Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại buổi làm việc với Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam chiều 11/7. Chương trình nằm trong khuôn khổ chuyến công tác các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên của Đoàn công tác Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn đầu.
Làm tốt vai trò tham mưu trong xây dựng pháp luật
Sau khi nghe lãnh đạo Sở Tư pháp Quảng Nam báo cáo kết quả tư pháp 6 tháng đầu năm, chia sẻ những khó khăn và kết quả đạt được, Bộ trưởng đánh giá, với sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công chức, công tác tư pháp của Quảng Nam đã có nhiều đổi mới, triển khai cơ bản toàn diện các mặt công tác, bám sát chương trình công tác trọng tâm của Bộ, Ngành và địa phương...
Nhờ vậy, công tác tư pháp Quảng Nam được các đơn vị thuộc Bộ đánh giá cao, trong nhiều năm liền, Tư pháp Quảng Nam đều được xếp hạng A. Với những thành tích đạt được, Sở được UBND Tỉnh tặng Bằng khen năm 2016 và Bộ Tư pháp tặng Bằng khen năm 2017.
Bộ trưởng ghi nhận, các cơ quan tư pháp Quảng Nam đã thực hiện cơ bản tốt vai trò tham mưu giúp HĐND, UBND trong xây dựng pháp luật. Công tác thẩm định, góp ý VBQPPL được tăng cường, có nhiều đổi mới, đến nay chưa phát hiện văn bản QPPL do tỉnh ban hành có dấu hiệu trái pháp luật. Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Sở Tư pháp đã lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm như các Đề án PBPL tại một số địa bàn trọng điểm, cho đồng bào dân tộc và miền núi, trong nhà trường ... Sở Tư pháp đã tham mưu UBND Tỉnh triển khai mô hình “Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí- cấp huyện tổ chức thực hiện – cấp xã tiếp nhận kết quả”. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp ngày càng được tăng cường, bám sát chỉ đạo của Bộ. Đặc biệt, Sở Tư pháp đã tham mưu thực hiện cài đặt phần mềm quản lý hồ sơ công chứng cho Văn phòng đăng ký đất đai, Cục THADS và các tổ chức hành nghề công chứng; tham mưu UBND Tỉnh triển khai.
Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn; quy định mức trần thu tiền sử dụng dịch vụ công chứng trên địa bàn; Công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ bản đầy đủ các nhiệm vụ được giao, bảo đảm trật tự, kỷ cương. Việc giải quyết các yêu cầu của người dân về đăng ký hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, cấp phiếu lý lịch tư pháp cơ bản được thực hiện kịp thời, đúng quy định.
Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ được nâng cao, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tự rèn luyện được chú trọng (có 75% xã đã bố trí được 02 công chức Tư pháp- Hộ tịch trở lên, cao hơn mức bình quân chung cả nước đạt khoảng 60%; Tỷ lệ cán bộ Tư pháp- Hộ tịch có trình độ Trung cấp Luật trở lên cũng đạt tỷ lệ khá cao, đạt 90%, trong đó Đại học Luật trở lên: 302 (chiếm 70%).
Chú trọng nâng cao chất lượng công tác văn bản
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, so với sự phát triển chung của Bộ, Ngành và các tỉnh trong khu vực, so với chính tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, công tác tư pháp Quảng Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Bộ trưởng đơn cử cụ thể như việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng có nơi chưa phù hợp với Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chưa thành lập được tổ chức Đảng của Đoàn Luật sư tỉnh. Công tác phối hợp trong giám định tư pháp chưa đạt hiệu quả. Số lượng biên chế công chức của Sở, huyện (4.1 người/ phòng) thấp hơn bình quân cả nước (lần lượt 4,7 và 4,5 người/Phòng).
Thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Lãnh đạo Sở Tư pháp Quảng Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng công tác góp ý, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; chủ động tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thi hành các luật mới ban hành, gắn việc thực hiện hiệu quả Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, đưa công tác này đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa. Chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện tốt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021. Cùng đó, tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước (thanh tra, kiểm tra) trong các lĩnh vực: Luật sư; công chứng, bán đấu đấu giá; tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Nghị quyết số 18/NQ-TW, 19/NQ-TW bảo đảm đúng tinh thần “tự chủ” theo hướng tiếp tục duy trì Phòng công chứng và Trung tâm bán đấu giá tài sản.
Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, Bộ trưởng yêu cầu tập thể Ban Giám đốc cần đổi mới cách thức điều hành, tổ chức công việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông; chú trọng đào tạo nâng cao đội ngũ cán bộ tư pháp của tỉnh; kịp thời tuyển dụng số lượng biên chế còn thiếu.
Vũ Vân Anh
Tại buổi làm việc Sở Tư pháp chiều 11/7, Bộ trưởng Lê Thành Long cùng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Định Văn Thu đã trao quyết định bổ nhiệm chức danh Giám đốc Sở Tư pháp đối với ông Đặng Văn Đào. Bộ trưởng chúc mừng Sở Tư pháp có tân Giám đốc, đồng thời nhắn gửi, trên cương vị mới, Giám đốc Sở Tư pháp Đặng Văn Đào cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy năng lực để đưa Sở Tư pháp thành một khối đoàn kết, thống nhất và phát triển vững mạnh.
Phát biểu lại Lễ trao quyết định, Chủ tịch Đinh Văn Thu chia sẻ những kết quả mà Sở Tư pháp thời gian qua đã nỗ lực, đặc biệt, sau nhiều tháng khuyết chức danh Giám đốc Sở. Từ năm 2010- 2017, ông Đặng Văn Đào công tác tại Sở Tư pháp với chức danh Phó Giám đốc Sở. Từ năm 2017 đến thời điểm bổ nhiệm, ông Đào giữ chức Cục trưởng Cục THADS tỉnh.
Cũng trong chuyến công tác, chiều 11/7, Bộ trưởng Lê Thành Long cùng Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam theo lời mời của ông Phan Việt Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. |