Hội nghị giao ban Lãnh đạo phụ trách công tác xây dựng pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

22/12/2014
Hội nghị giao ban Lãnh đạo phụ trách công tác xây dựng pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ
Chiều ngày 18 tháng 12 năm 2014, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị giao ban Lãnh đạo phụ trách công tác xây dựng pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng chủ trì.

Hội nghị đã tập trung thảo luận, đánh giá về kết quả công tác xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết trong năm 2014 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; đồng thời thảo luận về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới và đề xuất các biện pháp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.

Trong năm 2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã trình Chính phủ cho ý kiến 33 dự án luật, pháp lệnh và 01 Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015. Tính đến hết Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 25 dự án luật; trình Quốc cho ý kiến 09 dự án luật.

   

Về kết quả ban hành văn bản quy định chi tiết, trong năm 2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 201 văn bản quy định chi tiết (77 nghị định, 10 quyết định, 98 thông tư, 16 thông tư liên tịch). Trong đó có 69 văn bản nợ ban hành từ năm 2013 chuyển sang và 132 văn bản (50 nghị định, 07 quyết định, 62 thông tư, 13 thông tư liên tịch) quy định chi tiết thi hành 22 luật, pháp lệnh mới phát sinh hiệu lực hoặc có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015. Từ ngày 01/01/2014 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành được 46/87 văn bản (41 nghị định, 05 quyết định), đạt 52,87%; còn 41/87 văn bản (36 nghị định, 05 quyết định) chưa ban hành, chiếm 47,13%, trong đó có 07 nghị định đã ở trong tình trạng nợ đọng và 29 văn bản (24 nghị định, 05 quyết định) ở trong chậm ban hành. Các bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 48/114 văn bản (46 thông tư, 02 thông tư liên tịch), đạt 42,11%; còn 66/114 văn bản (52 thông tư, 14 thông tư liên tịch) chưa ban hành, chiếm 59,65%, trong đó có 13 văn bản (12 thông tư, 01 thông tư liên tịch) ở trong tình trạng nợ đọng và 53 văn bản (40 thông tư, 13 thông tư liên tịch). Như vậy, trong năm 2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 94/201 văn bản, đạt 46,77%. Trong đó, giải quyết được 53/69 văn bản nợ của năm 2013 và 41/132 văn bản phát sinh trong năm 2014. Tổng số còn 107/201 văn bản chưa ban hành, chiếm 53,23%, trong đó có 20/107 văn bản ở trong tình trạng nợ đọng.

Tại Hội nghị, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cơ bản đều thống nhất cao về việc đánh giá kết quả thực hiện. Cơ bản các dự án luật, pháp lệnh đã bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tiến độ và đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua. Các luật, pháp lệnh sau khi được Quốc hội thông qua đều được tổ chức thi hành kịp thời, có hiệu quả. Chất lượng văn bản quy định chi tiết ngày càng được nâng lên, chưa phát hiện văn bản nào có dấu hiệu trái pháp luật hoặc có nội dung không khả thi gây bức xúc dư luận. Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh hơn từng bước đáp ứng yêu cầu triển khai thi hành luật, pháp lệnh. Một số văn bản quy định chi tiết đã được ban hành kịp thời để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, chẳng hạn các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, một số văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế; Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa. Có những thời điểm số lượng văn bản nợ đọng đã giảm đáng kể (tháng 11/2014 chỉ nợ 20 văn bản ở mức thấp nhất từ trước đến nay). Điều này cũng đã được Quốc hội ghi nhận tại các kỳ họp thứ 7 và thứ 8.

   
 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như vẫn còn tình còn tình trạng xin lùi thời hạn trình, xin rút dự án luật ra khỏi chương trình.

Trong Quý I/2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý 09 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và trình Chính phủ 05 dự án luật là: Luật biểu tình; Pháp lệnh quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, nhân viên quốc phòng; Luật phí, lệ phí; Bộ luật hình sự (sửa đổi); Luật tiếp cận thông tin. Về xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần chỉnh lý, hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 107 văn bản chưa ban hành nêu tại Phụ lục đính kèm; rà soát và phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp trong việc rà soát 18 luật và các nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 để xác định đầy đủ các nội dung được giao; lập dự kiến danh mục văn bản và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo; khẩn trương xây dựng và thực hiện các Kế hoạch triển khai thi hành các luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 trong đó tập trung nguồn lực để nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành bảo đảm chất lượng, tiến độ, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật để tổ chức triển khai thi hành luật đồng bộ, thống nhất; phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ xây dựng báo cáo về tình hình triển khai thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.

 

Với nhiệm vụ nặng nề như vậy đòi hỏi các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần phải tập trung nguồn lực để thực hiện. Với những nội dung và các giải pháp đã được thống nhất tại Hội nghị giao ban, các Bộ, cơ quan ngang Bộ sẽ triển khai thực hiện và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật. Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng khẳng đinh, Hội nghị là cơ hội để các Bộ, cơ quan ngang Bộ gặp gỡ, trao đổi, đánh giá về tình hình thực hiện công tác xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2014 và nhiệm vụ 2015; các Bộ, cơ quan ngang Bộ lưu ý khắc phục các nguyên nhân chủ quan làm sao công tác này đáp ứng yêu cầu góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền; năm 2014, số văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng đã giảm đáng kể, tiến bộ so với các năm trước - đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của đội ngũ pháp chế các Bộ, ngành; thời gian tới, các Bộ, ngành cố gắng giải quyết tình trạng nợ đọng. Liên quan đến việc lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, vì  năm 2016 là năm cuối khóa Quốc hội XIII và bầu cử khóa mới (khóa XIV), nên thời gian cho công tác xây dựng pháp luật rất hạn chế, do vậy, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã yêu cầu các Bộ, ngành cần cân nhắc kỹ, chắc chắn để đề xuất đưa dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình, hạn chế tình trạng xin lùi, xin rút.


Ảnh Thái Nguyên - Cục Công nghệ thông tin