Góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Nhiều băn khoăn quy định về hợp đồng

31/01/2015
Góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Nhiều băn khoăn quy định về hợp đồng
Hôm qua 30/1, tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Bộ Tư pháp tổ chức, các vấn đề lớn được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là về hợp đồng, lãi suất, quyền nhân thân,các hình thức sở hữu …Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì.
 

Hoàn cảnh thay đổi: được điều chỉnh hợp đồng

Theo ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế - Bộ Tư pháp thì một trong những điểm mới trong dự thảo BLDS lần này là hợp đồng có thể bị thay đổi hoặc hủy bỏ khi hoàn cảnh thay đổi.

Cụ thể, Điều 443 dự thảo Bộ luật về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi quy định trường hợp hoàn cảnh thay đổi dẫn đến quyền, lợi ích của một trong các bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì cho phép các bên điều chỉnh hợp đồng; trường hợp các bên không đạt được thoả thuận trong một khoảng thời gian hợp lý thì Toà án có thể: Chấm dứt hợp đồng vào ngày và theo những điều khoản do Toà án quyết định; Điều chỉnh hợp đồng để phân chia cho các bên các thiệt hại và lợi ích phát sinh từ việc thay đổi hoàn cảnh một cách công bằng và bình đẳng. Tuỳ theo từng trường hợp, Toà án có thể buộc bên từ chối đàm phán hoặc phá vỡ đàm phán một cách không thiện chí, trung thực phải bồi thường thiệt hại.

 

   

Bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng Khoa Luật, Đại học Ngoại thương ủng hộ quy định nói trên của dự thảo “thực tế có rất nhiều trường hợp muốn thay đổi hợp đồng nhưng lại không thể quy về bất khả kháng, gây thiệt hại cho các bên. Vì vậy, việc cho phép một bên gặp khó khăn có quyền yêu cầu thiết lập lại, sửa đổi hay hủy bỏ sẽ thuận lợi hơn cho người dân. BLDS cũng cần ghi nhận nguyên tắc thiện chí để nếu một bên giao dịch không có thiện chí tức là anh đã vi phạm nguyên tắc này của BLDS”. Bà Hằng nói.

GS. TS Lê Hồng Hạnh cũng tán thành “Rất nên có quy định này” nhưng ông lưu ý “phải dựa trên nguyên lý cơ bản là tôn trọng ý chí của các bên”. Đặc biệt theo GS Hạnh quan trọng là phải có những quy định cụ thể hoàn cảnh như thế nào thì được thay đổi.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình việc cho phép Tòa án điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi không vi phạm nguyên tắc tự do ý chí, tự do định đoạt của các chủ thể quan hệ hợp đồng mà là sự cụ thể hóa nguyên tắc về tính có giới hạn của việc thực hiện quyền dân sự được quy định tại Điều 16 dự thảo Bộ luật. Theo yêu cầu của nguyên tắc này thì để bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên trong hợp đồng, sự ổn định của các quan hệ dân sự, thương mại có liên quan, cần cho phép Tòa án có thể điều chỉnh hợp đồng theo các điều kiện chặt chẽ được quy định trong Bộ luật dân sự; Việc cho phép Tòa án điều chỉnh hợp đồng sẽ thúc đẩy các hợp đồng được thực hiện trong thực tiễn, đẩy mạnh giao lưu dân sự. 

   

Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến dự thảo BLDS sửa đổi, bên cạnh luồng ý kiến đồng tình, cũng có nhiều ý kiến đề nghị không quy định như dự thảo Bộ luật vì quy định như vậy là không phù hợp với bản chất của hợp đồng là sự tự do ý chí, tự do thỏa thuận. Các cơ quan nhà nước, trong đó có Tòa án không được và không nên can thiệp vào sự tự do của các bên khi tham gia các giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng nói riêng.

Hợp đồng có hiệu lực thời điểm nào?

Cũng liên quan đến vấn đề hợp đồng, nhiều ý kiến tại hội nghị băn khoăn về thời điểm có hiệu lực. Công chứng viên Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Tú (Hà Nội) cho rằng, không nên quy định hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm đăng ký. “Khi các bên giao kết hợp đồng thì đã thể hiện ý chí của họ rồi. Ví dụ tôi cho anh cái xe máy kèm theo cả giấy tờ sở hữu thì cho xong tôi không thể đòi lại chỉ vì lý do anh chưa đăng ký. Đăng ký chỉ mang tính quản lý nhà nước”. Ông Tú nói và đề nghị hiệu lực hợp đồng nên có ngay sau khi ký kết.

Đại diện Ban Pháp chế, Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị cũng chỉ ra một thực tế rằng, khi mua nhà khách hàng chỉ cần hoàn tất các thủ tục thanh toán, chủ đầu tư bàn giao nhà xong là người mua có quyền sở hữu và họ có quyền được bán và thực hiện các giao dịch đối với tài sản này dù chưa có sổ đỏ “Cần xem xét lại quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với nhà cho phù hợp với Luật Nhà ở” đại diện này đề xuất.

Vấn đề này cũng có ý kiến lo ngại nếu quy định hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu dễ dẫn đến tình trạng bội ước vì thời điểm từ khi ký kết hợp đồng đến khi đăng ký có thể kéo dài cả năm. Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc để có quy định những quy định cụ thể, đảm bảo tính khả thi đồng thời tránh những tranh chấp có thể phát sinh.

Lê Minh