Chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Hà Hùng Cường được diễn ra trong khuôn khổ thực hiện Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2015-2020 và Kế hoạch hoạt động năm 2016 đã ký giữa Bộ Tư pháp hai nước.
Mục đích chuyến công tác của Bộ trưởng là 1) thăm luân phiên cấp Bộ trưởng (theo Thỏa thuận hợp tác đã ký), trọng tâm là để đánh giá kết quả hợp tác năm 2015, thống nhất và ký Kế hoạch hợp tác năm 2016 giữa Bộ Tư pháp hai nước, và (2) tham dự và trình bày các nội dung chuyên đề về hệ thống pháp luật Việt Nam theo đề nghị của Bộ Tư pháp Bạn tại 2 Hội thảo tổ chức tại Viêng chăn và Luông Phạ Băng. Cụ thể, tại Viêng chăn, Bộ trưởng đã tham dự Hội thảo và giới thiệu với 200 cán bộ chủ chốt (Lãnh đạo cấp Bộ và Vụ) của một số cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ ngành của CHDCND Lào về Hiến pháp 2013 và các Luật triển khai thi hành Hiến pháp thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật, cái cách hành chính và cải cách tư pháp ở Việt Nam; Thứ trưởng Lê Thành Long giới thiệu về Tổ chức và hoạt động của thi hành án dân sự và việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác thi hành án dân sự ở Việt Nam. Tại tỉnh Luông Phạ Băng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác Bộ Tư pháp đã tham dự Hội nghị và trình bày về Quản lý công tác tư pháp địa phương của Việt Nam với gần 400 cán bộ chủ chốt các sở ban ngành của Tỉnh.
Bên cạnh các hoạt động Hội đàm, Hội thảo, ký văn kiện hợp tác quan trọng nói trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác đã có các buổi tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ, thăm và làm việc với Lãnh đạo các Tỉnh Xiêng Khoảng và Lãnh đạo tỉnh Luông Phạ Băng, thăm Học viện Tư pháp miền Bắc của Lào. Cũng trong thời gian công tác tại Lào, Bộ trưởng và Đoàn công tác đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, thăm gia đình đồng chí Bộ trưởng Tư pháp Bun Cợt – Xẳng – Xổm – Sắc và nguyên Bộ trưởng Tư pháp Cha-Lơn-Nhia-Pao-Hơ. Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào (Viêng chăn) và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Luông Phạ Băng (Lào) đã tham gia các hoạt động của Đoàn. Bộ trưởng Bun Cợt Xẳng Xổm Sắc và nhiều cán bộ chủ chốt của Bộ Tư pháp Lào cũng trực tiếp tháp tùng và tham dự mọi hoạt động của Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn cán bộ cấp cao của Bộ Tư pháp Việt Nam tại Viêng chăn và 2 tỉnh Xiêng Khoảng, Luông Phạ Băng.
Bài viết dưới đây của Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp điểm lại những hoạt động của Đoàn cũng như những kết quả tốt đẹp, quan trọng mà Đoàn đã đạt được trong chuyến công tác nhằm tăng cường hợp tác tư pháp, góp phần quan trọng củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Hội đàm giữa hai Bộ trưởng Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào tại Viêng chăn ngày 28/7/2014.
Ngay sau khi đặt chân tới CHDCND Lào, chiều ngày 25/12/2015, tại Thủ đô Viêng-chăn, Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường đã hội đàm với Bộ trưởng Tư pháp Lào, đồng chí Bun-Cợt -Xẳng-Xổm-Xắc. Hội đàm đã diễn ra trên tinh thần hữu nghị truyền thống và đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt- Lào.
Tại Hội đàm, hai Bên đã trao đổi về tình hình phát triển kinh tế xã hội, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp của mỗi nước và những đổi mới trong chức năng nhiệm vụ của Bộ Tư pháp mỗi nước, đặc biệt là những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ mới giao cho Bộ Tư pháp Lào quản lý. Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam và Bộ trưởng Tư pháp Lào đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào, coi đây là tài sản vô cùng quý báu mà các thế hệ hôm nay cũng như mai sau có trách nhiệm gìn giữ, bồi đắp và phát triển hơn nữa; nhấn mạnh mối quan hệ này là cơ sở vững chắc cho sự hợp tác ngày càng sâu rộng và bền chặt giữa ngành Tư pháp Việt Nam và Lào.
