Tăng phí sẽ tạo thêm áp lực với người phải thi hành án

02/06/2015
Để hướng dẫn các điều khoản mà Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 giao cho Chính phủ, đồng thời bảo đảm đồng bộ, thống nhất của pháp luật về thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp được giao xây dựng 1 Nghị định chung hợp nhất một số văn bản có liên quan mật thiết với nhau. Dự thảo Nghị định hợp nhất này bổ sung nhiều quy định đáng chú ý như kê biên tài sản để thi hành án, bán đấu giá tài sản thi hành án, việc nhận lại đơn yêu cầu thi hành án trong trường hợp cơ quan thi hành án đã trả đơn… cũng như sửa đổi mức, cách tính phí thi hành án. Mới đây, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp thẩm định Dự thảo Nghị định dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng.

Không bảo đảm quyền lợi của người thứ 3

Về kê biên tài sản để thi hành án, Dự thảo quy định kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cầm cố cho người khác thì tài sản sẽ bị kê biên, xử lý để thi hành án. Trường hợp khi kê biên có tranh chấp, Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo Điều 75 Luật Thi hành án dân sự.

Điều 75 quy định, nếu có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch. Dự thảo còn quy định cụ thể việc kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành án với người khác, tài sản chung của vợ chồng và của hộ gia đình; xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp; xử lý trường hợp các đương sự đề nghị lựa chọn tài sản kê biên.

Tại cuộc họp thẩm định Dự thảo Nghị định diễn ra mới đây dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, ông Bùi Minh Hồng (Vụ Pháp luật dân sự kinh tế) cho rằng, quy định về kê biên tài sản thi hành án, như Dự thảo Nghị định còn quá lỏng lẻo, không bảo đảm quyền lợi của người thứ 3. Theo ông Hồng, trong thông báo của Chấp hành viên về kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành án không chỉ xác định tài sản phải thi hành án trong khối tài sản chung mà cần thông báo cho người phải thi hành án, người liên quan có quyền yêu cầu xác định lại.

Tăng phí thi hành án là tăng áp lực cho người thi hành án

Dự thảo cũng quy định phương án xử lý tiền đặt trước của người từ chối mua tài sản hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng hạn nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá. Cụ thể, khoản tiền đặt trước này thuộc về người có tài sản bán đấu giá là cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý tài sản thi hành án. Số tiền được sử dụng để thanh toán các chi phí phát sinh liên quan đến việc xử lý tài sản, chi phí bán đấu giá tài sản và có thể tạm ứng chi phí bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí khác.

Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba phân tích, việc từ chối mua tài sản khác với việc không thực hiện đủ hoặc không đúng hạn nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Do đó, theo ông Ba cần phân biệt rõ để có cách khác nhau trong xử lý khoản tiền đặt cọc. Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai lại cho rằng, khoản tiền đặt cọc phải được nộp vào ngân sách nhà nước và cần xử lý dứt điểm hơn nữa.

Một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm chính là dự kiến sửa đổi mức và cách tính phí thi hành án. Dự thảo đã bỏ mức phí trần tối đa, đồng thời quy định cách tính phí tương đồng với các tính án phí của Tòa án nhằm đảm bảo sự công bằng chung. Theo đó, người được thi hành án phải nộp 3% phí thi hành án khi nhận được tiền, tài sản từ trên hai lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định đến 5 tỷ đồng. Khi giá trị tiền, tài sản thực nhận tăng lên (trên 5 tỷ), tỷ lệ phần trăm là căn cứ tính phí sẽ giảm dần, từ 3 – 2%, đến 1- 0,5% và 0,01%. Ngoài ra, Dự thảo quy định về việc thu phí thi hành án trong trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án và chứng kiến các đương sự thỏa thuận tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) Hồ Thị Hằng cho biết quan điểm của Bộ Tài chính là không tăng phí thi hành án. Hơn nữa, Dự thảo còn quy định chi phí cưỡng chế thi hành án, tạo cảm giác trùng lặp nên cần rà soát, làm rõ hơn. Đại diện Ngân hàng Nhà nước vô cùng băn khoăn với việc tăng phí thi hành án bởi tăng phí thi hành án là tạo thêm áp lực cho người phải thi hành án.

Thục Quyên