Tận tâm hoàn thành trách nhiệm của mình cho đến ngày cuối cùng trên cương vị được Đảng, Nhân dân giao phó

30/03/2016
Tận tâm hoàn thành trách nhiệm của mình cho đến ngày cuối cùng trên cương vị được Đảng, Nhân dân giao phó
Công tác xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Chính phủ, Quốc hội khóa XIII; phải làm gì tiếp trong nhiệm kỳ tới để chúng ta có thể cởi nút thắt về “thể chế”; tâm sự của người đứng đầu ngành Tư pháp khi Chính phủ, Quốc hội khóa XIII vẫn “nợ” người dân Dự án Luật biểu tình.... là những nội dung được báo chí quan tâm phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường bên hành lang kỳ họp Quốc hội ngày hôm nay (30/3).
“Nút thắt” về thể chế đang dần được tháo gỡ
PV: Đại hội Đảng XI chỉ rõ thể chế là một trong những “nút thắt” cản trở sự phát triển của đất nước. Vì thế một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Đảng, Quốc hội và Chính phủ xác định trong nhiệm kỳ 2011-2016 là xây dựng và hoàn thiện thể chế. Nay nhìn lại, Bộ trưởng đánh giá thế nào về công tác xây dựng thể chế trong nhiệm kỳ qua?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Nhà báo nói đúng, vì là “nút thắt” cản trở sự phát triển của đất nước, nên xây dựng và hoàn thiện thể chế với trọng tâm là tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế thị trường đồng bộ với đổi mới chính trị đã được Nghị quyết Đại hội Đảng XI xác định là một trong ba đột phá chiến lược và được đặt thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong Chương trình lập pháp của Quốc hội khóa XIII, cũng như Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.
Với quyết tâm chính trị cao, trong suốt thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đã tập trung nhiều nỗ lực để thực hiện tốt nhiệm vụ lập hiến, lập pháp và đạt được kết quả nổi bật, hết sức quan trọng, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế như Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội và Chính phủ đã khẳng định.
Dấu ấn sâu đậm nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII là việc thông qua Hiến pháp năm 2013- Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Một số giá trị cốt lõi đúc kết từ gần 70 năm xây dựng, bảo vệ đất nước và gần 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới được kế thừa, bổ sung, làm sâu sắc hơn và khẳng định tại Hiến pháp năm 2013 như nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, nguyên tắc ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực của nhà nước pháp quyền, nguyên tắc tuân thủ tính tối thượng của Hiến pháp…
Chỉ trong gần hai năm rưỡi qua, Quốc hội đã thông qua hơn 70 luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó có những luật, bộ luật lớn làm nên ba trụ cột chính của hệ thống pháp luật là thể chế kinh tế thị trường ( như Bộ luật Dân sự, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật Đất đai…), thể chế nhà nước pháp quyền (như các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất), Bộ luật hình sự, các luật, bộ luật tố tụng..) và đặc biệt là một số thể chế về các quyền con người lần đầu tiên được ban hành (như Luật trưng cầu ý dân, Luật tiếp cận thông tin, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam…).
Chính tinh thần và các giá trị cốt lõi của Hiến pháp được cụ thể hóa trong các luật, bộ luật này sẽ góp phần tháo gỡ một bước quan trọng “nút thắt” thể chế đối với phát triển kinh tế- xã hội trong những năm tới.
PV: Nhưng thưa Bộ trưởng, phải chăng “nút thắt” thể chế vẫn còn nên tại Đại hội Đảng XII vừa qua, yêu cầu về đổi mới đồng bộ giữa kinh tế và chính trị vẫn tiếp tục được đặt ra? Theo Bộ trưởng phải làm gì tiếp trong nhiệm kỳ tới để chúng ta có thể cởi nút thắt đó một cách hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển và hội nhập?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Đúng vậy, số lượng 100 luật, 10 pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII ban hành đã làm nên kỳ tích về khối lượng luật, pháp lệnh lớn nhất được thông qua trong một nhiệm kỳ so với 12 khóa trước của Quốc hội, phản ánh bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Quốc hội. Bên cạnh đó cũng phải thẳng thắn nhìn nhận về những bất cập, tồn tại của hệ thống pháp luật nói chung,  chất lượng của những văn bản mới được thông qua nói riêng. Có những đạo luật lớn, rất quan trọng như Bộ luật hình sự, Chính phủ đã đề nghị cho lùi một kỳ họp, đến kỳ họp cuối cùng này mới thông qua để có thời gian chỉnh lý kỹ về kỹ thuật, nhưng vẫn được thông qua thì cũng khó mà nói rằng chất lượng đã hoàn hảo.
