Hội thảo Pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính

23/07/2010
Hội thảo Pháp luật về Xử lý vi phạm hành chính
Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được Quốc hội chính thức xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XIII năm 2011 căn cứ vào Nghị quyết số 48/2010/QH12 ngày 19/6/2010. Bộ Tư pháp là cơ quan được Quốc hội, Chính phủ phân công chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức việc xây dựng Dự án Luật này.

Để phục vụ cho việc tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn chỉnh Dự án Luật, Bộ Tư pháp phối hợp với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội với sự tài trợ của cơ quan Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Hà Nội (UNICEF) đồng tổ chức Hội thảo khoa học về pháp luật XLVPHC tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 22 đến ngày 23/7/2010. Vụ Pháp luật Hình sự hành chính, Bộ Tư pháp là đơn vị được giao trực tiếp thực hiện công việc này.

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp và ông Ngô Tự Nam, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu quốc hội đồng thời là đại diện lãnh đạo Uỷ ban Pháp luật.

Thành phần tham dự Hội thảo gồm có đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (Uỷ ban Pháp luật; Uỷ ban Tài chính ngân sách; Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng; Uỷ ban Quốc phòng và an ninh, đại điện Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh); đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế ở Việt Nam (UNDP, UNICEF, UNODC, UNFPA); đại diện các Bộ, ngành (Bộ Công an, Bộ Lao động, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường…); UBND thành phố Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh. Tham dự Hội thảo còn có các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề xung quanh Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính trên cơ sở Báo cáo tổng kết 8 năm thi hành Pháp luật Xử lý vi phạm hành chính và các vấn đề có liên quan cần tập trung đánh giá, đặc biệt là các vấn đề về khung thủ tục xử phạt vi phạm hành chính hiện hành, hướng quy định các biện pháp xử lý hành chính khác trong Dự án Luật (việc chuyển toàn bộ hoặc một phần biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục sang Toà án để xử lý theo thủ tục tư pháp, việc chuyển biện pháp đưa vào cơ sở chữa bênh sang hệ thống các biện pháp cai nghiện ma tuý theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý), pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma tuý, người bán dâm, về chính sách xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên v.v..

Có thể nói, việc tổ chức Hội thảo về pháp luật xử lý vi phạm hành chính là diễn đàn để đại biểu có thể trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến một dự luật có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác phòng ngừa và đấu tranh chống một loại vi phạm pháp luật có ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trực tiếp liên quan đến các quyền cơ bản của công dân, đó là vi phạm hành chính.

Hội thảo khoa học về Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng thực sự là một cơ hội tốt để các đại biểu có thể tập trung trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, làm rõ và sâu sắc hơn các khía cạnh pháp lý của vấn đề, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục xây dựng, chỉnh lý và hoàn thiện dự luật.

Thanh Hà, Vụ Pháp luật Hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp