Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc, các thành viên Ban soạn thảo Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR đến từ nhiều cơ quan, Bộ, ngành, các chuyên gia của UNDP, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước, Lãnh đạo Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp, đại diện của Tòa án, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự một số tỉnh, thành phố phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai…).
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, Việt Nam đã là thành viên của Công ước ICCPR từ năm 1982. Trong hơn 30 năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cố gắng thực hiện Công ước, trong đó có việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung Công ước, chuyển hóa các quy định của Công ước vào pháp luật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ hai Báo cáo quốc gia thực thi Công ước. Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tổ chức nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện về các vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng Báo cáo với nhận thức rằng việc xây dựng Báo cáo không chỉ nhằm mục đích thực hiện báo cáo theo yêu cầu của Công ước ICCPR mà còn là dịp để kiểm điểm, rà soát lại các quy định của pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị, việc triển khai thực hiện các quyền trên thực tế cũng như cơ chế bảo vệ các quyền này khi bị xâm phạm.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung chủ yếu như (i) làm rõ các nội dung yêu cầu của Công ước đối với việc xây dựng Báo cáo quốc gia, kể cả kinh nghiệm quốc tế; (ii) đánh giá đúng việc triển khai thực hiện các quy định của Công ước ICCPR từ cả góc độ thể chế và thực thi pháp luật; và (iii) đề xuất các giải pháp để Việt Nam có thể thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn các quy định của Công ước ICCPR.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tích cực trao đổi, thảo luận sâu về các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện các quy định của Công ước ICCPR; các biện pháp tăng cường tư pháp nhằm bảo đảm độc lập của Tòa án trong xét xử; việc đảm bảo quyền không bị tra tấn, đối xử hoặc bị áp dụng hình phạt một cách tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc nhục hình; những vấn đề Việt Nam cần quan tâm trong quá trình xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia lần này; những tiến bộ của Việt Nam trong việc đảm bảo và phát huy thực hiện quyền lập hội; thực trạng quy định của Bộ luật Hình sự nhằm bảo vệ quyền sống và đánh giá, xem xét khả năng gia nhập Nghị định thư về bãi bỏ hình phạt tử hình ở Việt Nam; thực tiễn thi hành các quy định nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận tại Việt Nâm; yêu cầu của Công ước ICCPR về đảm bảo quyền riêng tư - thực tiễn thi hành tại Việt Nam và đề xuất hướng hoàn thiện…
Ghi nhận các ý kiến đóng góp sâu, rộng của các thành viên Ban soạn thảo Báo cáo, các chuyên gia, các đại biểu tham dự Hội thảo, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp và sớm hoàn thiện dự thảo Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR trong thời gian tới./.
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp