Hội nghị triển khai Luật trợ giúp pháp lý năm 2017

26/09/2017
Hội nghị triển khai Luật trợ giúp pháp lý năm 2017
Sáng 26/9, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì Hội nghị triển khai Luật trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017 với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết: với nhiều điểm mới, tiến bộ, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật TGPL năm 2006, Luật TGPL năm 2017 sẽ giúp cho hoạt động TGPL ngày càng chuyên nghiệp và có bước phát triển mới. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh thành công của Luật còn phụ thuộc rất nhiều vào việc tổ chức thi hành, vì vậy việc triển khai Luật cần được thực hiện bài bản, hiệu quả để mỗi người dân, cơ quan, tổ chức hiểu đúng, đầy đủ, trên cơ sở đó tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật.

Chia sẻ về một số điểm mới của Luật TGPL năm 2017, bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục TGPL, Bộ Tư pháp cho biết Luật đã khẳng định rõ nét hơn trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong công tác TGPL và có sự phân biệt hoạt động này với dịch vụ pháp lý thiện nguyện của các tổ chức xã hội; đồng thời mở rộng diện người được TGPL theo các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với bản chất của TGPL và điều kiện đặc thù của đất nước. Luật cũng đã nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL thông qua việc chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL, quy định tiêu chuẩn tham gia việc thực hiện TGPL đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và quản lý chất lượng vụ việc TGP; tập trung thực hiện vụ việc TGPL theo đúng bản chất của hoạt động TGPL…

Cũng theo bà Minh, để triển khai tốt Luật TGPL năm 2017, trong thời gian sắp tới, cần nâng cấp và vận hành trang thông tin điện tử TGPL, phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động TGPL; nâng cao năng lực cho đôi ngũ người thực hiện TGPL; rà soát người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL và người thuộc diện TGPL trên từng địa bàn…
Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương đã giành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận, nêu lên các giải pháp để triển khai có hiệu quả Luật TGPL như: tăng cường công tác phối kết hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên thực tế mà Luật chưa tiên liệu được; chú trọng việc kiểm tra, giám sát, tạo lập cơ chế thông tin hai chiều để cùng giám sát, đánh giá chất lượng thực hiện công việc được giao của người thực hiện TGPL và người tiến hành tố tụng; tạo cơ chế, chính sách đảm bảo hiệu quả trong việc thanh toán chi phí vụ việc TGPL và nâng cao chất lượng thực hiện vụ việc TGPL…