHC thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của UBND và các Quyết định, Chỉ thị để chỉ đạo triển khai công tác thi hành pháp luật về XLVPHC. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cũng được chú trọng thực hiện và đạt kết quả đáng khích lệ. Qua Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2017, tỉnh đã tổ chức kiểm tra liên ngành thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính tại 12 cơ quan, đơn vị như: Thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục kiểm lâm, Thanh tra Sở Công Thương, Thanh tra Sở Y tế…. Kết quả kiểm tra cho thấy công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở các cơ quan, đơn vị kiểm tra được thực hiện tương đối đồng bộ, mức độ tuân thủ pháp luật của cá nhân, tổ chức có nhiều chuyển biến. Qua công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC đã kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật để kiến nghị hoàn thiện pháp luật, đồng thời, kịp thời chấn chỉnh, kiến nghị khắc phục đảm bảo đúng quy định của pháp luật về XLVPHC. Bên cạnh đó, công tác phổ biến pháp luật, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về pháp luật xử lý vi phạm hành chính cũng được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo, giao cho Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, xã thực hiện. Trong những năm qua, 16/16 Sở, ban, ngành cấp tỉnh và 27/27 huyện, thị xã, thành phố tổ chức hội nghị tuyên truyền Luật XLVPHC và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
                    Kết luận tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh - Trưởng Đoàn kiểm tra đánh giá cao việc chuẩn bị về hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác kiểm tra cũng như sự có mặt, tham gia đầy đủ của các thành viên dự họp theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, đánh giá công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã được Lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng. Mặc dù vậy, kết quả thực hiện công tác này trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế nhất định, cần tiếp tục triển khai thực hiện một số hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả trong thực tiễn. Để đẩy mạnh hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Trưởng Đoàn kiểm tra đề nghị Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành và tiếp tục triển khai hoạt động này sát sao và sâu rộng hơn. Đoàn Kiểm tra cũng đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa và sẽ tổng hợp để xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
                    Phát biểu tại buổi kiểm tra, thay mặt UBND tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cám ơn Đoàn kiểm tra, đồng thời nhấn mạnh sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Đoàn kiểm tra để tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong thời gian tới.
         Trước đó, ngày 19/7/2018, Đoàn kiểm tra đã dành thời gian 01 ngày làm việc kiểm tra xác suất trực tiếp 40 trên tổng số 73 hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong năm 2017. Kết quả kiểm tra cho thấy, về cơ bản, việc lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền pháp luật quy định, tuy nhiên, vẫn còn một số sai sót trong quá trình lập hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cần nghiêm túc khắc phục, rút kinh nghiệm./.
Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.