Chiều 18/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng làm việc với Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công về các vấn đề liên quan đến dự án Luật này. Đại biểu quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng Ban Soạn thảo dự án Luật cùng tham dự buổi làm việc.
Dự án Luật hành chính công là dự án Luật đầu tiên do một cá nhân ĐBQH trình trong lịch sử Quốc hội (QH) Việt Nam. Đây là dự án Luật rất khó, phạm vi tác động rộng, liên quan đến toàn bộ nền hành chính nhà nước. Trong thời gian ngắn, Ban soạn thảo dự án Luật đã hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn, tiến hành được rất nhiều hoạt động phục vụ việc soạn thảo.
Dự án Luật này đã được đại biểu đề xuất từ năm 2013 cho đến tháng 5/2015 lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết của QH khóa 13; chính thức được QH khóa 14 đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2017; được UBTVQH thành lập Ban soạn thảo với 27 thành viên (tháng 12/2016).
|
|
Việc xây dựng, ban hành Luật hành chính công với mục đích nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ 5, 6 (khóa XII) của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tăng cường quản lý và cung ứng dịch vụ công; xác định rõ hơn mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hành chính công; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính; góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch, có hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở pháp lý để Nhân dân kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động hành chính công; góp phần phòng chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng- an ninh và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.
|
|
Tại buổi làm việc, các chuyên gia đều thống nhất về sự cần thiết phải xây dựng, ban hành dự án Luật hành chính công, đống thời đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật này, tập trung vào tên gọi dự án Luật, phạm vi điều chỉnh của Luật và một số nội dung cụ thể về quản lý, cung ứng dịch vụ hành chính công…
Cảm ơn những ý kiến đóng góp rất thiết thực và cụ thể của các chuyên gia của Bộ Tư pháp, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đã có giải trình về một số nội dung còn chia thống nhất, đồng thời chia sẻ về các ý tưởng của Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng Luật. Bà mong muốn thời gian tới Bộ Tư pháp cùng các cơ quan có liên quan sẽ tiếp tục phối hợp, cho ý kiến để dự án đạt chất lượng cao nhất trước khi trình QH xem xét thông qua trong thời gian tới.
Khẳng định sự đồng tình và ủng hộ của Bộ Tư pháp đối với việc xây dựng dự án Luật này, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng chia sẽ những khó khăn của Ban soạn thảo trong quá trình soạn thảo Luật. Thứ trưởng nhấn mạnh để dự thảo thành công thì cần xác định được vị trí của Luật này trong hệ thống pháp luật Việt Nam, mối quan hệ của Luật này với các quy định pháp luật khác; cách thức xây dựng luật phải vừa cụ thể vừa nguyên tắc; đồng thời cần tận dụng các nguồn lực hiện có để xây dựng dự thảo với chất lượng cao nhất…