Tôi cũng không nhắc lại những gì đã được đề cập đến trong Báo cáo tổng kết và đã được nhiều vị đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường, chỉ xin trao đổi ngắn gọn về câu hỏi của phóng viên liên quan đến “nút thắt” thể chế cần tiếp tục tháo gỡ, trong đó có vấn đề đổi mới đồng bộ giữa kinh tế với chính trị. Vâng, nút thắt đó vẫn còn, tôi xin nêu một số nội dung quan trọng có tính phổ quát của tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền đã được nghiên cứu kỹ trong quá trình chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp, đã được đưa vào dự thảo Hiến pháp lấy ý kiến Nhân dân, nhưng rồi không được quy định hay sửa đổi trong bản Hiến pháp được thông qua. Đó là thiết chế bảo vệ Hiến pháp chưa được ghi nhận trong khi Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước ta lại quy định “việc toàn dân phải bảo vệ Hiến pháp”; đó là tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền chứ không theo đơn vị hành chính và việc thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia độc lập với Tòa án tối cao  để chịu trách nhiệm về các vấn đề tổ chức, nhân sự và tài chính của hệ thống tòa án, đảm bảo nguyên tắc độc lập của tòa án đã được ghi nhận trong tất cả các bản Hiến pháp của nước ta, đảm bảo sự không lệ thuộc lẫn nhau giữa các tòa án và giữa tòa án với các cấp chính quyền địa phương. Hoặc như, Hiến pháp đã mở ra nguyên tắc tổ chức các cấp chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và giao cho luật quy định cụ thể;  tuy nhiên, Luật tổ chức chính quyền địa phương và một số luật liên quan lại chưa làm được điều đó, dẫn đến chưa khắc phục, tháo gỡ được một trong những nút thắt thể chế lớn, đó là mô hình tổ chức chính quyền, và từ đó là cách thức điều hành, quản lý của chính quyền địa phương chưa thực sự phù hợp với những đòi hỏi đặc thù của mô hình phát triển kinh tế -xã hội ở từng địa bàn nông thôn, hải đảo, miền núi hay đô thị, nhất là những đô thị đặc biệt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Những điều này đã và sẽ còn là sự vênh giữa đổi mới chính trị và kinh tế, là rào cản thể chế đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương nói riêng, sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung.
