Hội thảo về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL

29/10/2015
Hội thảo về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL
Sáng nay – 29/10, Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật BHVBQPPL). Đồng chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Hồng Tuyến – Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và ông Isabeau Vilandre – Giám đốc Văn phòng dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam.

Tham dự Hội nghị còn có bà Juliet Robin – Chuyên gia cao cấp về Xây dựng Chính sách, Bộ Tổng Chưởng lý bang Ontario, Canada; ông Lionel Levert – Nguyên Trưởng Văn phòng chuyên gia lập pháp, chính quyền liên bang Canada; ông Dale Dewhurst – Phó Giáo sư Đại học Athabasca, Giám đốc chương trình đào tạo cán bộ soạn thảo văn bản pháp luật của Đại học Athabasca, Canada; đại diện các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Toàn án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, VCCI; đại diện Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương;  và các chuyên gia, nhà khoa học đến từ trường Đại học, các tổ chức nghiên cứu luật pháp tại Việt Nam.  

Bàn luận chuyên sâu nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Nghị định

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Tuyến nhấn mạnh, với tính chất một “luật làm luật”, Luật BHVBQPPL là đạo luật hết sức quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Luật có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, mang tính đột phá trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL nhằm góp phần xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, khả thi. Ông cho biết, điểm đột phá lớn nhất của Luật là tách quy trình xây dựng, phân tích, phê duyệt chính sách với quy trình soạn thảo VBQPPL. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung một số quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày VBQPPL, theo đó, giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước; đồng thời giao cho Chính phủ quy định chi tiết về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản của các chủ thể khác.

 

Để thực hiện Luật BHVBQPPL, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan  có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và các biện pháp thi hành Luật BHVBQPPL. Với mục đích là tham vấn ý kiến các đại biểu về một số nội dung quan trọng của dự thảo Nghị định, Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến về 03 nội dung: thể thức, kỹ thuật trình bày VBQPPL; đánh giá tác động về đề nghị xây dựng VBQPPL và dự thảo VBQPPL; phân tích chính sách, thẩm định chính sách, thẩm định VBQPPL của dự thảo Nghị định.

Ông Nguyễn Hồng Tuyến tin tưởng rằng, với sự tham gia của các đại diện, các chuyên gia giàu kinh nghiệm tham dự Hội nghị sẽ có nhiều đóng góp cho việc hoàn thiện các quy định của dự thảo Nghị định.

Xây dựng đội ngũ cán bộ làm luật chuyên sâu, được chuyên môn hóa trong việc chuyển chính sách thành các quy phạm pháp luật

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Hồng Tuyến về điểm mới đột phá của Luật BHVBQPPL là tách quy trình xây dựng, phân tích, phê duyệt chính sách với quy trình soạn thảo VBQPPL, ông Isabeau Vilandre cho rằng, vấn đề xây dựng, thẩm định chính sách không hoàn toàn mới ở Việt Nam, tuy nhiên trước đây nó không có sự tách biệt, mà vừa xây dựng chính sách vừa soạn thảo văn bản. Quy định mới của Luật đã tách hẳn xây dựng chính sách với soạn thảo văn bản, điều đó giúp nhà làm luật “có cái nhìn sáng rõ và đưa ra quyết định để xây dựng các quy phạm cụ thể”. Điều này cũng đòi hỏi chúng ta phải có cơ chế xây dựng năng lực cho cán bộ xây dựng chính sách và làm công tác soạn thảo văn bản, để có thể đề xuất xây dựng được chính sách tốt. Với Luật mới, Việt Nam sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ làm luật chuyên sâu, được chuyên môn hóa trong việc chuyển chính sách thành các quy phạm pháp luật.

 

Ông Isabeau cũng nhận định, trong quá trình soạn thảo Nghị định, sẽ không có nhiều nội dung đột phá hay mới hoàn toàn, mà nó là sự cải tiến và hoàn thiện các quy định trước đó. Do đó, không phải một cơ quan, tổ chức sẽ là chủ thể thực hiện soạn thảo Nghị định, mà là những cá nhân trong nhiều cơ quan, tổ chức đó, nên họ cần được đào tạo, trang bị các công cụ để làm việc như sổ tay, cẩm nang. Họ phải tiếp cận được Cơ sở dữ liệu về pháp luật để có các thông tin phục vụ cho việc xây dựng văn bản có chất lượng, thống nhất trong nội bộ văn bản và trong cùng một hệ thống pháp luật.

