Họp Ban soạn thảo Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính

20/07/2010
Ngày 19/7, Ban soạn thảo Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính đã tổ chức cuộc họp lần thứ 4 để cho ý kiến về một số vấn đề mà Tổ biên tập đang vướng mắc trong quá trình soạn thảo.

Chỉ khoảng 33 Nghị định?

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn, hiện nay có hàng trăm Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính nên đã dẫn tới tình trạng chồng chéo, trùng lắp, thậm chí mâu thuẫn nhau giữa các quy định trong các Nghị định đó. Vì vậy, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp đề xuất phương án là sẽ “chốt” 32 lĩnh vực quản lý nhà nước được ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính, có ấn định mức xử phạt tối đa. Bên cạnh đó, lĩnh vực mới phát sinh sẽ do Chính phủ quy định sau khi báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng tình quan điểm “gom” các Nghị định quy định về xử lý nhưng Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, phải tính toán như thế nào cho hợp lý vì các bộ hiện nay quản lý đa ngành, đa lĩnh vực song lại có những lĩnh vực do nhiều bộ ngành quản lý. Ông Ái dẫn chứng, an toàn vệ sinh thực phẩm do 3 Bộ là Nông nghiệp, Y tế và Công Thương cùng gánh vác, hay lĩnh vực bản quyền thì 1 phần do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý, 1 phần thuộc Bộ Khoa học công nghệ…

Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Hạnh đề nghị cần mạnh dạn hơn nữa. “Nếu gộp được các lĩnh vực gọn hơn thì càng giản tiện. Có thể tính đến một số lĩnh vực đặc thù như bảo vệ người tiêu dùng gộp được từ các lĩnh vực là an toàn thực phẩm, đo lường, tiêu chuẩn”, ông Hạnh nói.

Sẽ thành lập cơ quan chuyên trách về cưỡng chế?

Dự thảo mới nhất của Luật có đưa ra 2 phương án đối với quy định về việc có thành lập cơ quan chuyên trách về cưỡng chế thi hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính hay không. Theo đó, phương án đầu là giữ nguyên tổ chức hiện nay là vẫn do UBND các cấp thực hiện, lực lượng công an phối hợp, ngoài ra có bổ sung biện pháp chặn tài khoản của tổ chức, cá nhân vi phạm. Còn phương án 2 là thành lập cơ quan chuyên trách về cưỡng chế bởi 3 lý do là ngoài cơ quan công an, UBND thì các cơ quan khác không có lực lượng, phương tiện để có thể tiến hành cưỡng chế thi hành; nâng cao hiệu quả quản lý qua theo dõi, báo cáo và đặc biệt là TP. HCM đã thí điểm tốt, đã tổng kết được thực tiễn.

Tán thành phương án 2, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh, dự án Luật cần “bứt” khỏi quy định hiện hành, quy định ngay việc thành lập cơ quan chuyên trách về cưỡng chế. Ông phân tích, có như vậy mới tránh được tình trạng nhờn luật, chây ỳ không nộp phạt. Nhiều nước trên thế giới có thể không có cơ quan chuyên trách kiểu này nhưng lại có chế tài phạt nộp chậm như càng nộp chậm, mức phạt càng bị nâng lên. Bởi vậy, đây là những kinh nghiệm, sáng kiến quý, rất đáng để tham khảo.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng ban soạn thảo khẳng định, đúng là nên có cơ quan chuyên trách về cưỡng chế. Đó sẽ là đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, giao cho bộ ngành nào thì phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng.

Có thể lưu giữ hành chính?

Ông Sơn cũng cho biết, dự thảo Luật lần này cũng có quy định về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm áp dụng các biện pháp xử lý hành chính dù chưa thật hoàn chỉnh. Các biện pháp trên bao gồm lưu giữ hành chính; bảo lãnh hành chính; áp giải người vi phạm và truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục trong trường hợp bỏ trốn. Trong đó, biện pháp lưu giữ hành chính và áp giải người vi phạm là 2 biện pháp hoàn toàn mới.

Theo dự thảo Luật, lưu giữ hành chính được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp đó nếu không có người đứng ra nhận bảo lãnh. Việc lưu giữ hành chính được thực hiện tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục. thời hạn áp dụng biện pháp lưu giữ hành chính tối đa không được quá 24 ngày. Còn áp giải người vi phạm là biện pháp cưỡng chế đưa người vi phạm đi đến trụ sở cơ quan nhà nước có thẩm quyền được áp dụng trong các trường hợp sau đây: lập biên bản; đưa đối tượng bỏ trốn trở lại cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; tiến hành thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giữ người và lưu giữ hành chính.

Cẩm Vân