Ngày 16/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở do Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở tổ chức. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày báo cáo chuyên đề “Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng trong Chỉ thị số 30-CT/TW và Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị”.
Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân chủ ở cơ sở
Tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 Khóa VIII, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW (1998) về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở với yêu cầu Nhà nước cần ban hành QCDC ở cơ sở dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Kết luận số 120-KL/TW (2016) của Bộ Chính trị tiếp tục đặt ra yêu cầu rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành mới văn bản pháp luật để tiếp tục thể chế hóa đầy đủ hơn các quyền dân chủ Hiến định cùng với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Từ khía cạnh VBQPPL để thể chế hóa chủ trương quan trọng này của Đảng, đã có rất nhiều văn bản được ban hành về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; về thực hiện dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp; về thực hiện dân chủ ở cơ quan và các lĩnh vực khác có liên quan. Theo Bộ trưởng, các văn bản này cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng và nội dung cần thể chế hóa theo chủ trương của Đảng. Nhờ đó, ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân trong thực hành dân chủ trực tiếp ở cơ sở và gián tiếp được nâng lên. Các nội dung về dân chủ tiếp tục được hoàn thiện; mở rộng về phạm vi và cao hơn về cấp độ; với sự kết hợp đồng bộ hơn giữa dân chủ trực tiếp và gián tiếp; cơ chế thực thi, kể cả đối với cơ quan nhà nước và người dân, được đảm bảo hiệu quả hơn. Chẳng hạn như quyền tự do kinh doanh được làm những gì pháp luật không cấm; các quyền tự do báo chí, ngôn luận theo luật định; các quyền được thông tin và được bồi thường khi cơ quan nhà nước không thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp thông tin; quyền được tham gia trực tiếp trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội …
Mặc dù đạt được kết quả nêu trên, nhưng Bộ trưởng cho biết hệ thống pháp luật và các điều kiện để thực thi dân chủ vẫn còn thiếu, chậm được ban hành và chưa thực sự đồng bộ; một số quy định còn chồng chéo, chưa rõ ràng nên tính khả thi chưa cao; một số yêu cầu mới phát sinh chưa được bổ sung, điều chỉnh kịp thời. Cùng một nội dung thực hiện quyền dân chủ nhưng phát sinh vướng mắc cả từ phía các cơ quan nhà nước thực thi pháp luật và người dân là đối tượng bị tác động trực tiếp. Điển hình là các dự án phát triển kinh tế - xã hội có yêu cầu bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; đánh giá tác động môi trường.
Từ những vướng mắc trên, Bộ trưởng kiến nghị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân chủ ở cơ sở, trong đó có lãnh đạo công tác xây dựng pháp luật từ việc thể chế hóa nội dung đến giám sát thực hiện. Đồng thời, hoàn thiện quy định của pháp luật về QCDC ở cơ sở theo hướng nâng Pháp lệnh về QCDC ở xã, phường, thị trấn lên thành luật để đảm bảo tính pháp chế Hiến định là các vấn đề về quyền và nghĩa vụ của người dân phải được quy định trong luật. Cùng với đó là rà soát để chuẩn hóa phạm vi thực hiện quyền dân chủ và giám sát của nhân dân, bảo đảm quyền lợi của cả người dân và Nhà nước cũng như tính khả thi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; có chế tài xử lý trách nhiệm của cơ quan, công chức nhà nước khi làm sai và các trường hợp lợi dụng dân chủ để cố tình vi phạm.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, cần tổ chức thi hành nghiêm, kịp thời, hiệu quả và thực chất các văn bản được ban hành. Bộ trưởng phân tích, trước hết là trách nhiệm và sự gương mẫu của các cơ quan và công chức nhà nước, rồi đến ý thức trách nhiệm công dân của người dân. “Ở đây là quan hệ biện chứng hai chiều giữa Nhà nước và công dân trong điều kiện kinh tế - xã hội khả thi. Nếu khác đi thì hệ quả không những là cơ quan nhà nước vi phạm, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng mà còn tăng chi phí phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự mà toàn xã hội phải chịu” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ rõ.
Thực hiện QCDC phải trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội
Báo cáo do Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện QCDC ở cơ sở đồng chí Trần Thị Bích Thủy trình bày và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị nhất trí đánh giá: Trong quá trình triển khai thực hiện Kết luận số 20-KL/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về nhiều lĩnh vực khác. Các cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật, các nội quy, quy chế, quy ước, hương ước phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình phát triển của đất nước. Hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương và nhiều địa phương có những đổi mới, nhất là trong công tác tuyên truyền, kiểm tra và tổ chức hội nghị chuyên đề. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, người đúng đầu cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân có nhiều chuyển biến.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết, sâu sắc, sát với tình hình thực tế. Cơ bản tán thành nội dung báo cáo và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư biểu dương, việc thực hiện QCDC ở cơ sở, nhất là trong những năm gần đây, đã có nhiều chuyển biến tích cực và nêu lên những hạn chế, yếu kém. “Lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức, có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng” - Tổng Bí thư thẳng thắn.
Thống nhất cao với những phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp đã được nêu trong Báo cáo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong thời gian tới. Cụ thể, phải làm sao để việc thực hiện QCDC và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích, hạnh phúc của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, sống có văn hóa, nghĩa tình, bảo đảm an ninh, an sinh xã hội, tạo động lực cho các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, tham gia phát triển đất nước nói chung và từng địa bàn, cơ quan, đơn vị nói riêng.
Bên cạnh các yêu cầu với các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thì theo Tổng Bí thư, một trong những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện QCDC chính là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Từng đồng chí Bí thư cấp ủy, từ trung ương đến cơ sở, lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, công khai, minh bạch trong điều hành của chính quyền, đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân. Ở đâu cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu gương mẫu, quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện để Ban Chỉ đạo hoạt động và phát huy tốt vai trò của mình, thì ở đó việc thực hiện QCDC có nền nếp, thực chất và chuyển biến toàn diện, rộng khắp đến từng địa bàn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”.
Hoàng Thư