Bộ trưởng cũng đã thông tin về một số kết quả đạt được trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là việc thực hiện Kế hoạch về triển khai thi hành Hiến pháp 2013.Cụ thể, trong năm 2015 vừa qua, công tác hoàn thiện thể chế đã tiếp tục được đẩy mạnh với trọng tâm là căn chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với tinh thần và nội dung Hiến pháp mới, gắn việc thực hiện pháp luật với việc chuyển hướng chiến lược sang thực thi pháp luật, tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật; gắn cải cách hành chính với đẩy mạnh cải cách tư pháp, nhất là các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của Tòa án và các thiết chế bổ trợ tư pháp. Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc vào cuối tháng 11/2015, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 16 luật/bộ luật, 15 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Trong số đó, nhiều bộ luật, luật rất quan trọng đã được thông qua, như Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tạm giữ, tạm giam, Luật trưng cầu ý dân...
Hai Bên đánh giá cao Kế hoạch hợp tác trong những năm qua, đặc biệt là Kế hoạch Năm 2015 đã được Bộ Tư pháp hai nước, các cơ sở đào tạo Luật và các chức danh tư pháp, các Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự có chung đường biên giới, một số Sở Tư pháp không có chung đường biên giới nhưng đã thiết lập quan hệ hợp tác tích cực triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức như trao đổi các đoàn công tác, trao đổi học viên, giảng viên, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cán bộ pháp luật, trao đổi thông tin, tài liệu pháp luật.... Hai Bên đều khẳng định hoạt động hợp tác giữa hai Bộ được tổ chức thực hiện khá hiệu quả, đạt nhiều kết quả cụ thể và ngày càng đi vào chiều sâu, tạo được sự lan tỏa ngày càng rõ nét.
Về các hoạt động hợp tác tư pháp sắp tới, hai Bộ trưởng đã nhất trí về Chương trình hợp tác năm 2016 giữa hai Bộ với những nội dung phù hợp với nhu cầu, lĩnh vực ưu tiên cũng như điều kiện kinh phí, nguồn nhân lực của mỗi Bên, trong đó ưu tiên cho việc Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Lào xây dựng và hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là các đạo luật quan trọng mà Bộ Tư pháp Lào đang gấp rút hoàn thiện để chuẩn bị cho Chính phủ trình Quốc Hội trong thời gian tới như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi)…. Đặc biệt, Bộ trưởng Bun-Cợt đề xuất trong thời gian tới, Bộ Tư pháp Việt Nam cân nhắc cử chuyên gia pháp lý sang công tác dài hạn tại Bộ Tư pháp Lào để cung cấp cho Bạn những hỗ trợ toàn diện, hiệu quả và kịp thời hơn trong công tác xây dựng pháp luật.
Một trong những nội dung đã, đang và tiếp tục sẽ là điểm nhấn của hợp tác tư pháp Việt – Lào là công tác đào tạo luật và các nghề luật cho Lào tại Việt Nam. Năm 2016, hai Bộ Tư pháp nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng pháp luật, trong đó có việc tiếp nhận học sinh, sinh viên Lào sang học tập, đào tạo luật và các nghề luật tại Việt Nam. Những năm vừa qua, công tác đào tạo luật của hai nước ngày càng có sự hiểu biết, hợp tác chặt chẽ thông qua việc trao đổi kinh nghiệm, chương trình đào tạo giữa các cơ sở đào tạo luật và nâng cao trình độ cho cán bộ, sinh viên luật Lào tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp và trường Trung cấp Luật Đồng Hới. Thời gian tới đây, hai bên dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động hợp tác tại các địa phương thông qua các trường Trung cấp Luật mà trọng tâm là Trường Trung cấp Luật Đồng Hới và tiến tới là cả Trung cấp Luật Tây Bắc. Hợp tác đào tạo nghề cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác đã ký năm 2012 giữa Học viện Tư pháp Việt Nam và Học viện Tư pháp của Lào. Một trong những nội dung quan trọng đã được đưa vào Kế hoạch hoạt động năm 2016 của hai Bộ, đó là việc phối hợp xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền thông qua Dự án ODA của Việt Nam hộ trợ Học viện Tư pháp của Lào trong công tác đào tạo các chức danh tư pháp.
Về công tác Nghiên cứu, trao đổi thông tin pháp luật và về hợp tác quốc tế đa phương, Bộ Tư pháp hai nước dự kiến trong Năm 2016 sẽ tiếp tục trao đổi các đoàn chuyên gia trong các lĩnh vực soạn thảo và xây dựng pháp luật; trao đổi thông tin và hỗ trợ nhau tham gia tích cực và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như các Hội nghị trong khuôn khổ Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp, các nước ASEAN, trong đó có việc thực hiện các sáng kiến đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN và hợp tác trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.
Về Hợp tác tư pháp địa phương, Kế hoạch hoạt động năm 2016 cũng nhấn mạnh việc Bộ Tư pháp hai nước khuyến khích và tạo điều kiện tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan tư pháp, thi hành án tại địa phương nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân hai nước. Đặc biệt, Bộ Tư pháp hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy thực hiện hiệu quả Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước ký ngày 8/7/2013 và thực hiện Kết luận Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào lần thứ hai. Hai Bộ trưởng cũng nhất trí tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào tại Hà Tĩnh, Việt Nam lần thứ ba, dự kiến vào Quý II/2016.
Hai Bộ trưởng tin tưởng rằng, những kết quả quan trọng đạt được tại Hội đàm này cũng như việc thực hiện Kế hoạch hoạt động Năm 2016 sẽ tiếp tục tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đặc biệt và toàn diện giữa hai ngành Tư pháp Việt Nam và Lào, góp phần thiết thực vào việc gìn giữ quan hệ chung giữa hai nước cũng như vào việc xây dựng khu vực Đông Nam Á, châu Á hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Hội thảo chuyên đề tại Viêng chăn về 1) Hiến pháp 2013 và các Luật triển khai thi hành Hiến pháp thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật, cái cách hành chính và cải cách tư pháp ở Việt Nam và 2) về Tổ chức và hoạt động của thi hành án dân sự và việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác thi hành án dân sự ở Việt Nam.
Sáng 25/12, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã tham dự Hội thảo do Bộ Tư pháp Lào tổ chức với sự tham dự của 200 đại biểu là các cán bộ cao cấp của CHDCND Lào, đến từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ ngành của CHDCND Lào. Bộ trưởng đã trình bày chuyên đề về Hiến pháp 2013 và các Luật triển khai thi hành Hiến pháp thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật, cái cách hành chính và cải cách tư pháp ở Việt Nam. Thứ trưởng Lê Thành Long trình bày tham luận về Tổ chức và hoạt động của thi hành án dân sự và việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác thi hành án dân sự ở Việt Nam. Mục đích của Bạn trong việc tổ chức và đề nghị Bộ Tư pháp Việt Nam giới thiệu về các chuyên đề nói trên là nhằm có được thêm kinh nghiệm phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi 2015 cũng như nghiên cứu, tổng kết và đề xuất việc đổi mới tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự của CHDCND Lào.