Làm gì và làm như thế nào để tháo gỡ nút thắt thể chế một cách hiệu quả hơn là câu hỏi rất lớn và khó, là thách thức dài lâu đối với công tác lập pháp của chúng ta, và có lẽ không chỉ của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ khóa tới. Câu trả lời, theo tôi, phải ở cả 3 tầng có liên quan chặt chẽ với nhau- trước tiên là tư duy lập pháp, tư duy làm chính sách pháp luật dựa trên bằng chứng thực tiễn, mang tính hệ thống, nhất quán dựa trên nền tảng là các nguyên tắc hiến định; sau đó là đến việc tuân thủ nghiêm quy trình và kỹ thuật lập pháp đã được đổi mới khá căn bản  theo hướng dân chủ hơn, minh bạch hơn, kiểm soát chặt chẽ giữa các công đoạn và trách nhiệm giải trình nghiêm ngặt hơn từ phía các cơ quan  nhà nước; cuối cùng là việc tổ chức thi hành và bảo đảm các điều kiện thi hành hiệu quả các luật đã được thông qua, lắng nghe và kiểm chứng tác động của các chính sách pháp luật đến phát triển kinh tế, xã hội và việc thực hiện quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
“Có lúc nản lòng nhưng không bỏ cuộc”
PV: Những đạo luật nào được Quốc hội thông qua mà Bộ trưởng cảm thấy hài lòng nhất?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Câu trả lời chung nhất thì đó là những đạo luật mang tính đổi mới mạnh mẽ, thể hiện sâu sắc các giá trị cốt lõi tiến bộ, vì Nhân dân, vì Nhà nước pháp quyền của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, trong đó phải kể đến như Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, các luật về quyền con người như Luật trưng cầu ý dân, Luật tiếp cận thông tin, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; trong lĩnh vực tư pháp thì có Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính,  Luật hộ tịch…
PV: Vâng, nhân Bộ trưởng nhắc đến Luật hộ tịch, đây là dự án luật được Nhân dân đánh giá rất cao về tinh thần đổi mới. Tuy nhiên để dự án Luật được thông qua là điều không dễ dàng khi có nhiều tranh luận, nhiều quan điểm (thậm chí có cả lợi ích ngành) khác biệt, nhưng cuối cùng đã được thông qua với số phiếu cao. Nay nhìn lại, Bộ trưởng có thể chia sẻ và đúc kết được bài học kinh nghiệm gì trong việc xây dựng dự án Luật này?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Đúng như nhận xét của nhân dân mà Nhà báo vừa phản ánh, việc Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch có thể coi là cuộc "Cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung. Luật hộ tịch có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính như quy định việc cấp Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh; sự liên thông giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... Xin nói thêm, từ khi Luật hộ tịch có hiệu lực (01/01/2016) đến nay, tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng) thực hiện thí điểm đã có trên 60.000 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh.
Những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng dự án Luật này có nhiều, thú thực có lúc tôi đã nản lòng, nhưng đã không bỏ cuộc! Vì quản lý dân cư trong mọi xã hội từ cổ chí kim đều rất quan trọng, trong thế giới phẳng hiện đại lại càng quan trọng không chỉ đối với Nhà nước mà trước hết là để phục vụ Nhân dân, tạo cơ sở pháp lý để người dân bảo vệ các quyền nhân thân và tài sản hàng ngày của họ. Do đó, khó mấy cũng phải làm. Và việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” (gọi tắt là Đề án 896) đã tháo gỡ hoàn toàn khó khăn đặt ra. Cuối cùng trong cùng một ngày (ngày 20/11/2014) Quốc hội đã thông qua đồng thời Luật hộ tịch và Luật căn cước công dân.
Kinh nghiệm sâu sắc ở đây là phải kiên trì, bền bỉ thực hiện cải cách. Mình đã có nhận thức đúng rồi, có một định hướng tốt rồi, vấn đề còn lại là làm sao thuyết phục để có được sự đồng thuận trong ngành, ngoài ngành, từ người làm chính sách ở Trung ương đến người tác nghiệp cụ thể ở địa phương, cơ sở; phải thấm nhuần câu nói nổi tiếng của Bác Hồ là “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.
PV: Có điều gì mà Bộ trưởng còn cảm thấy băn khoăn, luyến tiếc trong việc xây dựng thể chế nhiệm kỳ qua? Nếu có thì cụ thể là ở những điểm gì
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Quá trình xây dựng các luật, pháp lệnh triển khai Hiến pháp năm 2013 là một quá trình không hề dễ dàng, suôn sẻ, nó thực sự là một cuộc đấu tranh đầy trăn trở, dai dẳng giữa cái cũ và cái mới cả trong tư duy lẫn trong kỹ năng lập pháp ở ngay trong mỗi Ban soạn thảo, Hội đồng tư vấn hoặc ở mỗi giai đoạn thẩm định, thẩm tra, thảo luận cho ý kiến, chỉnh lý tiếp thu, giải trình, thậm chí đến cả phiên họp thông qua luật mà mục đích chỉ là để hiểu cho đúng, cho thống nhất và thể hiện đầy đủ, nhất quán, đồng bộ các nguyên tắc, các quy định và tinh thần của Hiến pháp trong các dự án luật, pháp lệnh được thông qua.
Có những việc chủ trương đã rõ, đã có nghị quyết của Trung ương hay Bộ chính trị, Hiến pháp cũng đã đặt các nguyên tắc nền tảng, từ việc đại sự như tôi đã nói ở trên về xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp, quản lý tòa án địa phương về mặt tổ chức, ngân sách đến những câu chuyện tưởng như nhỏ, nhưng vô cùng quan trọng đối với người dân và đất nước. Chẳng hạn chúng ta đã rất kỳ vọng vào thiết chế Hội đồng bầu cử quốc gia khi lần đầu tiên được quy định tại Hiến pháp năm 2013 thế nhưng các quy định cụ thể về thiết chế này trong Luật bầu cử thì lại không có gì mới so với trước đây. Rồi việc “diễn giải” về chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và đặc biệt là trong Bộ luật tố tụng dân sự có thể nói là đi ngược lại bản chất của quan hệ pháp luật dân sự vỗn dĩ từ cổ chí kim là “cốt ở đôi bên”. Hoặc là việc tổ chức đăng ký tài sản của người dân khi mà quyền sở hữu tư nhân đã được hiến định. Ở nước ta tài sản đăng ký ở các đầu mối khác nhau. Bất động sản cũng vậy, động sản cũng vậy, không được kiểm soát một cách tập trung. Đó là một trong các lý do khách quan dẫn đến việc khó mà phòng chống được tham nhũng một cách hiệu quả, khó mà xóa được việc nợ về thi hành án dân sự. Nhưng khi dự án Luật đăng ký tài sản được trình lên thì Quốc hội không thông qua vì đụng chạm đến chức năng, quyền hạn của nhiều ngành. Vì vậy, đây vẫn là món “nợ” của tôi với Nhân dân…
Hy vọng Luật Biểu tình sớm được thông qua
PV: Vâng, Bộ trưởng vừa nhắc đến nợ thể chế, xin được Bộ trưởng cho biết ý kiến cá nhân về việc Chính phủ, Quốc hội khóa XIII vẫn “nợ” người dân Dự án Luật biểu tình mặc dù Hiến pháp năm 2013 đề cao quyền con người, quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền biểu tình.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Đúng vậy, quyền biểu tình không những là một trong các quyền hiến định của công dân từ nhiều năm nay nhưng chưa được cụ thể hóa bằng luật. Mặt khác, đây cũng là một thực tiễn xảy ra ngày một nhiều trong đời sống xã hội cần được điều chỉnh bằng luật. Dự án Luật biểu tình đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 của Quốc hội khóa XIII và dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 11. Chính phủ đã phân công và chỉ đạo sát sao cơ quan chủ trì soạn thảo tổng kết thực tiễn thi hành các văn bản dưới luật hiện hành liên quan đến quyền biểu tình, sưu tầm, biên dịch, nghiên cứu pháp luật về biểu tình của một số nước, tổ chức khảo sát tại một số địa phương trọng điểm, xây dựng dự thảo Luật, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Qua thảo luận tại phiên họp, Chính phủ nhận thấy đây là luật mới, phức tạp, còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhất là khác nhau trong nhận thức về quyền biểu tình và giới hạn thực hiện quyền biểu tình theo đúng nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân đã được quy định tại Điều 14, khoản 2 Hiến pháp năm 2013. Dự án Luật, một mặt phải ghi nhận quyền và xác định các biện pháp cụ thể, khả thi để người dân thực hiện quyền biểu tình trong khuôn khổ pháp luật, phù hợp với thể chế chính trị, điều kiện kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế và chủ trương mở rộng dân chủ ở nước ta hiện nay; mặt khác, phải bảo đảm quyền biểu tình được thực hiện trên cơ sở tôn trọng trật tự công, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng quyền biểu tình để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quốc gia, dân tộc và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. So với những yêu cầu trên, Chính phủ nhận thấy dự án Luật cần phải được chỉnh lý thêm. Do vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện thêm dự án Luật biểu tình. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng của dự án Luật.
