Hội thảo khu vực về “Kinh nghiệm lập pháp và thực thi pháp luật về phòng, chống buôn bán người” thành công tốt đẹp

07/06/2010
Hội thảo khu vực về “Kinh nghiệm lập pháp và thực thi pháp luật về phòng, chống buôn bán người” thành công tốt đẹp
Để phục vụ việc xây dựng Dự án Luật Phòng, chống buôn bán người, trong khuôn khổ Kế hoạch các hoạt động COMMIT Việt Nam năm 2010, được sự tài trợ của Dự án Liên minh các tổ chức Liên hợp quốc về phòng, chống buôn bán người khu vực tiểu vùng sông Mê Kông (UNIAP), Tổ chức Tầm nhìn thế giới quốc tế tại Việt Nam (WVI), Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) và Dự án chống buôn người khu vực Châu Á (ARTIP), trong hai ngày 03 và 04/6 vừa qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Hội thảo khu vực về “Kinh nghiệm lập pháp và thực thi pháp luật về phòng, chống buôn bán người” tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo có 8 chuyên gia quốc tế đến từ Thái Lan, Lào, Campuchia, Dự án chống buôn bán người khu vực châu Á, Dự án liên minh các tổ chức Liên hợp quốc về phòng chống buôn bán người, Văn phòng Cao ủy Liên Hợp quốc về quyền con người, Quỹ Châu Á, Quỹ Phát triển phụ nữ của Liên hợp quốc cùng gần 60 đại biểu là thành viên Tổ Biên tập Luật Phòng, chống buôn bán người; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các cơ quan hữu quan (Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh,...) và một số tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống buôn bán người ở Việt Nam.

Với mục đích tìm hiểu về các chuẩn mực quốc tế và kinh nghiệm của một số nước trong khu vực về xây dựng và thực thi có hiệu quả pháp luật về phòng, chống buôn bán người, Hội thảo được chia thành 6 phiên thảo luận về các vấn đề: khái quát về pháp luật pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về phòng, chống buôn bán người; khái niệm “buôn bán người”; phòng ngừa buôn bán người; bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán và hợp tác quốc tế để đấu tranh phòng, chống buôn bán người. Sau hai ngày làm việc sôi nổi, nghiêm túc, khoa học, với 13 phần trình bày của các chuyên gia và 35 ý kiến phát biểu của các đại biểu, Hội thảo đã thu lượm được nhiều kết quả bổ ích. Lượng thông tin phong phú, những kiến thức, kinh nghiệm sâu sắc về pháp luật quốc tế và trong nước liên quan đến phòng, chống tệ nạn buôn bán người mà các chuyên gia và đại biểu đã đóng góp làm cho Hội thảo này - đúng như Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế liên đã nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc - thực sự là diễn đàn thích hợp cho việc trao đổi, chia sẻ những kiến thức, thông tin và kinh nghiệm về pháp luật quốc tế và quốc gia có liên quan. Hội thảo đã tìm được một nhận thức chung về tính nghiêm trọng, phức tạp của tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng; về tầm quan trọng của công tác lập pháp và thực thi pháp luật cũng như về sự cần thiết phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong nước và hợp tác song phương, đa phương giữa các nước trong khu vực và trên thế giới mới có thể phòng ngừa, ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ được loại tội phạm nguy hiểm, mang tính chất xuyên quốc gia này.



 

          Qua các ý kiến trao đổi, thảo luận, các đại biểu tham dự Hội thảo cũng nhất trí đánh giá là trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm và đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm mua bán người. Trong đó, bên cạnh những biện pháp phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền, giáo dục về phòng chống buôn bán người; tăng cường hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; hỗ trợ, tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị buôn bán,... thì công tác nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống buôn bán người cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Xuất phát từ sự đồng thuận cao về sự cần thiết phải ban hành một đạo luật riêng về phòng, chống buôn bán người ở Việt Nam, các đại biểu tham dự hội thảo đã dành nhiều thời gian thảo luận về khả năng tiếp thu, vận dụng các chuẩn mực quốc tế và kinh nghiệm của các nước trong khu vực vào việc xây dựng Luật Phòng, chống buôn bán người của Việt Nam. Các đại biểu đều bày tỏ sự mong đợi và tin tưởng Dự án Luật Phòng, chống buôn bán người mà Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng sẽ sớm được chỉnh lý, hoàn thiện với chất lượng tốt để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét và thông qua theo đúng kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng đề cập tới sự cần thiết của việc Việt Nam sớm phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức liên quốc gia và tham gia Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ trẻ em bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia để tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế song phương, đa phương về phòng, chống buôn bán người.

Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Nguyễn Công Hồng - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp đã thay mặt Ban Tổ chức bày tỏ sự cảm ơn đối với các chuyên gia, luật gia, cán bộ làm công tác nghiên cứu và hoạt động thực tiễn đến từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan trong nước đã dành thời gian tham dự và đóng góp nhiều ý kiến phát biểu có chất lượng tại hội thảo, đồng thời mong muốn thành công của Hội thảo khu vực lần này sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia và các tổ chức quốc tế để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống buôn bán người ở Việt Nam nói riêng, trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông và trên toàn thế giới nói chung./.

Nguyễn Hải Anh, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính


Nguyễn Hải Anh, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính