Đoàn công tác liên ngành thực hiện khảo sát tình hình công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm tại Thừa Thiên Huế

22/03/2010
Đoàn công tác liên ngành thực hiện khảo sát tình hình công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm tại Thừa Thiên Huế
Tiếp theo chuyến công tác tại Nghệ An, ngày 17/3/2010 đoàn khảo sát liên ngành về tình hình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm đã có buổi làm việc tại Thừa Thiên Huế. Tham dự buổi làm việc về phía địa phương có các đ/c đại diện Tỉnh uỷ, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ đội biên phòng.

Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang, với các đặc điểm về tự nhiên, kinh tế và xã hội có nhiều tiềm năng cho việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nhân tố phát sinh các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.

Báo cáo của Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế cho thấy ngay sau khi có Nghị quyết số 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành các Chỉ thị để triển khai thực hiện Nghị quyết và Chương trình nói trên. Để phòng, chống tội phạm có hiệu quả Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo thực hiện quyết liệt một số công tác trọng tâm như: Tuyên truyền, phát động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm bằng phát hành tờ rơi, khẩu hiệu, đưa tin, bài phổ biến quán triệt nội dung phòng, chống tội phạm; Cảm hoá, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư bằng cách huy động sự tham gia tích cực của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân; Tăng cường vai trò của lực lượng công an tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền trong thực thi các biện pháp phòng, chống tội phạm; Giữ vững và tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong phòng, chống tội phạm bằng cách chỉ đạo ký kết và triển khai thực hiện nhiều kế hoạch liên ngành giữa Công an với UBMTTQVN tỉnh, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ,...

Với những nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo như trên Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phòng chống tội phạm. Tội phạm về trật tự xã hội, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội tham nhũng trong thời gian 2000-2009 giảm đáng kể so với 10 năm trước. Tội phạm về trật tự xã hội giảm 11,5%. Tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế giảm 37,27%. Công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm đạt hiệu quả cao. Việc phát hiện, điều tra các vụ án ngày càng tiến bộ, tỷ lệ phá án ngày càng cao, năm sau cao hơn năm trước. Công an, Viện Kiểm sát, Toà án nhân dân các cấp không ngừng phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, bảo đảm xử lý tội phạm nghiêm minh, kịp thời và có hiệu quả. Công tác thi đua khen thưởng đổi với các tổ chức, cá nhân được thực hiện kịp thời. Qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, Tỉnh uỷ, UNBD tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh đã khen thưởng cho 236 tập thể, 354 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm.

Qua đó, Thừa Thiên Huế đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm, đó là: Công tác phòng, chống tội phạm phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của Đảng, các lực lượng chức năng chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự gắn với điều kiện thực tế ở từng địa phương, đơn vị; Công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tự giác tham gia phòng, chống tội phạm là một biện pháp có vị trí đặc biệt quan trọng, phải đi trước một bước và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Hình thức, nội dung tuyên truyền phải phong phú đa dạng, phải phù hợp với phong tục tập quán ở từng vùng, từng địa bàn, đối tượng cụ thể; Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, đòi hỏi phải có sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các tổ chức, ban ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân, phải được xã hội hóa một cách tích cực, mạnh mẽ; Vai trò thường trực tham mưu, hướng dẫn của lực lượng Công an là rất quan trọng; Việc triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em phải được lồng ghép chặt chẽ với các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương; Công tác phòng ngừa phải luôn đi đôi với công tác đấu tranh trấn áp, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác, trong đó lấy phòng ngừa là cơ bản, cảm hóa, giáo dục, thuyết phục là chính; Phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Tại buổi làm việc đoàn khảo sát còn nghe báo cáo của 02 điển hình cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Kết quả cho thấy rằng Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tình hình an ninh trật tự ổn định nhất trong toàn quốc. Điều này góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Đỗ Thuý Vân