Đối thoại Đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

30/05/2015
Đối thoại Đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Hôm nay (30/05), tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã chủ trì Hội thảo đối thoại Đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL).

Tham dự Hội thảo còn có ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện của Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội luật gia và Liên đoàn luật sư; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam; đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện Sở Tư pháp một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các trường đại học, cơ sở nghiên cứu luật và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ.

   

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, với tính chất là “luật về các luật”, Luật BHVBQPPL nhận được sự quan tâm đặc biệt của các Đại biểu Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân trong cả nước. Dự thảo Luật đã được Quối hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến về một số nội dung tại hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Mới đây nhất, dự án Luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp toàn thể trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIII và dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 6 tới. Thứ trưởng cho biết, trên cơ sở các ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đang chủ trì cùng Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật để trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp thứ 9 này. Thứ trưởng mong rằng, trong buổi Hội thảo hôm nay, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến quý báu từ các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, các địa phương, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức quốc tế để hoàn thiện dự thảo Luật BHVBQPPL.

   

Cho rằng đây là Luật cơ bản, quan trọng và còn có thể gọi là “bán Hiến pháp”, quy định những vấn đề cơ sở của các cơ quan liên quan, nguyên tắc công bằng về các quyền, nguyên tắc dân chủ, ông Isabeau Vilandre, Giám đốc Văn phòng dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam khẳng định so với Luật hiện hành, dự thảo Luật BHVBQPPL có rất nhiều tiến bộ, đặc biệt đã xác định rõ ràng hơn quy trình xây dựng chính sách, pháp luật và sự phối hợp giữa các cơ quan.

 

Tại Hội thảo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Phùng Văn Hùng, thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cho đến nay, dự thảo Luật BHVBQPPL đã khá hoàn chỉnh, các ý kiến của Đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật nhận được sự đồng thuận cao của các Đại biểu Quốc hội. Cho ý kiến về Điều 6 của dự thảo luật, ông vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của quy định xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo VBQPPL về tiến độ, chất lượng của văn bản. Bởi theo ông “có rất nhiều cơ quan tham gia vào quá trình soạn thảo văn bản, phải chăng đó là trách nhiệm liên đới của nhiều cơ quan và việc xác định chế tài đối với vấn đề trên như thế nào?”.

Bàn về văn bản quy định chi tiết, ông cho rằng, Việt Nam có rất nhiều “luật khung, luật ống” và phải cần đến văn bản quy định chi tiết. Tuy nhiên, lại xảy ra tình trạng văn bản quy định chi tiết hoặc ban hành không kịp thời, hoặc trích nguyên quy định “cốt lõi đã quy định trong luật”, hoặc quy định “quá xa vời với luật”. Theo ông, văn bản quy định chi tiết nên có cơ chế thoáng hơn và không nhất thiết phải trình cùng luật. Đây cũng là vấn đề nhận được sự đồng tình của Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khi đề cập đến vấn đề “Nghị định quy định những cái mà Luật không quy định”.

Quan tâm đến vấn đề biểu quyết thông qua luật, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Trịnh Thị Thanh Bình, thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, trình tự xem xét, thông qua dự án luật được hiểu là biểu quyết thông qua toàn văn của dự thảo, theo bà “cần có quy định biểu quyết thông qua từng điều và nếu biểu quyết mà không thông qua được thì hướng xử lý vấn đề như thế nào?”.

Về vấn đề trách nhiệm của Chính phủ đối với những VBQPPL không do Chính phủ trình, theo Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì dự thảo Luật cần phải quy định rõ hơn.

Cũng tại Hội nghị, Giáo sư, tiến sỹ Trần Ngọc Đường, nguyên ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có bài bình luận sâu sắc về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng kiểm toán nhà nước và quy trình ban hành VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong dự thảo Luật BHVBQPPL.

Hội nghị diễn ra trong một ngày với nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi, thảo luận của các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học. Đây là cơ sở để Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật BHVBQPPL.

Hoàng Vy Anh