Thực hiện Lộ trình hợp tác về nuôi con nuôi quốc tế với các nước thành viên Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, Đoàn đại biểu Bộ Gia đình và Thống nhất xã hội Cộng hòa Man-ta do Bộ trưởng Michael Farrugia dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 25-28/6/2015.
Tại Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã tiếp Đoàn và chứng kiến lễ ký giữa hai Cơ quan Trung ương của hai nước Bản ghi nhớ về việc áp dụng các thủ tục hành chính trong lĩnh vực con nuôi vào sáng nay (27/06). Qua đó mong muốn việc áp dụng các thủ tục hành chính sẽ đảm bảo việc cho và nhận trẻ em làm con nuôi quốc tế được thực hiện thuận lợi và hiệu quả, góp phần thúc đẩy lợi ích tốt nhất của trẻ em và bảo đảm phúc lợi cho trẻ em được nhận làm con nuôi.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách hệ thống pháp luật của đất nước, đặc biệt với bản Hiến pháp năm 2013 ghi nhận và bảo vệ quyền con người và quyền công dân, để triển khai thi hành Hiến pháp, một loạt các đạo luật sẽ phải sửa đổi hoặc ban hành mới. Bộ trưởng cho rằng, việc ký kết Bản ghi nhớ này sẽ góp phần nhỏ vào việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai quốc gia.
Đồng tình với Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Michael Farrugia cũng thông tin về một số cải cách đang diễn ra tại đất nước Man-ta như cải cách về kinh tế, pháp luật, giáo dục, bảo trợ xã hội, lương hưu… Ông cho biết, kết quả các cuộc cải cách đã cắt giảm được những yếu kém của nền kinh tế, giảm nạn thất nghiệp, thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế và công nghiệp. Việc cải cách hệ thống lương hưu sẽ bảo đảm cho người lao động khi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương và thoát khỏi cảnh nghèo đói; những cải cách về pháp luật của Man-ta sẽ giảm thiểu tình trạng quan liêu và giúp Bộ Tư pháp Man-ta vận hành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình…
Bộ trưởng Michael Farrugia cũng chia sẻ, hiện Man-ta đang tập trung giải quyết một số vấn đề trong đó có giảm nạn tham nhũng và xóa đói giảm nghèo, việc cải cách giáo dục và việc làm là định hướng đúng đắn trong việc xóa đói, giảm nghèo ở Man-ta. Bộ trưởng cho rằng, việc ký Bản ghi nhớ là “dấu mốc quan trọng, vì đây là lần đầu tiên hai nước ký Bản thỏa thuận”, nó sẽ giúp mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển, “xứng tầm 40 năm quan hệ ngoại giao hai nước”, đồng thời hy vọng hai nước không chỉ hợp tác trong lĩnh vực con nuôi mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác.
Cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng Michael Furrugia về những thông tin trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường mong nước bạn sẽ thành công hơn nữa trong công cuộc cải cách của mình và cho rằng “đã đến lúc Việt Nam và Man-ta phải tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác, hữu nghị” này.
Hoàng Vy Anh
Bản ghi nhớ nêu rõ: Việc giao trẻ em cho người nhận nuôi tương lai chỉ được tiến hành sau khi đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định của Điều 17 của Công ước La Hay. Cụ thể, việc bàn giao trẻ em sẽ chỉ diễn ra sau khi Cơ quan Trung ương của Nước gốc nhận được văn bản đồng ý của Cơ quan Trung ương của Nước nhận về việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi và khẳng định trẻ em sẽ được nhập cảnh và thường trú tại Nước nhận. Giấy chứng nhận theo Khoản 1, Điều 23 của Công ước La Hay về việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi đã được thực hiện theo đúng quy định của Công ước La Hay sẽ do Cơ quan Trung ương của Nước nơi giải quyết việc cho nhận con nuôi lập và cấp. Giấy chứng nhận này được lập theo mẫu do pháp luật của Nước đó quy định, phù hợp với mẫu khuyến nghị. Không được chi trả bất kỳ một khoản tiền hay một khoản bồi thường nào khác liên quan đến việc cho nhận con nuôi quốc tế giữa Man-ta và Việt Nam, trừ những khoản được phép theo quy định của Công ước La Hay, pháp luật của Việt Nam và pháp luật của Man-ta và đã được Cơ quan Trung ương của Việt Nam và Cơ quan Trung ương của Malta chấp thuận rõ ràng từ trước… |