Họp ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng

24/09/2010
Họp ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng
Hôm nay, Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Công chứng đã họp phiên đầu tiên với sự có mặt của đa số thành viên Ban soạn thảo và Tổ Biên tập.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận về sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh và các định hướng lớn xây dựng dự thảo Nghị định. Đa số ý kiến thành viên Ban soạn thảo đánh giá cao sự chuẩn bị và đồng tình với Báo cáo giải trình của Thường trực Tổ Biên tập về sự cần thiết ban hành Nghị định. Các thành viên Ban soạn thảo cũng cơ bản nhất trí với 4 định hướng xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2008/NĐ-CP mà Thường trực Tổ Biên tập đưa ra, đó là:

Thứ nhất, tiếp thu những quy định còn phù hợp của Nghị định số 02 hiện hành.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các vấn đề không còn phù hợp của Nghị định số 02.

Thứ ba, kế thừa các quy định phù hợp với Luật Công chứng và thực tiễn hoạt động công chứng của Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực và bãi bỏ, thay thế Nghị định số 75/2000/NĐ-CP (phần liên quan đến công chứng, còn phần chứng thực đã bị bãi bỏ bởi Nghị định số 79/2006/NĐ-CP).

Thứ tư quy định những vấn đề chưa rõ và những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Công chứng.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng còn ý kiến khác nhau về những vấn đề cụ thể, đặc biệt có ý kiến cho rằng cần có sự sửa đổi căn cơ là sửa đổi Luật Công chứng mà chưa vội ban hành Nghị định, vì những vấn đề vướng nhất trong thực tiễn thi hành thời gian qua đều liên quan đến các quy định đã được xác định “cứng” trong Luật Công chứng như tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, mô hình tổ chức hành nghề công chứng, một số quy định liên quan đến thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch...v.v, vậy dự thảo Nghị định có giải quyết được những vấn đề này hay không. Cũng có ý kiến cho rằng Nghị định của Chính phủ chỉ được hướng dẫn, quy định chi tiết những vấn đề thuộc nội dung của Luật Công chứng, không được quy định thêm những vấn đề mới. Tuy nhiên, Thường trực Tổ Biên tập và một số ý kiến, nhất là ý kiến của các Sở Tư pháp địa phương cho rằng nếu chỉ hướng dẫn những quy định sẵn có trong Luật thì Nghị định 02 đã hướng dẫn về cơ bản, vấn đề cần giải quyết đặt ra khi đề xuất sửa đổi Nghị định 02/2008/NĐ-CP là tháo gỡ một bước những bất cập trong thực tiễn thi hành mà Luật chưa điều chỉnh trong khi Luật Công chứng chưa được sửa đổi, ví dụ như nghiên cứu, quy định về chế độ bồi dưỡng bắt buộc đối với công chứng viên để nâng cao chất lượng công chứng viên, quy định việc chuyển đổi, sáp nhập văn phòng công chứng, tạm ngưng hoạt động của văn phòng công chứng, thủ tục chấm dứt hoạt động văn phòng công chứng khi công chứng viên bị chết, quy định việc cho phép thành lập văn phòng công chứng phải tuân theo quy hoạch đã được phê duyệt, việc rút giấy đăng ký thành lập văn phòng công chứng khi văn phòng công chứng vi phạm pháp luật, vấn đề thu lệ phí thẩm định hồ sơ bổ nhiệm công chứng viên, lệ phí cấp phép thành lập văn phòng công chứng... là những vấn đề cấp bách chưa có quy định cụ thể.

Từ phạm vi điều chỉnh và những vấn đề thực tiễn nêu trên, các thành viên Ban soạn thảo đều nhất trí cần phải trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 02/2008/NĐ-CP chứ không phải chỉ là Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02 hiện hành. Ban soạn thảo cũng cho rằng những vấn đề đặt ra cần giải quyết đều rất phức tạp nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, khảo sát, thảo luận, trao đổi kỹ nhưng Kế hoạch của Thường trực Tổ Biên tập đưa ra là quá gấp, khó bảo đảm tính khả thi.

Thường trực Tổ Biên tập cho biết sẽ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ về những vấn đề thuộc quan điểm, định hướng xây dựng Nghị định trong thời gian tới.

Hoàng Giang