Tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về tư pháp và pháp luật giữa Việt nam và An-giê-ri

30/03/2016
Tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về tư pháp và pháp luật giữa Việt nam và An-giê-ri
Nhận lời mời của Bộ Tư pháp An-giê-ri, đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại An-giê-ri từ ngày 28/3/2016. Tham gia đoàn công tác có đại diện của Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ), Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) và một số đơn vị trong Bộ Tư pháp (Viện Khoa học pháp lý, Vụ Tổ chức, cán bộ, Cục bổ trợ tư pháp, Vụ hợp tác quốc tế, Văn phòng Đảng-Đoàn thể).
Ngày 28/3/2016, tại trụ sở Bộ Tư pháp An-giê-ri, ông Laadjin, Tổng thư ký Bộ Tư pháp An-giê-ri đã tiếp Đoàn Công tác. Trao đổi với đoàn công tác, ông Laadjin cho rằng, hợp tác về tư pháp và pháp luật giữa Bộ Tư pháp An-giê-ri với Bộ Tư pháp Việt Nam trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa hai bên năm 2010 và kết quả chuyến thăm của Bộ trưởng Tư pháp hai nước vào các năm 2014 và 2015 đang ngày càng đi vào chiều sâu. Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Bộ Tư pháp An-giê-ri, đồng thời chuyển lời chào của Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam tới Bộ trưởng Tư pháp An-giê-ri và bày tỏ mong muốn qua chuyến thăm này tiếp tục đưa hoạt động hợp tác giữa hai bên ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Sau lễ đón, đoàn công tác đã có buổi trao đổi, làm việc với Tổng vụ Pháp luật và Tư pháp (Bộ Tư pháp An-giê-ri). Tiếp đoàn công tác, ông Lakhdari Mokhtar, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Pháp luật và Tư pháp đã thông tin về những nỗ lực cải cách trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật của An-giê-ri trong thời gian gần đây.  Theo ông Tổng Vụ trưởng, An-giê-ri cũng đang trong tiến trình đẩy mạnh cải cách tư pháp và pháp luật nhằm xây dựng nền tư pháp công bằng, hiệu quả, thực thi công lý và bảo vệ tốt hơn quyền con người. Thời gian qua, An-giê-ri đã hoàn thiện pháp luật tố tụng, quy định việc áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn khi xử lý các vụ hình sự ít nghiêm trọng (với mức hình phạt tối đa không quá 2 năm tù), những vụ việc có tình tiết rõ ràng, nhằm giảm tải áp lực công việc xét xử cho hệ thống tòa án. Hiện tại, Bộ Tư pháp An-giê-ri cũng đang được Chính phủ An-giê-ri giao nhiệm vụ soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin và Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời rất mong muốn phía Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm liên quan tới lĩnh vực này và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm. Thay mặt đoàn công tác, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã cập nhật tình hình cải cách tư pháp, pháp luật của Việt Nam trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 với các bạn đồng nghiệp An-giê-ri.

Sau đó, đoàn công tác cũng có buổi trao đổi, làm việc với Tổng vụ Hiện đại hóa Tư pháp. Ông Akka, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hiện đại hóa Tư pháp đã trực tiếp giới thiệu với đoàn công tác những kết quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình hiện đại hóa các hoạt động tư pháp ở An-giê-ri, trong đó, tập trung giới thiệu sâu về Trung tâm xác thực chữ ký điện tử của Bộ Tư pháp.
Chiều ngày 28/3/2016, đoàn công tác đã làm việc với Trường đào tạo thẩm phán của An-giê-ri. Thông tin với đoàn công tác, Giám đốc Trường đào tạo thẩm phán An-giê-ri chia sẻ nhiều kinh nghiệm quan trọng trong việc tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng học viên làm nguồn bổ nhiệm thẩm phán và công tố viên ở An-giê-ri. Theo đó, để trở thành thẩm phán hoặc công tố viên, người có nguyện vọng phải trải qua thời gian đào tạo 3 năm tại Trường Đào tạo thẩm phán An-giê-ri. Để được tuyển vào Trường Đào tạo thẩm phán, học viên phải trải qua kỳ thi tuyển quốc gia có tính cạnh tranh rất cao, trong đó như năm 2015 vừa qua, với 9600 thí sinh đăng ký dự thi (là những người đã có bằng cử nhân luật), chỉ có 224 học viên được chọn. Trong thời gian đào tạo 3 năm tại Trường Đào tạo thẩm phán, các học viên không chỉ được củng cố lại kiến thức pháp luật mà còn được học tập các môn học thuộc về kỹ năng của thẩm phán, kỹ năng của công tố viên, được tham gia các chương trình thực tập tại tòa án, cơ quan công tố và các cơ quan có liên quan trong hệ thống tư pháp. Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ thẩm phán và công tố viên, Bộ Tư pháp An-giê-ri đang trình Chính phủ đề án kéo dài thời gian đào tạo tại Trường Đào tạo thẩm phán từ 3 năm lên 4 năm.
Được biết, với tư cách là Bộ Tư pháp trong Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, mà trọng tâm là quyền hoạch định và điều hành chính sách quốc gia trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật, Bộ Tư pháp An-giê-ri có trách nhiệm giúp Chính phủ xây dựng, soạn thảo các đạo luật về hình sự, dân sự, tố tụng, thi hành án (Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật thương mại, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật thi hành án) trình Quốc hội ban hành. Bộ Tư pháp An-giê-ri cũng có trách nhiệm quản lý nhiều thiết chế quan trọng trong hệ thống tư pháp An-giê-ri, như hệ thống công tố, hệ thống tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm, hệ thống thi hành án dân sự, hình sự, việc hành nghề luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản và giám định tư pháp.
Theo chương trình công tác, trong thời gian các ngày còn lại trong tuần công tác, Đoàn Công tác sẽ có các buổi làm việc với Tòa Tối cao An-giê-ri, Đoàn Luật sư thủ đô An-giê, Hội đồng công chứng An-giê-ri, Hội đồng quốc gia về thừa phát lại An-giê-ri và Tổng vụ Quản lý trại giam và tái hòa nhập cộng đồng.