Về Hiến pháp 2013 và các Luật triển khai thi hành Hiến pháp thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật, cái cách hành chính và cải cách tư pháp ở Việt Nam
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhắc lại tóm tắt các nội dung đã có dịp trình bày hơn 1 năm trước đây, trong chuyến công tác Viêng chăn tháng 7/2014, trước 400 cán bộ cấp cao của CHDCND Lào về bối cảnh, sự cần thiết, quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013 và một số nội dung cơ bản dựa trên 3 trụ cột chính của Hiến pháp 2013 (Quyền con người, quyền cơ bản của công dân; Kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền XHCN) cũng như những thách thức và phương hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm triển khai Hiến pháp. Tại lần trình bày năm nay, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã tập trung trao đổi, cung cấp thông tin cho phía Bạn về những thành tựu lập pháp triển khai thi hành Hiến pháp 2013 trong 2 năm 2014-2015 cũng như những thách thức và phương hướng trong việc tiếp tục đưa tinh thần, nội dung của Hiến pháp thể hiện trong các luật, bộ luật triển khai thi hành Hiến pháp được nhanh chóng đi vào cuộc sống, được bảo đảm thi hành thống nhất, kịp thời, hiệu quả và đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 trong bối cảnh chuẩn bị kết thức nhiệm kỳ XIII và bước vào nhiệm kỳ XIV của Quốc hội, Chính phủ như 1) Đề xuất bổ sung vào văn kiện Đại hội Đảng XII các nội dung về Nhà nước pháp quyền với việc chuyển hướng chiến lược từ trọng tâm là xây dựng pháp luật sang trọng tâm là hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả, hiệu lực tổ chức thi hành pháp luật; 2) chuẩn bị các định hướng, chủ trương, chính sách để trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ra Nghị quyết chuyên đề tiếp tục đẩy mạnh cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp cho giai đoạn 2016-2020 và tiếp theo; 3) Tập trung xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp còn lại của nhiệm kỳ khóa XIII và các luật, pháp lệnh thuộc Chương trình năm 2016; ưu tiên đưa vào Chương trình 2017-2018 các luật triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để khắc phục các bất cập trong các luật đã ban hành như (Cơ chế quản lý tòa án về tổ chức với mô hình Hội đồng tư pháp quốc gia; mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc thù thành phố, nông thôn, hải đảo; tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt.. để đáp ứng nhu cầu phát triển kính tế - xã hội khác nhau ở các vùng, miền; 4) Tập trung cao độ cho việc hoàn thiện hoàn thiện thể chế và các thiết chế thi hành pháp luật, phát triển các bộ công cụ, tiêu chí theo dõi, đánh giá chất lượng, hiệu quả xây dựng và thi hành pháp luật; khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh; 5) phát triển số và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm chính sách, soạn thảo văn bản pháp luật và nhất là đội ngũ cán bộ, công chức thi hành pháp luật từ trung ương đến cơ sở theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thượng tôn pháp luật, chịu trách nhiệm giải trình trước nhân dân , trước Nhà nước và 6) ban hành và tổ chức thi hành nghiêm cơ chế bảo vệ Hiến pháp, xử lý vi phạm hiến pháp, pháp luật trong các hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật, trước tiên là của đội ngũ công chức viên chức, trách nhiệm của người dứng đầu...
Về Tổ chức và hoạt động của thi hành án dân sự và việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác thi hành án dân sự ở Việt Nam
Giới thiệu tham luận về Tổ chức và hoạt động của thi hành án dân sự và việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác thi hành án dân sự ở Việt Nam, Thứ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển thi hành án dân sự - hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bộ máy nhà nước, nhằm bảo đảm cho các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật trên thực tế. Hoạt động THADS một mặt bảo đảm tính nghiêm minh của hệ thống pháp luật, thể hiện quyền lực nhà nước, mặt khác cũng là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân. Thứ trưởng cũng giới thiệu những bước phát triển về tổ chức và hoạt động của Thi hành án dân sự tại Việt Nam gắn tương ứng với mỗi giai đoạn của lịch sử phát triển đất nước: giai đoạn trước năm 1993, giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2008 và đặc biệt là từ giai đoạn từ năm 2008 đến nay với điểm mốc quan trọng là Luật THADS năm 2008. Theo đó, thể chế về công tác thi hành án dân sự tiếp tục được hoàn thiện; tổ chức bộ máy làm công tác thi hành dân sự được nâng cấp, kiện toàn một bước cơ bản trên nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương tới địa phương. Thứ trưởng nhấn mạnh những kết quả đã đạt được trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay như Đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án dân sự cũng không ngừng được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ được giao với gần 10 ngàn biên chế; Cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác THADS ngày càng được tăng cường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; Kết quả thi hành án xong về việc, về tiền năm sau cao hơn năm trước, ngày càng thực chất, bền vững và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao trong điều kiện còn nhiều khó khăn; Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ngày càng bài bản và đi vào nề nếp; cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác THADS ngày càng chặt chẽ và hiệu quả; Công tác hợp tác quốc tế trong THADS được tăng cường, đạt nhiều kết quả tích cực;
Thứ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, đạt được những kết quả nêu trên là do Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định đúng đắn vị trí, vai trò của công tác THADS trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cùng với đó là những chủ trương, giải pháp phù hợp cho công tác THADS nhất là mặt thể chế, cơ chế, công tác tổ chức cán bộ làm công tác THADS.
