Kịp thời hướng dẫn các kiến nghị về hoạt động tư pháp địa phương

14/10/2016
Chiều 13/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã chủ trì cuộc họp về việc giải quyết một số vướng mắc, kiến nghị của địa phương trong công tác tư pháp. Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng đã đưa ra các ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết đối với từng kiến nghị nhằm kịp thời giải đáp thắc mắc có liên quan của địa phương.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đinh Văn Lộc báo cáo, thời gian gần đây Vụ nhận được công văn của một số địa phương đề nghị/xin ý kiến hướng dẫn như của UBND TP.Cần Thơ về công tác trợ giúp pháp lý; của Sở Tư pháp Đắk Lắk về công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); của Sở Tư pháp TP.HCM về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; của Sở Nội vụ Quảng Trị về việc sử dụng con dấu của Phòng Tư pháp cấp huyện. Trên cơ sở chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, ý kiến của các đơn vị liên quan, Vụ đề xuất hướng trả lời kiến nghị cho địa phương.
Chẳng hạn, về đề nghị Bộ hướng dẫn thực hiện phân cấp nhiệm vụ công bố TTHC và thẩm quyền phê duyệt cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC cấp tỉnh của Sở Tư pháp Đắk Lắk, qua tổng hợp ý kiến, Vụ Tổ chức cán bộ thấy rằng, việc giao Chủ tịch UBND tỉnh công bố TTHC thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn nhằm bảo đảm tính thống nhất, khắc phục tồn tại mỗi địa phương, mỗi cấp lại áp dụng nhiều phiên bản khác nhau của một TTHC như trước khi Nghị định số 63/2010/NĐ-CP có hiệu lực, đồng thời tránh gây lãng phí thời gian và nhân lực… Do vậy, đề nghị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này theo quy định tại Nghị định 63. Còn trường hợp cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC ở Đắk Lắk thường xuyên thay đổi thì có thể cân nhắc, nghiên cứu cơ chế ủy quyền cho Sở Tư pháp.
Lý giải thêm về đề xuất trên, đại diện Cục Kiểm soát TTHC nhấn mạnh, nhiệm vụ công bố TTHC được giao cho Chủ tịch UBND tỉnh là nhằm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này. Hơn nữa, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, số TTHC được quy định trong văn bản của địa phương sẽ không nhiều (trừ trường hợp được luật giao) nên không quá tải cho địa phương để từ đó cần phải phân cấp. Còn việc có thể ủy quyền cho Sở Tư pháp trong trường hợp thay đổi cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC sẽ giúp linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành song phải giữ nguyên thẩm quyền phê duyệt cán bộ đầu mối của Chủ tịch UBND tỉnh để làm cơ sở thực hiện hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ, chế độ chính sách cho đội ngũ này.
Cũng theo ông Lộc, căn cứ yêu cầu đẩy nhanh cải cách TTHC, căn cứ khả năng thực hiện của Sở Tư pháp TP.HCM, UBND TP.HCM giao Sở Tư pháp nghiên cứu dự thảo văn bản phân cấp thẩm quyền quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài của UBND thành phố cho Sở Tư pháp. Vì vậy, Sở Tư pháp TP.HCM báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của Bộ về chủ trương phân cấp quản lý về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố. Vụ Tổ chức cán bộ cho rằng, có thể cân nhắc việc ủy quyền cho Sở Tư pháp thẩm quyền quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài để giảm tải công việc cho UBND TP.HCM. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Con nuôi Đặng Trần Anh Tuấn đề nghị tiếp tục thống nhất giao thẩm quyền này cho Chủ tịch UBND thành phố…
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng hoan nghênh tinh thần chuẩn bị khẩn trương, chu đáo của Vụ Tổ chức cán bộ và ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan. Thứ trưởng nhất trí với đề xuất của Vụ Tổ chức cán bộ và Cục Kiểm soát TTHC liên quan đến đề nghị của Sở Tư pháp Đắk Lắk. Về vấn đề xin ý kiến của Sở Tư pháp TP.HCM, Thứ trưởng cũng nhất trí không phân cấp cho Sở Tư pháp khi Luật Nuôi con nuôi đã giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh bởi nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là lĩnh vực đặc thù, lại liên quan đến hoạt động đối ngoại.
                                                  H.Thư