Kinh nghiệm về truyền thông pháp luật, tham vấn ý kiến công chúng và kiểm tra VBQPPL tại Canada

27/09/2017
Kinh nghiệm về truyền thông pháp luật, tham vấn ý kiến công chúng và kiểm tra VBQPPL tại Canada
Trong khuôn khổ Dự án Phát triển lập pháp quốc gia (NLD), từ ngày 25/9 đến ngày 30/9/2017, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Phan Chí Hiếu và thành viên là đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và Vụ Hợp tác quốc tế đã có chuyến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về truyền thông pháp luật, tham vấn ý kiến công chúng và kiểm tra văn bản bản quy phạm pháp luật tại Canada.
Trong hai ngày 25 và 26/9, Đoàn đã làm việc với Hiệp hội Luật sư Canada (CBA) và Bộ Tư pháp Canada. Thay mặt Hiệp hội Luật sư tiếp Đoàn công tác có bà Cheryl Farrow - Giám đốc điều hành Hiệp hội, bà Kimberly Inksater - Giám đốc dự án NLD. Liên đoàn Luật sư Canada (CBA) là một tổ chức tự nguyện của các luật sư Canada hoat động ở hơn 30 nước trên thế giới. Liên đoàn gồm có 39.000 thành viên. Ba lĩnh vực hoạt động chính của CBA là: (1) Đưa ra những ý kiến tham vấn và nhận xét về dự án luật; (2) Cải thiện và tăng cường tiếp cận công lý, pháp luật; (3) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho luật sư Canada.  CBA có vai trò rất quan trọng và trách nhiệm trong việc đưa ra những ý kiến tham vấn khách quan, độc lập về những lĩnh vực khác nhau trong quá trình xây dựng luật. CBA thường được Chính phủ yêu cầu đưa ra ý kiến bình luận về các dự luật trước khi trình lên Quốc hội và được các của Ủy ban của Quốc hội mời đưa ra các quan điểm khi dự án luật được trình ra Nghị viện. Trung bình hằng năm, CBA đóng góp khoảng 90 ý kiến tham vấn bằng văn bản; tổ chức diễn đàn, cuộc họp, thông qua email … và phần lớn các ý kiến này đều được các Bộ, ngành, cơ quan chủ trì xây dựng luật tiếp thu, chỉnh lý, qua đó góp phần nâng cao chất lượng văn bản luật.
Tại cuộc làm việc với Bộ Tư pháp Canada, tiếp và làm việc với Đoàn công tác có bà G.Nathalie Drouin - Thứ trưởng, Phó Tổng trưởng lý, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ và chuyên gia về một số lĩnh vực. Tại buổi làm việc, phía bạn đã giới thiệu tổng quan về Bộ Tư pháp Canada. Theo đó, Bộ Tư pháp Canada có 4.500 người gồm: luật sư và các cán bộ theo lĩnh vực công tác; ba trong số các chức năng quan trọng của Bộ là: (1) Cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến hành chính tư pháp thuộc thẩm quyền của liên bang, bảo đảm một hệ thống tư pháp công bằng, phù hợp và có thể tiếp cận đối với tất cả người Canada; (2) Cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý, tố tụng và lập pháp cho các cơ quan của Chính phủ và (3) Tư vấn giúp Chính phủ các vấn đề pháp lý.
Tại buổi làm việc, phía bạn đã giới thiệu về quy trình xây dựng luật, tham vấn ý kiến công chúng về dự án luật, hoạt động truyền thông pháp luật. Quy trình xây dựng luật tại Canada cũng tương tự như tại Việt Nam với 02 giai đoạn: (1) Xây dựng, phê duyệt chính sách và (2) Xây dựng văn bản luật. Thẩm quyền lập pháp thuộc về nghị viện, lập quy thuộc về nội các; các tỉnh bang có thẩm quyền xây dựng pháp luật. Bộ Tư pháp có một bộ phận chuyên trách nhiêm vụ soạn thảo văn bản luật và phối hợp chặt chẽ với bộ phận xây dựng chính sách của Bộ đã xây dựng chính sách trong quá trình soạn thảo để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa định hướng chính sách và quy phạm trong dự thảo luật. Quá trình tham vấn công chúng, đối tượng chịu sự tác động của dự thảo luật được thực hiện từ khi xây dựng chính sách và trong cả quá trình xây dựng dự thảo luật theo nhiều cấp và thông qua các hình thức như: tổ chức hội nghị, hội thảo; bằng văn bản; thông qua cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội, đồng thời quan tâm đến việc tiếp thu, giải trình ý kiến trong quá trình tham vấn. Qua quá trình tham vấn đã truyền thông pháp luật đến với công chúng ngay từ quá trình soạn thảo văn bản. Việc tham vấn rất chú trọng đối tượng là luật sư, CBA, cán bộ thi hành, bảo vệ pháp luật (cảnh sát, thẩm phán). Hoạt động tham vấn đóng vai trò quan trọng bảo đảm chất lượng văn bản luật, tạo đồng thuận xã hội, niềm tin vào nội các.
Hoạt động xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hợp nhất luật của Canada ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nhất là sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý thông tin pháp luật để bảo đảm tính bảo mật, chính xác, nhanh chóng. Hoạt động công bố, truyền thông văn bản luật được thực hiện trên Cổng Thông tin điện tử Nghị viện, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp và Công báo.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Tư pháp Canada đã trao đổi, giải đáp cụ thể các ý kiến của Đoàn về việc tiền kiểm, hậu kiểm văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính hợp hiến của văn bản luật, văn bản dưới luật; xử lý văn bản vi hiến và ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông pháp luật.
Tại các buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã trao đổi, thông tin về tình hình xây dựng, tham vấn, truyền thông pháp luật, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam và mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Bộ Tư pháp và Hiệp hội Luật sư Canada trong thời gian tới.
Sau buổi làm việc với Bộ Tư pháp, Đoàn công tác đã tới thăm Hạ viện Canada. Theo Chương trình, Đoàn công tác sẽ làm việc với Bộ Y tế, Trung tâm Tuyên truyền về lợi ích công cộng, Viện Nghiên cứu thông tin pháp lý (CanLii), Văn phòng Hạ viện; thăm Tòa án tối cao./.