Về vấn đề xã hội hóa công tác thi hành án dân sự, Thứ trưởng Lê Thành Long đã giới thiệu toàn diện về chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam về xã hội hóa công tác THADS cũng như mô hình tổ chức hoạt động và kết quả thực hiện thí điểm Thừa phát lại. Việc thí điểm chế định Thừa phát lại đã tạo thêm cơ chế lựa chọn của người dân trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; hỗ trợ, giảm tải công việc cho các cơ quan nhất là Tòa án và các cơ quan thi hành án, giúp cho hoạt động tư pháp đúng pháp luật, hiệu quả hơn, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Kết quả này đã khẳng định sự đúng đắn của chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp theo Chiến lược cải cách tư pháp ở Việt Nam đến năm 2020 và là cơ sở để kỳ họp thứ 10 Quốc hội Việt Nam khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về việc thực hiện chế định Thừa phát lại chính thức trên phạm vi cả nước, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Về những định hướng cơ bản của công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Thành Long đã đề xuất nhiều nội dung, trong đó có 1) Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế công tác THADS; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại, tiến tới xây dựng Luật về Thừa phát lại, đẩy mạnh xã hội hóa công tác thi hành án dân sự ở Việt Nam; 2) Tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội giao; 3) Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thi hành án dân sự; 4) Tăng cường hơn nữa việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra và 5) Tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong thi hành án dân sự, tăng cường tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về công tác thi hành án dân sự, thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, trong đó có công tác thi hành án dân sự.
Hội nghị tại tỉnh Luông Phạ Băng về quản lý công tác tư pháp địa phương của Việt Nam
Ngày 28/12, tại tỉnh Luông Phạ Băng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác Bộ Tư pháp đã tham dự Hội nghị và trình bày về quản lý công tác tư pháp địa phương của Việt Nam với gần 400 cán bộ chủ chốt của tỉnh.
Trong bài trình bày, Bộ trưởng đã khái quát về tổ chức bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của Hiến pháp 2013 và các luật tổ chức; về quyền hành pháp theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ; về các chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp Việt Nam; về hệ thống các cơ quan tư pháp địa phương (Sở Tư pháp cấp tỉnh, Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã).
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh nội dung quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp với công tác tư pháp địa phương trước yêu cầu cải cách hành chính, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp được thực hiện thông qua một số nhóm nhiệm vụ chủ yếu như: 1) Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện công tác tư pháp; 2) Xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn và hàng năm trong quản lý và phát triển các lĩnh vực công tác tư pháp; tổ chức thực hiện và chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cơ quan tư pháp địa phương, bảo đảm sự thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ trong phạm vi cả nước; 3) Kiểm tra, thanh tra, đánh giá tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tư pháp địa phương; phối hợp với Bộ Nội vụ Việt Nam và các cơ quan có liên quan ban hành hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy định, hướng dẫn việc kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan tư pháp địa phương; ban hành tiêu chuẩn chức danh đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp địa phương, tạo cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ các cơ quan tư pháp của uỷ ban nhân dân các cấp; hỗ trợ cho các địa phương thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ các cơ quan tư pháp địa phương từ tỉnh đến cơ sở.
Bộ trưởng cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức đối với quản lý công tác tư pháp địa phương ở Việt Nam hiện nay và đặc biệt nhấn mạnh những vấn đề đặt ra đối với quản lý công tác tư pháp địa phương đáp ứng yêu cầu thi hành Hiến pháp 2013 và xây dựng nhà nước pháp quyền tại Việt Nam.
Cụ thể, đối với Bộ, ngành Tư pháp, thực hiện Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, trong thời gian tới, pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh theo hướng tăng cường phân quyền, phân cấp quản lý công tác tư pháp đối với chính quyền các cấp trong các lĩnh vực khác nhau. Theo đó, chức năng chủ yếu của các bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó có Bộ Tư pháp là tập trung vào quản lý vĩ mô, tăng cường chức năng hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và thanh tra, kiểm tra; phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa việc cung ứng các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý của Ngành Tư pháp. Bộ cũng cần tập trung hơn nữa vào việc ban hành các cơ chế, chính sách, quy định, tiêu chuẩn và cả quy trình thực hiện, sau đó kiểm tra việc thực hiện của chính quyền địa phương các cấp và khu vực tư nhân đối với việc cung ứng các dịch vụ công; tập trung theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập bằng việc hoàn thiện thể chế, chính sách và thậm chí cả phân bổ kinh phí nguồn lực.
