Đoàn cán bộ Bộ Tư pháp tham gia khóa bồi dưỡng ngắn hạn tại CHLB Đức

30/10/2015
Đoàn cán bộ Bộ Tư pháp tham gia khóa bồi dưỡng ngắn hạn tại CHLB Đức
Trong khuôn khổ Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (gọi tắt là Đề án 165), từ ngày 17/10 đến ngày 31/10/2015, Đoàn cán bộ của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Phan Chí Hiếu làm Trưởng Đoàn tham gia chương trình khoá đào tạo ngắn hạn tại Cộng hoà liên bang Đức.

Với chủ đề đào tạo, quản lý, phát triển, sử dụng nguồn nhân lực pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Đoàn đã làm việc với Văn phòng Thủ hiến Bang Hessen; Bộ Tư pháp, hội nhập và châu Âu Bang Hessen; Trường Đại học tổng hợp Justus – Liebig Giesen; Viện Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản giáo bang Hessen; Văn phòng Luật sư Quốc tế Norton Rose Fulbright; Đoàn Luật sư thành phố Frankfurt; Viện Đào tạo luật sư Liên bang Đức; Trường Đại học tổng hợp Goethe Frankfurt; Ban thư ký của Uỷ ban Pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng Quốc hội Liên bang Đức.

Trong các buổi làm việc, các nhà lãnh đạo, chuyên gia của Văn phòng Thủ hiến Bang Hessen, Bộ Tư pháp, hội nhập và châu Âu Bang Hessen, các cơ sở đào tạo pháp luật và đào tạo nghề, các tổ chức hành nghề đã cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến hệ thống chính trị, hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật của Cộng hoà Liên bang Đức, Bang Hessen; kinh nghiệm đào tạo luật gia, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho thẩm phán, công tố viên, luật sư, cán bộ quản giáo và đội  ngũ cán bộ của Bộ Tư pháp, hội nhập và châu Âu Bang Hessen.

Mặc dù vấn đề đào tạo, trong đó có đào tạo luật gia thuộc thẩm quyền của các bang, nhưng hoạt động đào tạo luật gia được thực hiện khá thống nhất trong phạm vi toàn Liên bang. Nhìn chung, hoạt động đào tạo luật gia được nhà nước Cộng hoà Liên bang Đức rất coi trọng và thực hiện với quy trình hết sức chặt chẽ. Muốn có tư cách luật gia đầy đủ để có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán, công tố viên, luật sư, công chứng viên, người học phải trải qua hai giai đoạn: đào tạo cơ bản và đào tạo nghề. Giai đoạn 1 đào tạo cơ bản tại khoa luật của các trường đại  học tổng hợp với thời gian kéo dài từ 4 – 4,5 năm, kết thúc bằng kỳ thi quốc gia lần thứ nhất. Giai đoạn 2 kéo dài hai năm, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp tại Toà án, Viện công tố, Văn phòng luật sư và các cơ quan hành chính nhà nước, kết thúc bằng kỳ thi quốc gia lần thứ 2. Trong giai đoạn đào tạo nghề, các học viên được Nhà nước cấp học bổng khoảng 1.000 euro/tháng. Chỉ những người đã đỗ kỳ thi quốc gia lần thứ 2 mới có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán, công tố viên, luật sư, công chứng viên.

Một điểm khá thú vị trong thực tiễn hành nghề luật sư là: một luật sư muốn được công nhận là luật sư chuyên sâu trong một lĩnh vực nào đó (ví dụ: thừa kế, hôn nhân và gia đình, xây dựng, sở hữu trí tuệ…), ngoài kinh nghiệm, năng lực tranh tụng, tư vấn thuộc lĩnh vực chuyên ngành thì luật sư còn phải tham dự những khoá bồi dưỡng chuyên sâu về lĩnh vực đó. Đây là những kinh nghiệm hay mà Việt Nam cần nghiên cứu, áp dụng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, pháp luật trong sạch, vững mạnh.

Theo kế hoạch, Đoàn cán bộ của Bộ Tư pháp Việt Nam sẽ tiếp tục chương trình làm việc với Bộ Tư pháp và bảo vệ người tiêu dùng Cộng hoà Liên bang Đức, Toà án thành phố Wiesbaden, bang Hessen để tìm hiểu về chính sách tuyển dụng, quản lý nhân sự cán bộ Bộ Tư pháp, các thẩm phán, công tố viên, luật sư.

Lan Anh


Vũ Thị Lan Anh Đại học Luật Hà Nội