Hội thảo về Bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức Ngành Tư pháp

22/12/2014
Hội thảo về Bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức Ngành Tư pháp
Ngày 18 tháng 12 năm 2014, Bộ Tư pháp với sự hỗ trợ của Chương trình Đối tác Tư pháp do Phái đoàn Liên minh Châu Âu, Đan Mạch, Thụy Điển (Dự án JPP) đã tổ chức Hội thảo về “Bộ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Tư pháp”.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các đơn vị thuộc Bộ, ông Trần Văn Quảng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, đại diện các Sở Tư pháp, Phòng Công chứng, Trung tâm trợ giúp pháp lý của thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh Hòa Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định...Ông Lê Tiến Châu, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì Hội thảo.

“Chức danh nghề nghiệp” là quy định mới của Luật Viên chức, được sử dụng để thay thế cho quy định về “ngạch” viên chức - khái niệm truyền thống được sử dụng trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức một thời gian dài trước khi có Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức. Việc đổi mới từ “ngạch” sang “chức danh nghề nghiệp” nhằm thể hiện đúng với bản chất thực thi nhiệm vụ và hoạt động nghề nghiệp của một phần lớn viên chức đang hoạt động trong các lĩnh vực sự nghiệp, hướng đến việc phát huy tối đa các tiềm năng tri thức, tài năng và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ viên chức, đáp ứng yêu cầu cải cách khu vực dịch vụ công, phát triển và hội nhập quốc tế. Bộ Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức của ngành Tư pháp được triển khai xây dựng theo tinh thần đổi mới của Luật Viên chức và theo yêu cầu của Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Tiến Châu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Bộ Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Tư pháp, đồng thời khẳng định mục đích của việc xây dựng Bộ Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Tư pháp nhằm thực hiện đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ, tạo căn cứ quan trọng để thực hiện có hiệu quả các nội dung quản lý viên chức như tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thăng hạng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ viên chức của ngành Tư pháp. Tuy nhiên, ông Lê Tiến Châu cũng nêu yêu cầu đối với việc xây dựng Bộ Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Tư pháp trong bối cảnh đang đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực công tác tư pháp như công chứng, trợ giúp pháp lý...

   

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày các nội dung quy định về Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên và Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý, trong đó ông Vũ Hồng Dương, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp nhấn mạnh điểm mới của Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên lần này sẽ có sự phân hạng đối với công chứng viên và quy định tiêu chuẩn cụ thể cho từng hạng công chứng viên. Theo đó, đối với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên, dự thảo Thông tư liên tịch quy định mã số, 03 hạng chức danh nghề nghiệp và nhiệm vụ, tiêu chuẩn năng lực, tiêu chuẩn trình độ tương ứng đối với từng hạng công chứng viên. Đối với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý, dự thảo quy định mã số, 02 hạng chức danh nghề nghiệp và nhiệm vụ, tiêu chuẩn năng lực, trình độ tương ứng đối với từng hạng trợ giúp viên pháp lý.

Theo ông Trần Văn Quảng, nguyên Vụ trưởng Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp, việc xây dựng Bộ Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Tư pháp là cần thiết để đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ viên chức của ngành Tư pháp. Tuy nhiên, việc phân hạng trong từng chức danh nghề nghiệp phải thật rõ nét, mỗi hạng phải thể hiện tích chất, mức độ khác nhau rõ ràng trong công việc chuyên môn tương ứng với các thứ hạng của chức danh nghề nghiệp.

   

Quá trình thảo luận hầu hết các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí đối với việc ban hành Bộ Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Tư pháp nhằm thực hiện yêu cầu của Luật Viên chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp. Xã hội hóa các lĩnh vực công tác tư pháp được các đại biểu khẳng định là chủ trương đúng đắn và cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, tuy nhiên quá trình này cũng đòi hỏi thời gian và lộ trình trong từng giai đoạn, trong khi đó, yêu cầu xây dựng đội ngũ viên chức ngành Tư pháp vững mạnh cũng là một nội dung quan trọng đang đặt ra trong tiến trình đẩy mạnh cải cách công chức, công vụ hiện nay. Bộ Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Tư pháp được ban hành sẽ là căn cứ quan trọng cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ viên chức của Ngành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào các quy định cụ thể của Bộ Tiêu chuẩn về nhiệm vụ, yêu cầu về năng lực, trình độ, thâm niên công tác và cả về cách thức thể hiện các quy định cho hợp lý.

Kết thúc Hội thảo, ông Lê Tiến Châu khẳng định việc xây dựng Bộ Tiêu chuẩn chức danh viên chức ngành Tư pháp là nhằm thực hiện tinh thần đổi mới của Luật Viên chức và tạo căn cứ cho việc quản lý và sử dụng có hiệu quả đội ngũ viên chức của ngành Tư pháp. Bộ Tiêu chuẩn chức danh viên chức ngành Tư pháp cần bảo đảm sự mô tả cụ thể, phân hạng rõ ràng trong nội dung nhiệm vụ chuyên môn, yêu cầu về năng lực và trình độ của từng chức danh nghề nghiệp viên chức, có sự tham khảo kinh nghiệm của quốc tế và phải được đặt trong bối cảnh đẩy mạnh xã hội hóa, đổi mới các lĩnh vực công tác tư pháp của Ngành để đưa ra các quy định phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng và bảo đảm chế độ, chính sách đối với đội ngũ viên chức của ngành Tư pháp./.