Hy vọng trong thời gian tới, với sự nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, sự tham gia tích cực của người dân, dự án Luật sẽ nhận được sự đồng thuận cao hơn và sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến.
Mong người kế nhiệm sẽ giữ vững và phát huy vị thế của Ngành
PV: Xin hỏi Bộ trưởng một câu hỏi khá riêng tư là nhìn lại 2 nhiệm kỳ làm Bộ trưởng, ông có cảm thấy hài lòng với những gì mà mình đã làm được không? Có điều gì ông muốn lưu ý, gửi gắm đến người kế nhiệm?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Có thể nói, trong 2 nhiệm kỳ qua, với tư cách là Bộ trưởng, tôi đã nỗ lực bằng tất cả tâm, trí và sức mình để làm tròn vai “Tư lệnh ngành Tư pháp”. Tôi cảm thấy rất hài lòng và có quyền tự hào về những điều đã làm được cho Ngành và đất nước. Điều tôi tâm đắc nhất là thấy Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp đang dần trở lại vị thế cần thiết của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta còn nhớ là sinh thời, Bác Hồ đã gọi Bộ Tư pháp là Bộ “trọng yếu của chính quyền”. Dù lịch sử thăng trầm, thậm chí có thời gian dài hơn 20 năm (1960-1981) đất nước không có Bộ Tư pháp, nhưng đến giờ, trong xã hội hiện đại, trong Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang xây dựng, có thể khẳng định, Bộ, ngành Tư pháp là một trong những bộ, ngành đóng góp ngày càng quan trọng vào quốc kế dân sinh. Tôi đã từng chia sẻ với báo chí, đầu tư một con đường, một chiếc cầu tốn hàng chục nghìn tỷ đồng có thể giúp cho người dân đi lại thuận tiện hơn, kinh tế-xã hội phát triển hơn, bộ mặt khởi sắc hơn, nhưng đó cũng chỉ là một con đường, một chiếc cầu giúp cho quốc kế dân sinh ở một khu vực. Còn việc xây dựng một hệ thống pháp luật, từ Hiến pháp trở xuống tới các bộ luật, các luật, nghị định, thông tư... có chất lượng, đúng hướng, vừa khai thác được đầy đủ tiềm năng của đất nước, sức sáng tạo của mọi người dân, vừa giữ được kỷ cương phép nước, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển dài lâu, bền vững của một đất nước, một dân tộc thì giá trị của nó không gì có thể so sánh được. Bên cạnh đó, không thể không kể đến công tác xã hội hóa các nghề tư pháp (luật sư, công chứng, thừa phát lại, quản tài viên và sắp tới đây là trợ giúp pháp lý…) đã và đang được thực hiện đúng hướng theo thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đóng góp không nhỏ cho công tác cải cách hành chính, tinh giản biên chế nhà nước, đồng thời mang lại cho xã hội, cho người dân những dịch vụ tư pháp ngày càng chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn.
Những đóng góp, nỗ lực của Bộ, ngành Tư pháp với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, quản lý công tác tư pháp đã và đang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận. Chưa bao giờ công tác tư pháp lại gắn bó và phục vụ đắc lực, thiết thực nhu cầu hàng ngày của người dân như hiện nay. Dù nhiệm kỳ của Chính phủ khóa này có kết thúc sớm, cá nhân tôi vẫn cảm thấy mãn nguyện vì đã tận tâm hoàn thành trách nhiệm của mình cho đến ngày cuối cùng trên cương vị được Đảng và Nhân dân giao phó.
Tôi mong muốn người kế nhiệm Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ giữ vững và nâng cao hơn nữa vị thế của Bộ, ngành Tư pháp; kiên trì thực hiện các mục tiêu đã được đề ra trong các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 48 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách pháp luật và cải cách tư pháp, góp phần để đất nước ta vững vàng bước vào giai đoạn phát triển mới với yêu cầu ngày càng cao về tính dân chủ và pháp quyền trong quản trị đất nước và phát triển kinh tế -xã hội, hội nhập quốc tế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
                                                                            Hồng Thúy (ghi)