Năm năm thực hiện Nghị quyết 48/NQ-TW của Bộ Chính trị: Luật đã “bám sát” thực tiễn cuộc sống

11/06/2010
Năm năm thực hiện Nghị quyết 48/NQ-TW của Bộ Chính trị: Luật đã “bám sát” thực tiễn cuộc sống
Hôm qua (10/6) tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức góp ý Báo cáo sơ kết của Chính phủ về việc triển khai Kế hoạch 900/UBTVQH 11 thực hiện Nghị quyết 48/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Khắc phục “bệnh” thành tích, ghi danh

Sau 5 năm thực hiện Kế hoạch 900, Bộ Tư pháp được giao tổng kết việc thực hiện ở 23 Bộ ngành và 63 tỉnh, thành phố.

Đánh giá của Bộ Tư pháp cho thấy, kết quả đạt được lớn nhất trong công tác xây dựng chương trình và quy trình xây dựng pháp luật thể hiện trên ba nội dung lớn, trong đó có sự ra đời của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2008, đổi mới cơ bản cách làm chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật của Quốc hội và Chính phủ theo hướng khắc phục bệnh hình thức, đánh trống ghi tên. Cũng theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong vòng 5 năm (2005-2009), đã ban hành 120 luật, pháp lệnh, hoàn thành 73% kế hoạch ban hành luật, pháp lệnh hàng năm. Dự kiến cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007-2011) có 107 dự án luật, pháp lệnh chính thức (số này đã được bổ sung), thực tế 3 năm (2007-2009) đã ban hành 63 văn bản, đạt gần 59% của cả nhiệm kỳ.

“Nếu so với tổng số các VBQPPL được ban hành trong 20 năm qua thì con số nói trên thực sự ấn tượng”, bà Dương Thanh Mai, chuyên gia cao cấp, Bộ Tư pháp nhận xét. “Không dừng ở số lượng lớn, chất lượng văn bản ngày càng đảm bảo tính khả thi, sát thực tiễn đời sống” - bà Mai nói thêm.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận hạn chế lớn là khả năng dự báo thấp và thiếu định hướng chính sách rõ ràng trong công tác đề xuất, lập dự kiến nên Chương trình xây dựng luật thiếu tính bao quát và tầm nhìn dài hạn, tính ổn định cũng còn hạn chế. Tính riêng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đã có tới ba lần điều chỉnh, tình trạng “đưa vào rút ra” dễ dãi, phổ biến ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chương trình. Đáng chú ý là nhiều dự án luật còn nặng lợi ích cục bộ của một số Bộ, ngành. Thực tế này, ngay trong phiên thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 của Quốc hội cũng đã bị Đại biểu Quốc hội “phê” tận nơi.

Cần nâng cao vai trò pháp chế

“Vai trò của Pháp chế Bộ, ngành ở nhiều cơ quan chưa được chú trọng đúng mức; thiếu cơ chế và biện pháp đủ mạnh để cơ quan soạn thảo cung cấp thông tin cần thiết cho việc thẩm định, giải trình việc tiếp thu ý kiến thẩm định” bà Dương Thanh Mai đánh giá.

Tán thành quan điểm này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài Chính Phạm Văn Lợi nói rõ hơn: Luật Ban hành VBQPPL có quy định mới là việc đánh giá tác động văn bản rất tiến bộ, đổi mới nhưng đi vào thực hiện mới thấy khó không phải vì chưa có hướng dẫn quy trình cụ thể mà ở năng lực, con người. Ông Lợi cho biết: Pháp chế Bộ Tài chính hiện có trên 30 người, cộng cả các Tổng cục là trên 100. Tuy nhiên, đội ngũ hiện tại đang phải “gánh” một lượng công việc khổng lồ. “Nếu đánh giá tác động văn bản làm một cách thực sự chu đáo, cẩn trọng thì với lực lượng như vậy, cơ sở vật chất, kinh phí như vậy, chúng tôi chưa thể” - ông Lợi nói.

Ngành Công an, mặc dù đội ngũ làm pháp chế rất hùng hậu với con số lên tới hàng ngàn người (8 Tổng cục thuộc Bộ Công an và 5 Công an tỉnh, thành phố trọng điểm có Phòng Pháp chế) nhưng theo đại diện Vụ Pháp chế thì cũng có những khó khăn tương tự.

Tổng hợp của các Bộ ngành, địa phương cũng cho thấy, kinh phí cấp cho hoạt động của các tổ chức Pháp chế hiện rất hạn chế, nhiều Bộ, ngành không có kinh phí riêng cho hoạt động xây dựng VBQPPL và cũng chưa có cơ chế cấp phát cụ thể. “Vấn đề là nhận thức của lãnh đạo các ngành phải được đổi mới” - GS.TS Trần Ngọc Đường kết luận. Ông Đường cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 48 phải bắt đầu từ chính khâu nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện thì việc triển khai mới đạt kết quả như mong muốn.

Thu Hằng

Mục tiêu của giai đoạn 2011-2020 là ban hành cho được các đạo luật nhằm tạo dựng hình ảnh mới của một nhà nước pháp quyền, nền hành chính và tư pháp hiện đại như: nghiên cứu, sửa đổi đồng bộ các luật về tổ chức bộ máy nhà nước (từ các quy định trong Hiến pháp đến các luật: Tổ chức Quốc hội, Chính phủ, TAND, VKSND, luật về chính quyền địa phương, Luật Xử lý vi phạm hành chính..) các luật đảm bảo quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân (Luật về Hội, Luật Trưng cầu dân ý, Luật Biểu tình…) theo đúng các định hướng của Nghị quyết 48

(Định hướng xây dựng và hoàn thiện pháp luật giai đoạn 2011-2020)


Thu Hằng