Các buổi tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ; thăm và làm việc với Lãnh đạo tỉnh Xiêng Khoảng (Phó Bí Thư, Phó Tỉnh trưởng), lãnh đạo các sở ban ngành của Tỉnh Xiêng Khoảng; chào xã giao đồng chí Bí thư, Tỉnh trưởng Luông Phạ Băng của Lào
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào lần này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cùng đoàn cán bộ cấp cao của Bộ Tư pháp Việt Nam đã tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Thong –Sing Tham – Ma – Vong; thăm và làm việc với Lãnh đạo tỉnh (đ/c U Thên - Ma Sỷ Sôn Xay, Phó Bí thư, Phó Tỉnh trưởng Xiêng Khoảng), lãnh đạo các sở ban ngành của Tỉnh Xiêng Khoảng; chào xã giao đồng chí Khăm Khăn – Chăn Tha Vi Súc - Bí thư, Tỉnh trưởng Luông Phạ Băng của Lào. Các cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí ấm áp, cởi mở và thắm tình hữu nghị.
Tại các buổi tiếp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ sự vui mừng được tiếp tục sang thăm và làm việc tại Lào; chúc mừng Lào nhân kỷ niệm lần thứ 40 Quốc khánh nước CHDCND Lào (2/12/1975-2/12/2015) và kỷ niệm 95 năm ngày sinh đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, nguyên Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước CHDCND Lào (13/12/1920 – 13/12/2015); vui mừng về những thành tựu to lớn, quan trọng mà Đảng, Chính phủ và nhân dân các dân tộc Lào đã giành được trong triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ VII (2011-2015); chúc mừng thành công Hội nghị Trung ương 11 của Đảng nhân dân cách mạng Lào; chúc Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X vào đầu năm 2016. Bộ trưởng đặc biệt chúc mừng CHDCND Lào vừa ban hành Hiến pháp mới - Hiến pháp 2015, tin tưởng rằng với nhiều điểm đổi mới so với Hiến pháp sửa đổi năm 2003, Hiến pháp năm 2015 lần này sẽ là nền tảng để nước bạn Lào triển khai thực hiện các chính sách đổi mới, phát triển đất nước trong tình hình mới.
Bộ trưởng đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của Kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào được tiến hành cũng tại Thủ đô Viêng-chăn vào dịp này, đặc biệt nhấn mạnh hai văn kiện quan trọng được ký kết tại Kỳ họp lần thứ 38 là Hiệp định hợp tác song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào giai đoạn 2016-2020 cũng như Kế hoạch hợp tác song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào năm 2016 sẽ tạo cơ sở quan trọng để thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, trong đó có quan hệ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
Bộ trưởng Tư pháp hai nước đã báo cáo với đồng chí Thủ tướng, chia sẻ với lãnh đạo hai tỉnh về kết quả Hội đàm cũng như ký kết Văn kiện hợp tác giữa hai Bộ. Thủ tướng Chính phủ Thong –Sing Tham – Ma – Vong và lãnh đạo hai tỉnh Xiêng Khoảng và Luông Phạ Băng đánh giá cao kết quả hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai nước, trong đó có việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác giữa các tỉnh có chung đường biên và hợp tác trong diễn đàn ASEAN và quốc tế. Sự hợp tác này ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần củng cố mối quan hệ truyền thống keo sơn giữa hai nước.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng bày tỏ sự cám ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào đã dành những tình cảm tốt đẹp, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với nhân dân Việt Nam, cám ơn Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo các tỉnh đã có những chỉ đạo để ngành Tư pháp hai nước tiếp tục phát huy mối quan hệ hợp tác đặc biệt này.
Thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, thăm gia đình đồng chí Cha – Lơn- Nhia-Pao – Hơ, nguyên Bộ trưởng Tư pháp nước CHDCND Lào
Tại các cuộc gặp gỡ Đại sứ và các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của cơ quan đại diện của Việt Nam tại Lào đã góp phần tích cực vào việc củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào và mong rằng Đại sứ quán tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối quan trọng giúp các cơ quan tư pháp của hai nước tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác phát triển kinh tế, giúp đỡ lẫn nhau
Cũng trong thời gian công tác tại Lào, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác đã đến thăm gia đình đồng chí Cha – Lơn- Nhia - Pao – Hơ, Viện trưởng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Lào, nguyên Bộ trưởng Tư pháp nước CHDCND Lào. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá cao và một lần nữa cám ơn những tình cảm quý báu, sự quan tâm đặc biệt và những đóng góp to lớn của nguyên Bộ trưởng Cha – Lơn- Nhia-Pao – Hơ cho thành tựu hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai ngành tư pháp, đặc biệt là trong chục năm gần đây. Hai bên cảm động nhắc lại tình cảm đặc biệt cùng những kỷ niệm sâu sắc giữa hai Bộ trưởng của Việt Nam và Lào với tính chất là những người anh em, người đồng chí thân thiết trong suốt gần 10 năm qua, cùng hoạt động và cộng tác vì sự tiến bộ và phát triển của ngành tư pháp hai nước.
Nguyên Bộ trưởng Cha – Lơn- Nhia-Pao-Hơ chân thành cảm ơn các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam, đặc biệt là Bộ Tư pháp và cá nhân Bộ trưởng Hà Hùng Cường, người đồng nghiệp, người bạn, người anh em đã luôn dành sự giúp đỡ, ủng hộ đặc biệt và hợp tác chặt chẽ trong thời gian đồng chí Cha Lơn giữ cương vị Bộ trưởng Tư pháp của CHDCND Lào. Đồng chí Cha – Lơn- Nhia-Pao-Hơ cũng khẳng định trên cương vị công tác mới sẽ tiếp tục quan tâm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác tư pháp Việt – Lào ngày càng phát triển chặt chẽ và toàn diện hơn.
Gắn kết thành tựu của nền Tư pháp hai nước với những bước phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hợp tác Tư pháp Việt – Lào, góp phần quan trọng củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Sau 4 ngày làm việc tích cực và hiệu quả tại Viêng chăn và các địa phương của CHDCND Lào, ngày 29/12/2015, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác cấp cao của Bộ Tư pháp Việt Nam đã rời cố đô Luông Phạ Băng của Lào về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại CHDCND Lào.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 53 năm qua, đặc biệt là 33 năm thực hiện Hiệp định Hợp tác về mặt pháp lý và tư pháp giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa DCND Lào, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào nói chung và hợp tác về pháp luật và tư pháp nói riêng ngày càng trở nên gắn bó keo sơn và phát triển sâu rộng, hiệu quả. Mỗi thành tựu đạt được của nền Tư pháp hai nước từ trước đến nay đều gắn liền với những bước phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hợp tác Tư pháp Việt - Lào. Quan hệ hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp, các cơ quan tư pháp địa phương, các cơ sở đào tạo Luật, các tổ chức xã hội nghề nghiệp tư pháp của hai nước ngày càng được mở rộng và gắn bó. Các Bên đã ký và thực hiện hiệu quả nhiều văn kiện hợp tác các giai đoạn theo tinh thần đổi mới tư duy, tạo ra những đột phá mới để phát triển quan hệ đặc biệt hợp tác tư pháp Việt - Lào.
Những kết quả tốt đẹp đạt được trong chuyến thăm và làm việc tại Lào của Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn cán bộ cấp cao Bộ Tư pháp Việt Nam cũng chính là tiền đề để mở ra một chặng đường hợp tác mới, lâu dài giữa hai Bộ, hai Ngành Tư pháp và rộng ra là giữa những người làm nghề Tư pháp của hai nước. Hai bên đều nhận thức sâu sắc rằng, quan hệ tư pháp nói riêng và quan hệ Việt Nam-Lào nói chung đã trở thành quy luật phát triển, là nhân tố quan trọng đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước và là tài sản vô giá của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cần được giữ gìn và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau. Chủ tịch Cayson Phomvihan từng khẳng định: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào-Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông.”
Chuyến thăm của Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã góp phần quan trọng đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào lên tầm cao mới, góp phần đáp ứng nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước.
ĐHO – Vụ HTQT