Cuộc họp do đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng chủ trì và có sự tham dự của các Thành viên Hội đồng là các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường....
Sau khi nghe đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo về quá trình xây dựng, nội dung cơ bản của dự án Luật và những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, Hội đồng thẩm định đã tập trung cho ý kiến về các nội dung theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hội đồng thẩm định nhất trí cao về sự thiết ban hành Luật tiếp cận thông tin nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân. Nội dung dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng; bảo đảm tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc gia nhập.
Về nội dung, Hội đồng thẩm định tập trung cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi và ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản. Cụ thể:
Về phạm vi, Hội đồng thẩm định nhất trí cho rằng, để tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc tiếp cận thông tin, cần làm rõ phạm vi thông tin bị hạn chế tiếp cận theo hướng liệt kê cả loại thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư... như Điều 22 dự thảo Luật, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều xác định được rõ phạm vi các thông tin hạn chế tiếp cận giống như kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới khi xây dựng Luật tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị nên bỏ các loại thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin được chuyển sang lưu trữ lịch sử ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật này, vì các vấn đề trên đã được quy định trong các văn bản pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và lưu trữ.
Về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin, Hội đồng thẩm định nhất trí cho rằng, chủ thể cung cấp thông tin phải là tất cả các cơ quan nhà nước, bao gồm cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, vì các cơ quan này đều thực hiện quyền lực nhà nước và nắm giữ nhiều thông tin liên quan đến đời sống xã hội, quyền và lợi ích của công dân, tổ chức. Tuy nhiên, cũng có thành viên đề nghị mở rộng hơn theo hướng chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin là tất cả các cơ quan nhà nước và các tổ chức có sử dụng tài sản, ngân sách nhà nước.
Về các loại thông tin được tiếp cận, Hội đồng thẩm định nhất trí cho rằng, thông tin được tiếp cận là những thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và nắm giữ, nhưng cần nghiên cứu làm rõ nội hàm của khái niệm cơ quan tạo ra và nắm giữ thông tin để bảo đảm tính khả thi, phù hợp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị mở rộng theo hướng, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp các thông tin do mình nắm giữ để tạo điều kiện cho người dân.
Về chủ thể tiếp cận thông tin, một số thành viên cho rằng việc quy định hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người bị bị tạm giam, tạm giữ là chưa hợp lý, vì cho rằng, các đối tượng này vẫn là công dân và chưa bị tước hay hạn chế quyền công dân. Mặt khác, nhà nước nên tạo điều kiện cho các đối tượng nêu trên được tiếp cận thông tin để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Về cơ quan tổ chức thi hành và giám sát, Hội đồng thẩm định nhất trí quy định giao Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân. Tuy nhiên, cũng có thành viên cho rằng, quy định này là không khả thi, vì Chính phủ chỉ quản lý hệ thống cơ quan hành chính nhà nước và không thể với tới các cơ quan nhà nước khác như tòa án, viện kiểm sát, các cơ quan của Quốc hội; đồng thời, đề nghị cân nhắc thành lập một cơ quan giám sát của Quốc hội để bảo đảm việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Về quy định liên quan đến khiếu nại, một số thành viên Hội đồng đề nghị nghiên cứu chỉnh lý cho phù hợp với Luật khiếu nại và Luật tố tụng hành chính, nhất là quy định liên quan đến quyết định, hành vi các chủ thể bị khiếu nại và thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết khiếu nại.
Về thời điểm có hiệu lực của Luật, đa số thành viên Hội đồng đề nghị cân nhắc kéo dài khoảng thời gian từ thời điểm thông qua Luật đến thời điểm có hiệu lực là từ 3-5 năm để có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc tổ chức triển khai thi hành Luật.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã tóm tắt các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định; đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ các ý kiến thẩm định của thành viên Hội đồng để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Chính phủ. Trên cơ sở ý kiến Hội đồng thẩm định, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp luật hình sự - hành chính hoàn thiện biên bản, báo cáo thẩm định trình Chủ tịch Hội đồng ký phát hành./.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật
Anh Cuc CNTT