Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao

12/10/2016
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao
Ngày 12/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội đồng thẩm định Chương trình khung đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Đây là hướng phát triển, đa dạng và chuẩn hóa mô hình đào tạo chức danh tư pháp vô cùng phù hợp trong xu thế hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay.
Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư vừa đảm bảo trang bị cho học viên nền tảng kiến thức chung, nhằm tăng cường năng lực áp dụng pháp luật, năng lực thực thi quyền lực tư pháp và tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp, vừa đảm bảo được sự tương đồng và riêng biệt về đặc thù nghề nghiệp cốt lõi của từng chức danh.
Chất lượng đào tạo hướng vào mục tiêu phát triển nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao, tăng cường và bổ sung hiệu quả cho nguồn tuyển dụng của các ngành Tòa án, Kiểm sát và nhu cầu phát triển đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập quốc tế, góp phần đáp ứng nhu cầu luân chuyển các chức danh tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp và Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Đối tượng đào tạo là những người có bằng cử nhân luật, có kiến thức, có kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp cơ bản để có thể trở thành thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư. Thời gian đào tạo là 18 tháng, trong đó thực tập 6 tháng.
Cấu trúc, nội dung chương trình có sự phân định kiến thức, kỹ năng cần trang bị cho học viên theo 3 cấp độ “phải biết”, “cần biết” và “nên biết”. Chương trình chỉ giảng dạy những nội dung mà học viên “phải biết”, nội dung “cần biết” và “nên biết” sẽ do học viên tự nghiên cứu, tự học ở nhà theo hướng dẫn trong đề cương chi tiết môn học.
Nội dung chương trình đào tạo tích hợp những nội dung cơ bản của chương trình đào tạo từng chức danh của Học viện Tư pháp, tương thích với chương trình đào tạo thẩm phán của TANDTC và đào tạo kiểm sát viên của Viện KSNDTC. Theo đó, chương trình đảm bảo đào tạo toàn diện về đạo đức, kiến thức và kỹ năng cơ bản của nghề thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, tạo sự đột phá về chất lượng và sự chuyên nghiệp trong hoạt động tranh tụng.
Mục tiêu của chương trình đào tạo để học viên có năng lực tư duy pháp lý, phân tích và xử lý tình huống áp dụng pháp luật, trau dồi kỹ năng hành nghề, khả năng làm việc độc lập trong môi trường công việc áp lực cao. Học viên tốt nghiệp được cấp Chứng chỉ tốt nghiệp chương trình đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghề luật sư. Đồng thời, học viên có thể hiểu biết chuyên sâu về đặc điểm, yêu cầu nghề nghiệp, quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; nắm bắt được các kiến thức chuyên ngành và có khả năng vận dụng vào hoạt động nghề nghiệp cụ thể.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam Nguyễn Văn Chiến, thành viên Hội đồng thẩm định, nội dung chương trình đã cơ bản bám sát yêu cầu đào tạo từng chức danh, phương pháp đào tạo đã hướng người học vào việc trau dồi các kỹ năng thực tiễn. Tuy nhiên, cần lưu ý thiết kế thời lượng chương trình giữa 3 chức danh để đảm bảo tính phù hợp, khả thi.
Còn Vụ trường Vụ 9, Viện KSNDTC Lê Thành Dương nhấn mạnh phải có sự so sánh chương trình với các cơ sở đào tạo khác để tránh chồng chéo đồng thời cần nêu bật ưu điểm của chương trình, những lợi ích học viên có được để thu hút mạnh mẽ người học.
Thay mặt Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định chương trình cơ bản phù hợp với thực tiễn, đủ cơ sở pháp lý để ban hành và triển khai. Với sự nhất trí của các thành viên Hội đồng, chương trình đã được nghiệm thu, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, bổ sung các nội dung để trình Bộ trưởng và có thể sớm được đưa vào thí điểm.
                                                          Kim Quy