Theo ông Isabeau Vilandre, đây là thời điểm phù hợp và cần thiết để xây dựng Nghị định quy định chi tiết và các biện pháp thi hành Luật BHVBQPPL vì Việt Nam đã tham gia TPP với 11 nước khác, trong đó có Canada và Hoa Kỳ. Do đó, chúng ta có nhu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật phù hợp với cam kết quốc tế mà chúng ta đã có. Đồng thời thu hút nhà đầu tư nước ngoài, tạo ra môi trường thuận lợi để doanh nghiệp nước ngoài phát triển tốt ở Việt Nam.

Ông Isabeau Vilandre cũng cho rằng việc làm rõ vai trò của các bên, các Bộ, ngành, trong việc thực hiện Luật là rất quan trọng. Trong thời gian tới, TPP là động lực lớn để phát triển kinh tế và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, trong bản thân Hợp đồng TPP cũng có quy định liên quan đến việc đảm bảo tính thống nhất của văn bản quản lý nhà nước. “Xây dựng Nghị định vào thời điểm này là rất phù hợp, nó sẽ giúp làm sáng tỏ những chi tiết và công việc cần phải thực hiện để triển khai thành công Luật, để đảm bảo việc xây dựng các VBQPPL đúng theo yêu cầu của Luật và giúp đưa văn bản Luật vào cuộc sống”, ông Isabeau Vilandre nói.

Thể thức, kỹ thuật trình bày VBQPPL – nội dung không mới nhưng có sự thống nhất và phân công rõ ràng

Trong phần giới thiệu nội dung về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản trong dự thảo Nghị định, Tiến sĩ Đoàn Thị Tố Uyên – Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, phần thể thức, kỹ thuật trình bày VBQPPL được quy định trong nhiều văn bản khác nhau. Do đó, nhằm bảo đảm sự thống nhất về thể thức và kỹ thuật trình bày VBQPPL, Luật BHVBQPPL đã ủy quyền cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về thể thức trình bày VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Chính phủ quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày VBQPPL của cơ quan, người có thẩm quyền khác được quy định trong Luật. Đây chính là cơ sở để Bộ Tư pháp soạn thảo dự thảo Nghị định trong đó có nội dung về thể thức và kỹ thuật trình bày VBQPPL.

 

Đưa ra dự thảo các quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày VBQPPL, Tiến sĩ Đoàn Thị Tố Uyên cũng đưa ra một số nội dung cần bàn luận sâu như: tính logic trong kết cấu của dự thảo Nghị định; tính bao quát của các vấn đề cần quy định trong dự thảo Nghị định; căn cứ pháp lý trong phần mở đầu văn bản; vấn đề ủy quyền cho cấp Phó ký thay VBQPPL…

Cũng bàn về vấn đề này, bà Mạc Thị Hoa, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL đề nghị, nên quy định thêm phần ký hiệu đối với VBQPPL mật, để nhìn vào ký hiệu này sẽ không đăng trên Công báo và người cần sử dụng sẽ không mất công tìm kiếm tại các cơ sở dữ liệu về pháp luật. Về căn cứ pháp lý ban hành văn bản, bà Mạc Thị Hoa đề nghị nên có hướng dẫn cụ thể hơn, vì thực tế hiện nay có VBQPPL đưa rất nhiều VBQPPL làm căn cứ nhưng không biết thế nào là đủ, hoặc căn cứ nào là căn cứ trực tiếp, đó đó cần có hướng dẫn cho thống nhất.

Tại Hội thảo, ông Lionel Levert – Nguyên Trưởng Văn phòng chuyên gia lập pháp, chính quyền liên bang Canada cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm của Canada về thể thức trình bày VBQPPL.

 

Hội thảo diễn ra trong hai ngày (29, 30/10) tại Hà Nội. Chiều nay, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ tiếp tục thảo luận sâu thêm về thể thức trình bày VBQPPL của Quốc hội, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; chuyên gia của Canada sẽ giới thiệu một số công cụ soạn thảo VBQPPL của Canada…

Hoàng Vy Anh