Nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật

20/12/2017
Nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật
Chiều 19/12, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo Dự thảo Đề án một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật (THPL) trước khi chính thức trình Bộ trưởng xem xét.
Sẽ đề nghị xây dựng Luật về tổ chức THPL
Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL Đặng Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ soạn thảo cho biết: Được sự đồng ý của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và qua lấy ý kiến, Dự thảo Đề án sẽ tập trung vào một số giải pháp cơ bản nhằm tăng cường hiệu quả công tác tổ chức THPL, qua đó góp phần bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm minh, thống nhất, tăng cường pháp chế XHCN. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2018 – 2023, Dự thảo Đề án chỉ điều chỉnh một số nội dung của công tác này, bao gồm phổ biến, giáo dục pháp luật; ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân; bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực để triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi THPL.
Riêng về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tăng cường năng lực tổ chức THPL, Đề án sẽ chú trọng vào giải pháp nâng cao chất lượng văn bản quy định chi tiết, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, đáp ứng yêu cầu triển khai thống nhất, đồng bộ việc thi hành luật, pháp lệnh; tăng cường năng lực phản ứng chính sách và những vấn đề mới phát sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức THPL; đổi mới phương thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật bảo đảm kịp thời, thiết thực và hiệu quả…
Dự thảo Đề án cũng xác định cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác tổ chức THPL. Theo đó, sẽ xây dựng Nghị quyết của Chính phủ hoặc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức THPL; xây dựng văn bản, nghị quyết của Đảng ủy các cấp về việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL theo địa bàn và lĩnh vực quản lý. Đặc biệt, để hoàn thiện thể chế về tổ chức THPL, theo dõi THPL sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình THPL. Định hướng “dài hơi” hơn là nghiên cứu, xây dựng chính sách phục vụ việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật về tổ chức THPL…
Phải được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
Tán thành việc xây dựng ban hành Đề án, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay thì Đề án này càng trở nên cần thiết và đề nghị Thường trực Tổ soạn thảo bổ sung giải pháp tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong tổ chức THPL.
Từ thực tiễn địa phương, đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội cho biết, nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý phản ánh của các chủ thể về tình hình THPL là rất quan trọng nên nhất trí cao với giải pháp mà Dự thảo Đề án đưa ra về nhiệm vụ này. Tuy nhiên, đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội cho rằng cần nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác này.
Nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đồng tình với đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về sự cần thiết phải ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác tổ chức THPL. Nguyên Thứ trưởng cũng đề nghị Thường trực Tổ soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội hàm của khái niệm tổ chức THPL cũng như số liệu, vụ việc điển hình về tổ chức THPL để tăng tính thuyết phục của Đề án.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL THPL Hồ Quang Huy, Tổ phó Tổ soạn thảo quan niệm, tổ chức THPL hiện là vấn đề rất phức tạp, phạm vi rất rộng. Vì vậy, quá trình soạn thảo Đề án sẽ hướng đến các giải pháp có tính khả thi cao nhất, xác định rõ đầu mối giao việc cụ thể để có thể thực hiện được trong khoảng thời gian trước mắt (2018 - 2023), từ đó tạo tiền đề cho các giải pháp dài hơi, căn bản, mà trực tiếp là những chính sách lớn được xác định trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về tổ chức THPL.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chỉ đạo cần tiếp tục làm sâu sắc thêm thực trạng THPL, trong đó có vấn đề về nhận thức của không ít cơ quan, tổ chức, cá nhân về THPL vẫn còn hạn chế. Công tác tổ chức THPL phải được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, mang tính chất lâu dài nhằm tạo sự thay đổi căn bản. Thứ trưởng gợi ý nên chăng xác định cụ thể đầu mối tiếp nhận, xử lý phản ánh tình hình phải được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị đối với mỗi văn bản, cũng như trả lời được hiệu quả phải được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị kém là do văn bản pháp luật hay do nhận thức…
                                        Hoàng Thư