Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật: cần hiệu quả và thực chất hơn

14/08/2015
Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật: cần hiệu quả và thực chất hơn
Sáng 14/8, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương đã họp phiên thứ năm để cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp công tác 5 tháng cuối năm; trao đổi, thảo luận về các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Phạm Việt Tiến, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Long Hải cùng các thành viên khác của Hội đồng, Ban Thư ký Hội đồng và đại diện một số cơ quan có liên quan.

Trong 7 tháng đầu năm 2015, Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để triển khai các hoạt động, mang lại kết quả tích cực. Công tác phối hợp ở nhiều Bộ, ngành, địa phương đã bài bản và chặt chẽ hơn, nhờ vậy chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL được nâng lên, không chỉ khai thác, huy động các nguồn lực mà còn sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực vốn rất eo hẹp, bước đầu bám sát nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, địa phương. Công tác PBGDPL đã gắn với những vấn đề dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác này. Công tác quản lý nhà nước về PBGDPL được quan tâm, chú trọng và tăng cường hơn.

 

 

Đặc biệt, vai trò của cơ quan thường trực Hội đồng ngày càng được khẳng định và phát huy, vì vậy hầu hết các văn bản pháp luật mới được ban hành đều được quán triệt, phổ biến đến cán bộ, nhân dân bằng hình thức thích hợp. Công tác PBGDPL đã gắn kết chặt chẽ hơn với công tác xây dựng pháp luật, gắn với đối thoại chính sách và phản ứng chính sách linh hoạt; không chỉ dừng lại ở quy định pháp luật đã được ban hành mà bước đầu gắn kết với quá trình nghiên cứu, soạn thảo văn bản, thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của cán bộ và nhân dân, nhất là qua cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp và Ngày Pháp luật.

 

 

Đánh giá cao những thành tích của Hội đồng Phối hợp PBGDPL trong 7 tháng đầu năm, các đại biểu tham dự cuộc họp đã chia sẻ về kinh nghiệm PBGDPL tại các đơn vị, đồng thời trao đổi, đề xuất nhiều biện pháp để công tác này ngày càng đi vào thực chất, có chiều sâu hơn nữa như: tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên ở các Bộ, ngành; nâng cao hơn nữa công tác phối hợp giữa các đơn vị có liên quan trong quá trình PBGDPL; lựa chọn hình thức, nội dung phổ biến pháp luật với từng đối tượng cụ thể; giải quyết các khó khăn về tài chính…

Tại phiên họp, các đại biểu đã được quán triệt nội dung, yêu cầu triển khai Chương trình phối hợp số 28 ngày 14/7/2015 về phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp giai đoạn 2015 – 2020 và Công văn số 2788/BTP-PBGDPL ngày 03/8/2015 hướng dẫn triển khai tổ chức Ngày Pháp luật năm 2015.

 

 

Đồng tình với ý kiến của các thành viên Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đánh giá cao những kết quả hoạt động của Hội đồng trong những tháng đầu năm 2015, đặc biệt là việc tổ chức thành công Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Dân sự sửa đổi… Về một số giải pháp để nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng cần rà soát các thể chế về kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL để tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan, đơn vị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động này, đảm bảo hiệu quả và thực chất hơn…

Theo thống kê của 63 địa phương, tính đến ngày 30/6/2015, cả nước đã tổ chức được 277.114 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp cho  hơn 17,5 triệu lượt người; phát hành miễn phí 10.831.003 bản tài liệu phổ biến pháp luật các loại, trong đó có 48.778 văn bản bằng tiếng dân tộc thiểu số; tổ chức được 7.800 cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng nhiều hình thức, thu hút được 6.751.703 lượt người tham dự; thực hiện 440.809 lần phát sóng chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh cấp xã và 315.801 tin, bài về pháp luật được đăng tải, phát trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.