Phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo Dự án Luật Đấu giá tài sản

05/02/2015
Phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo Dự án Luật Đấu giá tài sản
Chiều ngày 29/01/2015, Bộ Tư pháp đã tổ chức Phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo Dự án Luật Đấu giá tài sản. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì cuộc họp.
 

Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban soạn thảo, thành viên Tổ biên tập là đại diện của các Bộ, ban, ngành có liên quan như Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và doanh nghiệp bán đấu giá tài sản.

   

 Theo báo cáo tại Phiên họp, sau 04 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, hoạt động bán đấu giá tài sản đã có bước phát triển đáng kể. Tính đến ngày 31/12/2014 cả nước có 619 đấu giá viên đang làm việc tại các tổ chức bán đấu giá, 63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và 190 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản. Các loại tài sản bắt buộc bán đấu giá ngày càng được mở rộng, số hợp đồng bán đấu giá thành, giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều so với giá khởi điểm ngày càng tăng, thu ngân sách Nhà nước thông qua hoạt độngbán đấu giá đạt hiệu quả ngày càng cao, bước đầu khẳng định hiệu quả của chủ trương xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động bán đấu giá tài sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bán đấu giá tài sản chưa đồng bộchất lượng của đội ngũ đấu giá viên chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên nghiệp hóahoạt động của các tổ chức bán đấu giá còn nhiều bất cậpcông tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán đấu giá tài sản chưa cao...

Báo cáo nêu rõ việc xây dựng Luật Đấu giá tài sản theo hướng xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động bán đấu giá tài sản trên cơ sở chủ trương, đường lối, quan điểm của Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế pháp lý chung về trình tự, thủ tục, áp dụng thống nhất cho việc bán đấu giá các loại tài sản. Đồng thời, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tăng cường trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên trong hoạt động hành nghề, đặc biệt là tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp của đấu giá viên; nâng cao chất lượng hoạt động bán đấu giá tài sản cũng như phát triển các tổ chức bán đấu giá tài sản mang tính chuyên nghiệp cao và tăng cường cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia đấu giá.

   

Báo cáo cũng đưa ra các vấn đề xin ý kiến thành viên Ban soạn thảo gồm các quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng Dự án Luật Đấu giá tài sản, tên gọi của Luật, phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh của Luật, việc thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản và l trình chuyển Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định cần tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật có liên quan đến bán đấu giá tài sản như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; đồng thời, tiếp tục khảo sát, tham khảo mang tính hệ thống, toàn diện kinh nghiệm của nước ngoài. Xây dựng dự án Luật đấu giá tài sản theo mô hình Luật hình thức, tạo khuôn khổ pháp lý chung về trình tự, thủ tục bán đấu giá; quy định của các văn bản quy phạm khác về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản phải phù hợp với quy định của Luật Bán đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, khi xây dựng Luật Đấu giá tài sản cần xác định rõ được tính đặc thù đối với nghề nghiệp đấu giá để từ đó đề ra mức độ tiêu chuẩn đối với đấu giá viên như về phẩm chất đạo đức, về đào tạo nghề, tập sự hành nghề. Đồng thời, trên cơ sở quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư, cân nhắc loại hình doanh nghiệp bán đấu giá phù hợp. Bộ trưởng nhấn mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động bán đấu giá là phù hợp, cần đẩy nhanh và tăng cường tiếp cận với cơ chế thị trường.

   

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng yêu cầu Thường trực Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Đấu giá tài sản.

 Lê Văn Tuấn - Cục Bổ trợ tư pháp


ảnh Cục CNTT